Trang sử hào hùng
Ngày 20/10/1930, Hội LHPN Việt Nam chính thức được thành lập. 94 năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo phong trào phụ nữ cả nước không ngừng phát triển. Trong đó, phụ nữ Hà Tĩnh rất tự hào khi ở mỗi giai đoạn lịch sử luôn phát huy được 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, không ngừng cống hiến, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu giữ những kỷ vật, hồi ký và những câu chuyện về những nữ chiến sĩ quê Hà Tĩnh quả cảm trong phong trào Xô viết 1930-1931. Tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hứa (Đức Thọ); Nguyễn Thị Khương, Võ Thị Ngọ (TP Hà Tĩnh); Đặng Thị Cẩm (huyện Kỳ Anh); Lê Thị Thường (Thạch Hà); Nguyễn Thị Châu (Hương Sơn); Phạm Thị Dung (Lộc Hà)… Họ là những tấm gương điển hình về ý chí cách mạng, sự mưu trí, lòng dũng cảm, kiên cường, thủy chung son sắt; trước gươm giáo, súng đạn, sự tra tấn dã man của kẻ thù vẫn một lòng với Đảng, với dân, đấu tranh chống lại kẻ thù.
Sau năm 1945, cùng với lực lượng nam giới, các tầng lớp phụ nữ Hà Tĩnh cũng đóng góp công sức to lớn vào 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điển hình như: Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương (TX Kỳ Anh); các nữ Anh hùng LLVT nhân dân: La Thị Tám, Nguyễn Thị Bằng, Nguyễn Thị Hạnh; Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thảo… Đặc biệt là 10 nữ liệt sĩ TNXP Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh tại Ngã ba Đồng Lộc. Sự hy sinh của các chị là biểu tượng bất tử về tinh thần chiến đấu của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Hà Tĩnh nói riêng cho khát vọng hòa bình.
Cùng với tham gia chiến đấu trên mặt trận, hàng nghìn phụ nữ Hà Tĩnh là mẹ, là vợ nơi hậu phương luôn sắt son chung thủy, hăng say lao động sản xuất, tạo chỗ dựa vững chắc cho người lính nơi chiến trận. Các cuộc chiến qua đi, đã có biết bao Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ nén nỗi đau tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước.
Bà Bùi Thị Tuyết (SN 1945, trú xã Tùng Ảnh) - nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Thọ chia sẻ: “Khi đất nước bị xâm lăng thì không phân biệt phụ nữ hay nam giới, tất cả đều đứng lên chiến đấu. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, phụ nữ xung phong ra trận rất nhiều. Những người ở lại hậu phương cũng xem mình như chiến sĩ, thi đua lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất phục vụ chiến trường. Vì vậy, chúng tôi có nhiều phong trào như: Phụ nữ 3 đảm đang, Phụ nữ 5 tốt…”.
Với những cống hiến lớn lao cho quê hương, đất nước, trong 94 năm qua, tập thể Hội LHPN Hà Tĩnh đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (1965), hạng Nhì (1980 và 2000), hạng Nhất (1991 và 1995)… Cùng nhiều cá nhân được Nhà nước trao tặng các danh hiệu thi đua: “Huy hiệu Bác Hồ”, “Dũng sĩ Bồng Sơn”, “3 sẵn sàng”, “5 tốt”, “3 đảm đang” và các phong trào thi đua yêu nước khác…
Tiếp tục cống hiến hết mình
Từ năm 1991, sau khi tái lập tỉnh, Hà Tĩnh bước vào thời kỳ tái thiết. Sau 33 năm, từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đã từng bước vươn lên đạt nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh nhà đã có những bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực, phong trào. Trong đó, phong trào xây dựng NTM đã tạo ra sự thay đổi lớn, mang lại đời sống no ấm cho mỗi người dân. Những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các tầng lớp phụ nữ trên mỗi miền quê.
Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ Hà Tĩnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động đạt những kết quả nổi bật. Trong nửa nhiệm kỳ, đã có 20/26 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt, 22/23 chỉ tiêu đăng ký thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 cơ bản đạt và vượt.
Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu” được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Đến nay, đã có 3.512 công trình, phần việc trị giá gần 25 tỷ đồng được hoàn thành; tiếp tục duy trì 571 mô hình học tập và làm theo Bác với số tiền tiết kiệm trên 31 tỷ đồng. Các cấp hội đã giúp 16.900 hộ gia đình đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức hội.
Các chương trình hành động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế đạt được nhiều kết quả rõ nét. Chị em phụ nữ tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; giám sát, phản biện xã hội; đề xuất, xây dựng chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới…
Phụ nữ Hà Tĩnh cũng tham gia phối hợp thực hiện nhiều chương trình hành động ý nghĩa, nhân văn như: “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Sau 3 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh đã vận động nhận đỡ đầu 993 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền cam kết hỗ trợ gần 16,2 tỷ đồng…
Ngoài các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phụ nữ Hà Tĩnh cũng từng bước vươn mình khẳng định giới trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, làm chủ các mô hình kinh tế…
Giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ quê hương núi Hồng - sông La nói riêng là điểm tựa, động lực để hôm nay, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh không ngừng phát huy vai trò, nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các phong trào cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; không ngừng phấn đấu, xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới: có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, gia đình và bản thân; sống đoàn kết, nghĩa tình.