Tòa nhà chọc trời “tái chế nâng cấp” đầu tiên trên thế giới

Tòa nhà mới cao 206 m được xây ghép vào công trình cũ đã tồn tại hàng chục năm, giúp tiết kiệm tới 102 triệu USD và giảm thải CO2.

Video: Quá trình xây dựng tòa nhà mới Quay Quarter Tower chồng lên tòa AMP Center cũ. Nguồn: CNN

Từng là tòa nhà cao nhất Sydney, AMP Center giờ đã lỗi thời với cấu trúc từ những năm 1970. Chủ sở hữu muốn thay thế tòa nhà bằng một công trình lớn hơn, tốt hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.

Tuy nhiên, việc phá dỡ các tòa nhà cao tầng ảnh hưởng nhiều tới môi trường, từ chất thải xây dựng đến khí CO2 do máy móc hạng nặng thải ra. Vì vậy, năm 2014, công ty Australia AMP Capital tổ chức một cuộc thi kiến trúc với yêu cầu độc đáo: Xây một tòa nhà chọc trời mới mà không phá hủy tòa cũ.

Kết quả, tòa nhà mới mang tên Quay Quarter Tower ra đời và được coi là tòa nhà cao tầng “tái chế nâng cấp” (upcycle) đầu tiên trên thế giới.

Quay Quarter Tower mở cửa đầu năm nay và được chọn là Tòa nhà Thế giới của Năm 2022 tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF) lần thứ 15 hôm 2/12. Với 49 tầng và chiều cao 206 m, công trình mới giữ lại hơn 2/3 cấu trúc cũ, bao gồm các dầm, cột và 95% lõi.

Sau khi loại bỏ những phần không thể tận dụng của AMP Center, các công nhân dựng lên một cấu trúc mới bên cạnh, sau đó “ghép” vào phần còn lại.

Mặt ngoài bằng kính hiện đại bao bọc xung quanh cả hai để tạo thành tòa nhà liền mạch. Thiết kế mới tăng gấp đôi diện tích sàn cũ, sức chứa tăng từ 4.500 lên 9.000 người.

Các kiến trúc sư tin rằng phương pháp này giúp giảm 12.000 tấn CO2 so với việc phá bỏ AMP Center và xây lại từ đầu. Ngoài giảm sử dụng những vật liệu thải nhiều carbon như bê tông, dự án cũng tiết kiệm thời gian xây tới một năm và tiết kiệm chi phí tới 102 triệu USD.

Công ty kiến trúc Đan Mạch 3XN, công ty kỹ thuật Anh Arup và công ty kiến trúc Australia BVN phối hợp thực hiện dự án đầy thách thức này. Một trong những thách thức đầu tiên là xác định xem tòa nhà cũ có trùng khớp với thiết kế ban đầu hay không.

Các tòa nhà cao tầng thường co lại dưới sức nặng của chính chúng, đặc biệt là trong vài tháng đầu tiên sau khi hoàn thành. Kết quả, AMP Centre hơi khác so với bản vẽ cũ, bê tông giãn ra và rơi xuống khi khô hoàn toàn, theo Fred Holt, kiến trúc sư tại 3XN.

Chỉ khi khởi công xây dựng vào năm 2018, các kiến trúc sư và kỹ sư mới có thể đánh giá kỹ hơn tòa nhà cũ. Họ sử dụng các mẫu bê tông để tính toán xem bổ sung tải trọng kết cấu như thế nào.

Việc các tòa nhà co lại theo thời gian cũng dẫn đến một vấn đề khác: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các cấu trúc cũ và mới trở nên lệch lạc khi cấu trúc cũ dần co lại?

Để khắc phục, nhóm kỹ sư lắp đặt hàng trăm cảm biến xung quanh tòa nhà nhằm theo dõi những sự dịch chuyển nhỏ nhất. Dữ liệu được đưa vào mô hình máy tính - bản sao kỹ thuật số của tòa nhà. Dựa vào đó, các chuyên gia sẽ thực hiện những điều chỉnh theo thời gian thực. Các công nhân cũng chừa lại khoảng trống 4 m giữa cấu trúc mới và cũ cho đến giai đoạn xây dựng cuối cùng, giúp bê tông mới có thời gian ổn định.

Thiết kế của Quay Quarter Tower gồm 5 khối lớn xếp chồng lên nhau, vặn xoắn và vươn lên trời.

Được các kiến trúc sư mô tả là “ngôi làng thẳng đứng”, tòa nhà có nhiều sân thượng, không gian dành cho cửa hàng bán lẻ và văn phòng nhìn ra Nhà hát Opera Sydney. Hai cấu trúc cũ và mới hòa trộn liền mạch đến mức không thể phát hiện khi nhìn từ bên ngoài lẫn bên trong.

Theo Thu Thảo/VNE (CNN)

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.