Tổng thống Nga duyệt các tàu chiến tại lễ diễu binh ngày Hải quân

54 tàu chiến và thuyền, tàu ngầm, tàu buồm, 48 máy bay, và hơn 4.000 quân nhân đã tham gia Lễ duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm Ngày Hải quân Nga tại St.Petersburg và Kronstadt.

Tổng thống Nga duyệt các tàu chiến tại lễ diễu binh ngày Hải quân

(Nguồn: Russian Federation Ministry of Defence)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, đúng 11 giờ (15 giờ giờ Hà Nội) ngày 25/7, Liên bang Nga chính thức tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân Nga tại St.Petersburg và Kronstadt.

Tham dự lễ duyệt binh này có 54 tàu chiến và thuyền, tàu ngầm, tàu buồm, 48 máy bay, và hơn 4.000 quân nhân.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đây là năm tổ chức duyệt binh quy mô nhất trong các năm trở lại đây.

Theo lời mời của Bộ Quốc phòng Nga, tùy viên quân sự các nước, trong đó có tùy viên quân sự Việt Nam, Đại tá Trần Tiến Phương tham dự buổi lễ diễn ra ở Kronstadt.

Tuy nhiên, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lễ duyệt binh được tổ chức mà không cho phép người dân vào xem.

Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đi duyệt các tàu chiến tại Kronstadt và trên sông Neva, dự và phát biểu tại lễ duyệt binh trên sông Neva ở St.Petersburg.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin cho rằng ngày lễ này có tầm quan trọng vì nó đánh dấu sự đoàn kết của tất cả các thế hệ bảo vệ biên giới biển của nước Nga.

Ông cũng cho biết vào tháng 10 năm nay, Hải quân Nga sẽ tròn 325 tuổi.

Theo Tổng thống Putin, Nga đã nhanh chóng chiếm vị trí xứng đáng trong số các cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, trải qua một chặng đường phát triển vĩ đại từ con thuyền đơn sơ của Piotr Đại đế đến những con tàu đại dương mạnh mẽ và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa, có không quân tầm xa và tầm gần hiệu quả của Hải quân, các hệ thống phòng thủ bờ biển tin cậy, các hệ thống vũ khí siêu thanh chính xác cao mới nhất chưa từng có trên thế giới mà Nga liên tục cải tiến và thành công.

Tổng thống Nga khẳng định, Hải quân Nga ngày nay có mọi thứ cần thiết để bảo vệ đất nước và lợi ích quốc gia. Nga có thể phát hiện bất kỳ kẻ thù nào dưới nước, trên đất liền, trên không để tấn công nếu cần thiết.

Trên sông Neva ở St. Petersburg, đoàn tàu diễu hành do các tàu chống phá hoại Nakhimovets, “Yunarmeets Belomorya” và P-429 dẫn đầu.

Sau đó là các tàu đổ bộ cỡ nhỏ “Aleksey Barinov” trên đặt con thuyền “Ivan Pasko” của Piotr Đại đế. Giữa đoàn là tàu rà phá thủy lôi “Alexander Obukhov.” Tiếp đến là các tàu trang bị tên lửa mới nhất Odintsovo và “Zeleny Dol.”

Đi cuối là 2 tàu tuần tra Mongoose. Đội ngũ tàu thả neo trên sông Neva gồm có 4 chiến hạm, 1 tàu ngầm và 6 tàu buồm, trong đó có bản sao 100% tàu buồm - thiết giáp hạm Poltava thời Piotr Đại đế, cùng tàu tên lửa cỡ nhỏ “Grad Sviyazhsk,” tàu đổ bộ cỡ lớn “Thợ mỏ Olenegorsky”, tàu hộ tống “Stoyky,” tàu khu trục nhỏ “Đô đốc Kasatonov” và tàu ngầm cỡ lớn Kronstadt.

Ngay tiếp sau phần diễu hành trên sông Neva là phần diễu hành của các tàu ở Kronstadt.

Đi đầu là tàu rà phá thủy lôi Vladimir Emelyanov. Tiếp theo là tàu trang bị tên lửa cỡ nhỏ Geyser và tàu chống ngầm cỡ nhỏ Urengoy.

Trung tâm đoàn diễu hành là tàu chống ngầm cỡ lớn “Phó Đô đốc Kulakov,” tuần dương hạm trang bị tên lửa “Nguyên soái Ustinov,” các tàu ngầm diesen-điện Vladikavkaz, Krasnodar, Volkhov, Petropavlovsk-Kamchatsky, cuối cùng là các tàu “khách mời” của Hải quân Ấn Độ, Iran và Pakistan.

Trong đội hình tàu đỗ ở Kronstadt có thể chiêm ngưỡng tàu ngầm Dmitrov, các tàu ngầm hạt nhân đa năng Orel, Vepr, và tàu ngầm hạt nhân chiến lược “Quận vương Vladimir,” lần đầu tiên tham gia lễ duyệt binh.

Phần diễu binh trên không gồm các máy bay MiG-31, Su-24M, Su-25, Su-30SM, Su-33, MiG-29K, Su-27, Be-12, Tu-142M3, An-140, các máy bay vận tải An-72, Tu-154, Tu-134, An-26, máy bay chống ngầm Il-38, cũng như các trực thăng Mi-8, Ka-27 , Ka-52, Ka-29, Ka-31.

Theo Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.