Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử 5 thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã đề cử bà Wendy Sherman, nhà đàm phán giữ vai trò chủ chốt trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, làm nhân vật số 2 tại Bộ Ngoại giao sau ông Antony Blinken.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử 5 thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bà Wendy Sherman được đề cử làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 16/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã đề cử quan chức kỳ cựu về chính sách đối ngoại Mỹ, bà Wendy Sherman, một nhà đàm phán giữ vai trò chủ chốt trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, trở thành nhân vật số 2 tại Bộ Ngoại giao, sau ông Antony Blinken đã được ông Biden đề cử làm Ngoại trưởng.

Bà Sherman, có bằng Thạc sỹ về công tác xã hội, là cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1997 đến năm 2001, giai đoạn bà cũng nắm giữ vị trí điều phối viên chính sách về Triều Tiên. Trước đó, từ năm 1993-1996, bà là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề lập pháp.

Ngoài ra, ông Biden cũng đề cử bà Victoria Nuland, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu, người từng kinh qua nhiều vị trí như nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Âu, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị - trên thực tế đứng vị trí thứ 3 trong hàng ngũ các quan chức ngoại giao Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng đề cử một trong các cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm của mình, ông Brian McKeon làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản lý và Nguồn lực, trong khi đề cử bà Bonnie Jenkins làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế.

Cùng với đó, ông Biden đã đề cử bà Uzra Zeya làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền.

Dự kiến, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần vào ngày 19/1 để phê chuẩn chức vụ cho ông Antony Blinken.

Nếu được phê chuẩn, những ứng cử viên thứ trưởng ngoại giao nói trên sẽ làm việc dưới quyền của ông Blinken.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.