Tổ chức đoàn tiếp sức cho thanh niên hồi hương lập nghiệp

(Baohatinh.vn) - Đại dịch COVID-19 khiến không ít lao động trẻ ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phải hồi hương trong cảnh không kế sinh nhai. Trước thực tế đó, tổ chức đoàn thanh niên đã kịp thời tiếp sức, giúp họ từng bước viết nên cuộc sống mới tại quê nhà.

Anh Nguyễn Văn Thọ (SN 1991), ở thôn Quốc Tuấn - xã Cẩm Mỹ quyết định lập nghiệp ở quê hương với mô hình trồng cây chè vằng.

Gần 10 năm rời quê vào Đắk Lắk, anh Nguyễn Văn Thọ (SN 1991), ở thôn Quốc Tuấn, xã Cẩm Mỹ vẫn không có việc làm ổn định. Thu nhập của anh nhờ vào việc làm rẫy thuê hoặc đi phụ công trình xây dựng nên cuộc sống rất bấp bênh.

Dịch COVID-19 xuất hiện khiến cuộc sống của anh nơi đất khách quê người trở nên khó khăn, túng quẫn. Sau một thời gian “chống chọi”, ứng biến không thành, anh Nguyễn Văn Thọ đã quyết định hồi hương.

Anh Thọ tự ủ phân để bón cho chè vằng và cây ăn quả trong vườn.

Anh tâm sự: “Cuối năm 2020 tôi quyết định về Hà Tĩnh tránh dịch. Về quê nhìn thấy 1,5ha đất của gia đình đang canh tác không hiệu quả, tôi chợt nghĩ đến việc xây dựng mô hình trồng cây dược liệu mà tôi từng được tham quan ở Đắk Lắk. Sau một thời gian tìm hiểu, tham khảo ý kiến của nhiều người lại được sự định hướng của Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ, tôi quyết định xây dựng mô hình trồng cây chè vằng”.

2.000 gốc chè vằng ban đầu được trồng lên có sự góp sức lớn từ ĐVTN trong xã.

Ý tưởng của anh Nguyễn Văn Thọ đã nhận được sự tiếp sức lớn từ Ban Chấp hành Đoàn xã Cẩm Mỹ. Để hỗ trợ anh thực hiện mô hình, tháng 6/2021, Đoàn xã huy động lực lượng hỗ trợ ngày công xuống giống 2.000 bầu cây chè vằng đầu tiên.

Không chỉ vậy, Đoàn xã Cẩm Mỹ còn hướng dẫn anh Thọ các thủ tục hồ sơ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm chè vằng.

Dự kiến sau 1 năm chè vằng sẽ cho thu hoạch.

Cuối tháng 6/2021, mô hình của anh Nguyễn Văn Thọ ra mắt, trở thành mô hình trồng cây chè vằng đầu tiên trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.

Ngoài trồng cây nguyên liệu, anh Thọ tính toán mua sắm thêm trang thiết bị sơ chế dược liệu, nấu cao chè vằng. Hiện nay, anh đã trồng thêm 1 vạn bầu chè vằng, dự kiến sau 1 năm sẽ cho thu hoạch.

Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp vườn ao chuồng của anh Lê Văn Hướng đang được sự tiếp sức của Đoàn xã.

Cũng được tổ chức đoàn đồng hành, tháng 7/2021, mô hình kinh tế trang trại tổng hợp vườn ao chuồng do anh Lê Văn Hướng (SN 1995), ở thôn Mỹ Hà làm chủ đã được ra mắt. Anh Hướng cũng là một trong những thanh niên trở về quê khởi nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh Bình Dương.

Bí thư Đoàn xã Phan Văn Trí (bên trái) thảo luận với các ĐVTN địa phương về việc thành lập tổ hợp tác nuôi ốc.

Anh Hướng chia sẻ: “Đại dịch COVID-19 đã khiến tôi thay đổi tư duy. Nếu như trước đây tôi quyết ly hương thì trong lần hồi hương này, bằng mọi giá tôi phải ở lại và xây dựng kinh tế ngay trên đất mình. Từ ý tưởng đến hiện thực không hề xa khi tôi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhất là tổ chức đoàn trong việc tìm vốn vay, nguồn giống, hỗ trợ ngày công cũng như động viên tinh thần, giúp tôi vững tin thực hiện mô hình”.

Từ 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trên địa bàn Cẩm Mỹ có khoảng gần 100 ĐVTN hồi hương. Ngoài một số ĐVTN đã đứng ra thành lập mô hình vẫn còn nhiều thanh niên sống bằng các nghề phụ hoặc cùng sản xuất với gia đình... Chính vì thế, hiện nay, Đoàn xã đang tích cực hoàn thiện các thủ tục ra mắt tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc. Trước mắt, tổ hợp tác quy tụ 4 thành viên là những đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hiện đang sinh sống tại địa phương, chưa có việc làm ổn định, có mong muốn khởi nghiệp tại quê hương.

Khu vực ruộng bỏ hoang được chọn làm ao nuôi ốc.

Đến nay, thành viên tổ hợp tác đã lựa chọn vị trí đào ao, tìm hiểu con giống, đầu ra sản phẩm; dự kiến đầu năm 2022 sẽ thả 1 vạn con giống thử nghiệm. Ban đầu, mô hình do Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ Phan Văn Trí làm tổ trưởng, sau khi hoạt động ổn định, nếu các bạn trẻ trong xã có nhu cầu, mô hình sẽ được chuyển giao.

Cẩm Mỹ có lợi thế về đất đai để ĐVTN có thể mạnh dạn khởi nghiệp.

Anh Phan Văn Trí - Bí thư Đoàn xã chia sẻ: “Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, Đoàn xã Cẩm Mỹ sẽ luôn đồng hành với ĐVTN thông qua việc định hướng chọn giống cây, con phù hợp; giới thiệu các chủ trương, chính sách, nguồn vốn hỗ trợ; tìm kiếm đầu ra; kết nối tổ chức tập huấn kiến thức để hỗ trợ thanh niên. Thời gian tới, Đoàn xã cũng sẽ ra mắt câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp nhằm tập hợp các ĐVTN, chủ mô hình kinh tế trên địa bàn. Đây sẽ là không gian để ĐVTN chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau khởi nghiệp trên chính quê hương”.

Cẩm Mỹ là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để ĐVTN phát triển mô hình kinh tế. Đoàn xã mà đặc biệt là đồng chí Bí thư Đoàn rất trách nhiệm trong kết nối, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; chính quyền địa phương vào cuộc sát sao và ủng hộ tổ chức Đoàn. Nhờ vậy, phong trào hỗ trợ thanh niên lập nghiệp trên địa bàn đang tạo niềm tin, sự lan tỏa trong đời sống Nhân dân nói chung và ĐVTN nói riêng. Chỉ trong năm 2021, Đoàn xã đã hỗ trợ thành lập 3 mô hình kinh tế thanh niên, từ đó, góp phần nhân rộng và thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp tại quê hương.

Anh Lê Văn Luân - Bí thư Huyện đoàn Cẩm Xuyên

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói