Tôi viết phóng sự từ mạch nguồn quê hương

(Baohatinh.vn) - Hơn 40 năm thủy chung và đam mê với nghề báo, gắn bó với miền quê Hà Tĩnh, tôi nhận ra rằng, hạnh phúc dành cho mỗi người đều phải được đánh đổi bởi những giọt mồ hôi, bằng quá trình lao động nghiêm túc và sáng tạo của chính mình.

Tôi nhớ vào cuối năm 1995, ra Hà Nội dự cuộc họp cộng tác viên đặc biệt do Báo Lao động tổ chức, lúc ngồi uống trà ở phòng anh Đức Chính - Phó Tổng Biên tập báo, anh Tô Phán nói: “Em chịu bác thôi! Tỉnh Hà Tĩnh bé như cái nong phơi thóc, thế mà bác viết liền tù tì hết phóng sự này sang phóng sự khác”.

Tôi viết phóng sự từ mạch nguồn quê hương

Nhà báo Phan Thế Cải trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Internet

Nghe vậy, anh Đức Chính liền cười: “Chú mày không biết à? Hà Tĩnh tuy nhỏ nhưng lắm người hiền tài. Nhắc đến Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập… là cả thế giới đã ngưỡng mộ rồi. Còn nữa, đó là người dân Hà Tĩnh rất cần cù, thông minh. Không chỉ làm ra lúa, ra khoai mà người dân Hà Tĩnh còn làm được “văn hóa” nữa đấy”.

Đúng như anh Đức Chính nói, với một nhà báo, Nhân dân chính là mạch nguồn vĩnh cửu để hòa mình trong đó tìm điển hình, phát hiện nhân tố và xây dựng những tác phẩm báo chí có giá trị được bạn đọc quan tâm.

Tôi viết phóng sự từ mạch nguồn quê hương

Ấn phẩm Báo Hà Tĩnh qua các thời kỳ.

Hơn 40 năm thủy chung và đam mê với nghề báo, tôi nhận ra rằng, hạnh phúc dành cho mỗi người đều phải được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, bằng quá trình lao động nghiêm túc và sáng tạo của chính mình. Tôi vẫn thường tâm sự với đồng nghiệp rằng, phận “phu chữ” số trời đã định, nên phải tạo được trong tim mình ngọn lửa đam mê thì mới thành công.

Mặc dù đã được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và đặc biệt là thể loại phóng sự, nhưng khi bước vào nghề, mọi thứ đều rất mới mẻ, nhất là bắt tay viết các thể loại có chiều sâu như: phóng sự, điều tra, tùy bút... Ngày mới ra trường, tôi thuộc diện trẻ nhất Tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh. Khi được cơ quan phân công đi công tác xa, tôi mừng lắm. Dẫu Kỳ Sơn, Quế Phong núi rừng hiểm trở; dẫu đảo Mắt xa tít ngoài khơi, hầu như không có nơi nào tôi và đồng nghiệp trẻ không đặt chân tới. Đi khỏe như vậy nhưng cũng chẳng hề viết được một bài phóng sự nào cho đáng công bươn chải.

Tôi viết phóng sự từ mạch nguồn quê hương

Nhà báo Phan Thế Cải (người mặc áo xanh hàng đầu bên phải) phỏng vấn cựu Đại tá Hoàng Xuân Vinh - người bắt sống tướng Đờ Cát tại đồi A1 - Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet

Sau nhiều lần thử nghiệm không đạt, tôi mới chiêm nghiệm lại và nhận ra “lỗ hổng” lớn nhất đó là vốn sống thực tế. Dẫu có đi nhiều, nhưng nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, khai thác thông tin không đầy đủ, thì lấy đâu ra tư liệu hay để đắp lên trang giấy với hàng ngàn con chữ! Tôi tìm lại những bài phóng sự và bút ký nổi tiếng từ nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân đến nhà báo Thép Mới, Hữu Thọ mới thực sự cảm phục sự tài hoa của họ. Cái tài hoa của các bậc tiền nhân ấy, tôi hiểu họ đã dám xả thân trong những chuyến đi thực tế, sống hết mình với những trang viết.

Năm 1988, Báo Nghệ Tĩnh được Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh và Cục Xuất bản văn hóa đồng ý cho xuất bản thêm tờ Báo Nghệ Tĩnh Chủ nhật. Sau một số bài viết được ghi nhận, tôi được điều động về làm phóng viên tờ báo này, chuyên trách viết phóng sự, điều tra. Với sức trẻ hừng hực, lại là một phóng viên vừa được kết nạp Đảng, nên tôi làm việc hết mình với nghề.

Ở đâu có điển hình, hoặc có “điểm nóng”, tôi đều đến kỳ được. Tôi còn nhớ, khi được tin ở bản Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) trở thành “điểm nóng” khai thác đá đỏ, tôi đã kịp thời theo chân chiến sĩ biên phòng vào tận “sào huyệt” và chứng kiến được cảnh hỗn loạn của cuộc mưu sinh này. Thế là bài phóng sự “Những người đi tìm vận may” được đăng 3 kỳ liền trên Báo Nghệ Tĩnh Chủ nhật và Báo Đại đoàn kết. Sau khi cả 2 tờ báo phát hành, phóng sự được độc giả đón nhận, tôi càng phấn khởi và tự tin hơn để tiếp tục với những cuộc hành trình mới.

Tôi viết phóng sự từ mạch nguồn quê hương

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh những năm sáu mươi. Ảnh tư liệu

Trong một chuyến đi công tác tại huyện Quỳnh Lưu, tôi được nghe đồng chí Hồ Phi Phục, bấy giờ là Bí thư Huyện ủy kể nhiều câu chuyện rất cảm động về đội ngũ thầy thuốc với các bệnh nhân phong ở Trại phong Quỳnh Lập. Và ngay sau đó, tôi nhờ các anh trong Huyện đoàn Quỳnh Lưu đưa đi thực tế Trại phong. Chuyến đi ấy đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm báo. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bác sỹ Nguyễn Sĩ Hóa - Giám đốc trại và các cán bộ tại đây, tôi đã ở trọn một tuần lễ để tìm hiểu trọn vẹn các câu chuyện và nhân vật cho phóng sự của mình. Nhân vật nào, tôi cũng ngỡ họ như từ chuyện cổ tích bước ra. Như bác sỹ Trần Hữu Ngoạn, vị giám đốc thương bệnh nhân như anh em ruột thịt; đã lấy máu của bệnh nhân tiêm vào cánh tay mình, để chứng minh cho mọi người biết rằng: loại vi trùng Hansen không lây, xóa đi mặc cảm lâu đời của người bị bệnh phong. Rồi nhiều người phụ nữ, trong chiến tranh là lính mở đường Trường Sơn, sau chiến tranh họ về đây làm y tá, vẫn là phụ nữ đơn thân, nhưng họ tình nguyện suốt đời ở đây để chăm sóc bệnh nhân phong bị dị tật nặng.

Rồi những chuyện tình nẩy nở giữa người bệnh với người bệnh, đã trở thành tổ ấm hạnh phúc… Và tôi đã viết lại những câu chuyện huyền thoại ấy với bài phóng sự dài hơi “Không còn nỗi cô đơn” đăng trên Báo Nghệ Tĩnh Chủ nhật (3 kỳ). Sau đó, phóng sự cũng được đăng trên Báo Đại đoàn kết và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam… Với thông điệp: “Ở đâu có yêu thương, ở đấy vẫn còn sự sống”, bài viết đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả, thính giả với sự chia sẻ và đồng cảm sâu sắc.

Tháng 9/1991, tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập. Báo Hà Tĩnh cũng được tách ra từ Báo Nghệ Tĩnh trong điều kiện nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng anh em đều đoàn kết, thương yêu nhau hết mực và cùng nỗ lực phấn đấu làm tốt trọng trách của mình. Mặc dù báo chưa tăng trang, tăng số, nhưng tinh thần chỉ đạo của Tổng Biên tập Đinh Nho Liêm là phải duy trì tốt thể loại phóng sự, điều tra. Riêng tôi rất mừng, bởi thể loại này đã khá quen tay. Tôi duy trì cho mình một thói quen đi nhiều xuống cơ sở, cố gắng làm sao tạo được nguồn năng lượng lớn khi viết phóng sự.

Tôi viết phóng sự từ mạch nguồn quê hương

Báo Hà Tĩnh ngày mới tách tỉnh.

Để có một bài viết hay, có những địa chỉ tôi phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, như bài: “Vùng đất chảo lửa túi mưa” hay: “Kỳ Thọ “cắt rốn đói, gói phận nghèo” đăng trên Báo Hà Tĩnh và Báo Nhân dân. Một kinh nghiệm quý trong làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng của bản thân, là việc tích lũy tư liệu khi thâm nhập cơ sở bao nhiêu cũng không thừa. Vì cuộc sống luôn vận động và phát triển, khi mình có tư liệu dự trữ, thì chính tư liệu cũ này lại là mạch nối cho tư liệu mới, từ đó đủ cơ sở phân tích, đánh giá được điển hình.

Hơn 40 năm làm báo, cây bút của tôi luôn đồng hành cùng với nhịp thở quê hương. Bây giờ tự nhìn lại, tôi không thấy hổ thẹn về cuộc đời làm báo của mình. Với nhiều tác phẩm báo chí giành được vị trí cao tại các giải báo chí Trung ương và địa phương, tôi cho rằng đó mới chỉ là “niềm vui nho nhỏ” đối với bản thân; còn cái hạnh phúc lớn lao hơn, đó chính là sự đón nhận, đồng cảm và chia sẻ của bạn đọc.

Chủ đề 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).