Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Người Hà Tĩnh không chỉ yêu âm nhạc mà còn rất sâu nặng ân tình”

(Baohatinh.vn) - Nhân dịp xuân mới Ất Tỵ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Báo Hà Tĩnh về những "duyên nợ" với miền đất Hà Tĩnh qua âm nhạc.

PGS.TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là người có nhiều duyên nợ với miền đất Hà Tĩnh qua âm nhạc. Ông từng viết nhiều nhạc phẩm về miền đất thấm đẫm ân tình này. Nhân dịp xuân mới Ất Tỵ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Báo Hà Tĩnh.

PGS.TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam
PGS.TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam

P.V: Thưa nhạc sỹ, ông từng đến với Hà Tĩnh và có nhiều nhạc phẩm về miền quê này… Trên cương vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, chắc ông đã từng nghiên cứu âm nhạc dân gian Hà Tĩnh và tìm hiểu vì sao từ xưa đến nay, miền đất này luôn là thi liệu đẹp của âm nhạc?

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Hà Tĩnh có nhiều bài hát hay thì chúng ta đều đã rõ. Vì sao cùng một dải đất miền Trung mà Hà Tĩnh lại có nhiều bài hát hay hơn các tỉnh khác vậy? Từ thời chống Mỹ cho đến tận bây giờ, Hà Tĩnh vẫn là cảm hứng cho các nhạc sỹ sáng tác nhiều bài hát rất hay như: Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Người con gái sông La (Doãn Nho phổ thơ Phương Thúy), Bài ca Hà Tĩnh (Đỗ Dũng)…, cho đến Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên), Điệu ví giặm là em (NSƯT Quốc Nam), Hà Tĩnh quê mình (Ngọc Thịnh), Núi Hồng sông La (Quốc Việt phổ thơ Xuân Hoài), Người Hà Tĩnh có thương (Lưu Hà An phổ thơ Lan Dung)…

Tôi đã nhiều lần tìm hiểu xem vì sao ở nơi thiên nhiên khắc nghiệt này mà âm nhạc lại mềm mại, thiết tha đến thế? Và câu trả lời không gì khác ngoài khung cảnh thiên nhiên hữu tình với đủ núi, sông, đồng ruộng, biển cả và truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc. Đặc biệt là con người Hà Tĩnh rất cần cù lao động, hiếu khách và rất yêu chuộng văn chương, nghệ thuật.

Từ xa xưa, Hà Tĩnh đã có truyền thống hát ví, giặm và hát ca trù (Cổ Đạm). Dân ca ví, giặm đã được trữ tình hóa, được các tầng lớp nho sĩ như cụ Nguyễn Du tham gia soạn lời nên rất thấm đượm, sâu sắc. Ca trù với nét sang trọng, tinh tế của Hà Thành đã được những người Hà Tĩnh lập phường hội để hát, được các nhà thơ như cụ Nguyễn Công Trứ sáng tác phần lời nên lưu truyền rất lâu.

Các nhạc sĩ khi viết về Hà Tĩnh rất tinh ý để tiếp nhận có chọn lọc âm hưởng dân ca, tiêu biểu là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khai thác được tính chất trữ tình, hạn chế sự dài dòng của các làn điệu hò, ví hay tiết tấu 7-8 quá sôi động của giặm. Hay như nhạc sỹ Doãn Nho, vừa chọn lọc âm nhạc dân gian ví, giặm với nét mênh mang, sâu lắng, sôi nổi kết hợp với giai điệu và ca từ hiện đại, tạo nên nhạc phẩm “Người con gái sông La” nổi tiếng. Các nhạc sỹ khác mỗi người có một cách nhưng đã biết hài hòa âm nhạc dân gian xứ Nghệ với âm nhạc hiện đại vào trong tác phẩm của mình cùng sự sáng tạo của từng nhạc sỹ nên đã thành công.

Mảnh đất và con người Hà Tĩnh đã cho nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhiều xúc cảm trong sáng tác.
Mảnh đất và con người Hà Tĩnh đã cho nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhiều xúc cảm trong sáng tác.

Người Hà Tĩnh không chỉ yêu thích âm nhạc mà còn rất sâu nặng ân tình, rất trân trọng, yêu mến các nhạc sỹ. Việc Hà Tĩnh từng trích kinh phí hỗ trợ hằng tháng đối với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý trong những năm cuối đời cho đến khi ông mất, rồi nhiều lãnh đạo Hà Tĩnh từng vào TP Hồ Chí Minh thăm nhạc sỹ khi ông đau ốm khiến giới nhạc sỹ cả nước rất trân quý và nhớ mãi. Đó là hành động không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là giá trị văn hóa, tinh thần, thể hiện sự tôn trọng một nhạc sỹ có nhiều bài hát hay về Hà Tĩnh.

P.V: Ông có thể chia sẻ về ngọn nguồn cảm xúc và những thành công của mình khi viết các tác phẩm về Hà Tĩnh?

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Tôi đã về Hà Tĩnh nhiều lần và có khá nhiều kỷ niệm. Ngay từ lần đầu, tôi đã biết đây là một vùng văn hóa, một vùng âm nhạc giàu có. Tôi cảm thấy yêu quý, gần gũi vùng đất này. Thiên nhiên ở đây tạo cho con người cảm xúc. Chuyến đi đầu tiên lên miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang cho tôi một cảm giác lạc vào thế giới âm thanh, thế giới thiên nhiên khác hẳn và tôi đã sáng tác bản nhạc đầu tiên. Năm 1995, sau 2 lần đi thực tế ở Ngã ba Đồng Lộc, tình cờ tôi bắt gặp bài thơ: “Ngã ba chiều” của nhà thơ, nhà báo Trần Sỹ Tuấn và đã phổ nhạc bài thơ này. Nội dung về Ngã ba Đồng Lộc nhưng không có một câu nào nhắc đến từ Đồng Lộc, vậy mà khi hát lên mọi người đều biết là viết về chốn linh thiêng ấy.

Còn đối với 2 nhạc phẩm “Đêm trăng rơi” và “Âm vang non nước quê nhà” (phổ thơ Đức Ban), tôi lại chọn làn điệu, âm hưởng ca trù vì Hà Tĩnh là nơi duy nhất của miền Trung gắn với ca trù, lại là quê hương cụ Nguyễn Công Trứ, nhà thơ nổi tiếng, người từng được phong là “ông hoàng hát nói”, có công nâng ca trù lên một tầm cao mới. Hơn nữa, khi sử dụng ca trù thì tránh được sự nhàm chán bởi các làn điệu ví, giặm đã được nhiều người hát, nhiều người thuộc, lại rất dài và khai thác được nét độc đáo của loại hình âm nhạc ca trù vừa có nét dân gian lại có nét bác học…

bqbht_br_canon-eos-6d-5472x3648-000205.jpg
Tác giả trò chuyện cùng nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân.

P.V: Theo ông, các nhạc sỹ Hà Tĩnh đã tiếp nối được phong cách sáng tạo nghệ thuật của lớp người đi trước như thế nào khi cho ra đời nhiều nhạc phẩm về quê hương và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người?

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: Trên “bản đồ” âm nhạc của cả nước, Hà Tĩnh vẫn được đánh một dấu son đỏ. Từng là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhạc sỹ “gạo cội”, Hà Tĩnh cũng đã nuôi dưỡng một thế hệ mới khá thành danh. Lớp nhạc sỹ mới của Hà Tĩnh sau này như: Mạnh Chiến, Quốc Nam, Ngọc Thịnh, Quốc Việt, Sĩ Chinh, Hoàng Nhật Dương… hầu hết đều được học hành, trang bị kiến thức đầy đủ, có ý thức tôn trọng kho tàng âm nhạc của cha ông. Vừa được học hành và lại có ý thức tiếp cận kho tàng âm nhạc cha ông nên họ có sáng tạo, không bắt chước máy móc và đã thành công.

Chính vì vậy, dù đã có nhiều bài hát hay từ thời chống Mỹ, Hà Tĩnh vẫn đang là “đất nhạc” để các nhạc phẩm về miền quê này tiếp tục ra đời như: Điệu ví giặm là em (Quốc Nam); Nơi ấy quê mình (Mạnh Chiến); Câu đợi câu chờ, Cung đàn Thúy Kiều (Ngọc Thịnh); Sông La ngày về, Huyền thoại núi Hồng (Quốc Việt); Khúc tự tình Ngàn Phố (Sĩ Chinh)… Tôi mong muốn các nhạc sỹ tiếp tục phát huy truyền thống, thâm nhập sâu vào đời sống Nhân dân để có nhiều nhạc phẩm hay về đất nước, con người Việt Nam, về miền quê Hà Tĩnh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn nhạc sỹ. Nhân dịp xuân mới Ất Tỵ, chúc ông dồi dào sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho âm nhạc nước nhà nhiều nhạc phẩm có giá trị!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.
Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Với điểm IELTS 8.0, “thần đồng tiếng Anh” Nguyễn Lê Bảo Chung (lớp 6A7, Trường Albert Einstein Hà Tĩnh) đã trở thành 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt số điểm này với kỹ năng Reading đạt tuyệt đối 8.0, Speaking 8.5, Listening 8.5 và Writing 7.0.
Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, Nhân dân thôn Đồng Yên ở xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng quê hương thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thanh bình, đáng sống.
Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.