TP Hà Tĩnh hiện đại hóa nền hành chính, cải cách chế độ công vụ

(Baohatinh.vn) - Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, TP Hà Tĩnh đã có nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Quyết tâm từ chủ trương...

Ngày 30/10/2017, BTV Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/ThU về đẩy mạnh cải cách hành chính thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2017 – 2021. Nghị quyết đã mở đường cho thành phố tạo những bước đột phá trong công tác CHCH, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy.

Việc xây dựng và đưa Trung tâm HCC vào hoạt động là bước đi căn bản để thành phố xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch

Thực hiện Nghị quyết 05, công tác CCHC được triển khai đồng bộ, quyết liệt, thống nhất từ thành phố đến phường, xã. Trong đó, thành phố tập trung cao cho công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.

Việc thành lập và đưa Trung tâm hành công (HCC) đi vào hoạt động với đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất đồng bộ và tích hợp nhiều tiện ích là bước đi căn bản để xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch.

Theo Giám đốc Trung tâm HCC thành phố Trần Quốc Toản, việc đưa trung tâm HCC đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá mạnh mẽ cho việc giải quyết thủ tục hành chính của cả thành phố. Dấu ấn rõ nét mà Trung tâm HCC mang lại là nâng cao chỉ số CCHC của thành phố. Trong 2 năm 2017 - 2018, chỉ số cải cách hành chính của thành phố đứng đầu trong khối huyện, thị xã thuộc tỉnh (năm 2017 đạt 91,62/100 điểm, 2018 đạt 93,19/100 điểm).

Cơ sở vật chất đồng bộ, tích hợp nhiều tiện ích hiện đại, Trung tâm HCC thành phố thực sự tạo được được hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, tất cả các phường, xã áp dụng phần mềm điện tử tại bộ phận một cửa, 100% TTHC được niêm yết công khai kịp thời, đúng quy định. Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn tại Trung tâm HC công đạt 99,95%, tại bộ phận một cửa cấp xã, phường đạt 100%.

Đặc biệt, TP Hà Tĩnh là địa phương có số lượng dịch vụ công mức độ 3 và 4 cao nhất cả tỉnh (165 TTHC ở mức độ 3, 15 TTHC ở mức độ 4). Nhờ vậy, khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước năm 2018, TP Hà Tĩnh 19,02/20 điểm, cao nhất trong các khối huyện, thị xã, thành phố.

... Đến điểm nhấn cải cách chế độ công vụ

Cùng với hiện đại hóa nền hành chính, TP Hà Tĩnh đã mạnh dạn triển khai việc cải cách chế độ công vụ, công chức nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đây được coi là bước đi táo bạo của thành phố để đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân.

TP Hà Tĩnh đã mạnh dạn triển khai việc cải cách chế độ công vụ, công chức nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị...

Theo Trưởng phòng Nội vụ TP Hà Tĩnh Lê Thị Thanh Vân, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước là điểm mấu chốt trong mối liên hệ giữa công tác quản lý hành chính với người tổ chức thực hiện. Do đó, thành phố đã bắt tay triển khai thực hiện Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm, phân loại người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch UBND phường xã. Việc chấm điểm người đứng đầu sẽ đánh giá thực chất các sản phẩm cụ thể trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Sau khi xây dựng được quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm, thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, thực chất và tạo được chuyển biến tích cực. Hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu có nhiều chuyển biến đáng kể; công tác tham mưu, tổ chức thực hiện của các phòng, ban, đơn vị, địa phương được tập trung chỉ đạo sâu sát và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rõ nét hơn.

... góp phần giúp địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ 79% cán bộ người đứng đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 và không có cán bộ hoàn thành hạn chế nhiệm vụ thì đến khi triển khai việc chấm điểm người đứng đầu, kết quả phân loại đã thay đổi. Năm 2017 chỉ có 21% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 13% cán bộ hoàn thành hạn chế. Năm 2018, kết quả chấm điểm người đứng đầu: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 15,3%, hoàn thành nhiệm vụ hạn chế 5,1%, còn lại là hoàn thành nhiệm vụ.

“Việc đánh giá được thực chất quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị mang lại nhiều lợi ích kép. Người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ có động lực để tiếp tục phát huy, còn người hoàn thành hạn chế thì phải có trách nhiệm tự soi, tự sửa để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao” – bà Lê Thị Thanh Vân cho biết thêm.

Chủ đề Cải cách hành chính

Chủ đề Đô thị loại II

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói