Triển vọng giống lúa RVT trên đất Đức Thọ

Hướng tới một nền sản xuất hàng hoá chất lượng cao theo đề án phát triển nông thôn mới, sau thành công của công cuộc chuyển đổi ruộng đất lần 2, Đức Thọ đã quy hoạch được một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Với những kết quả khả quan của giống lúa RVT trong vụ sản xuất đông xuân 2012, Đức Thọ đã tìm được giống lúa chủ lực cho đồng ruộng của mình.

Đi giữa những cánh đồng bạt ngàn lúa chín vàng trĩu hạt ở các xã Đức Lâm, Đức Thanh, Đức Tùng, Thái Yên, Trung Lễ... Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm phấn khởi “khoe” với chúng tôi: “Theo nhận định chung thì vụ đông xuân năm nay Đức Thọ sẽ tiếp tục được mùa to, dự kiến năng suất lúa bình quân đạt từ 59-61 tạ/ha. Trong thành công đó phải kể đến việc chúng tôi đã mạnh dạn loại trừ dần những giống lúa cũ để thay vào các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Từ chỗ 40 loại giống, nay trên địa bàn huyện chỉ còn trên dưới 10 loại giống và đều là những giống chủ lực chất lượng cao như P6, VS1, HT1, TH3-3, nhị ưu 838, Bio 404, KD18... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trên mỗi diện tích, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa, chúng tôi đã mạnh dạn đưa vào sản xuất hơn 870 ha giống lúa thơm RVT, tập trung ở các xã Trung Lễ, Đức Thanh, Đức Thuỷ, Thái Yên, Yên Hồ, Đức Yên, Bùi Xá, Đức Long… Qua vụ này cho thấy, lúa RVT rất hợp với đất Đức Thọ; giá trị kinh tế của giống lúa này cũng vượt trội hơn hẳn so với các loại giống mới hiện nay".

Lúa RVT sẽ là bộ giống nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình ở Đức Thọ.

Ông Trần Hoài Đức -Trưởng phòng NN&PTNT, nói: “Sau khi giống lúa này được công nhận là giống lúa Quốc gia và cho phép sản xuất thử, chúng tôi đã khảo nghiệm trên một số diện tích ở xã Đức Thanh, cho kết quả rất khả quan. Ngay sau đó chúng tôi lập quy hoạch vùng sản xuất tập trung hơn 800 ha giống lúa này và ký cam kết với Công ty CP giống cây trồng Trung ương cung ứng giống RVT cho vụ hè thu 2012 để tiếp tục nhân rộng mô hình, có thể sản xuất đại trà trên toàn huyện. Kết quả cho thấy, giống lúa chất lượng cao này rất phù hợp với đồng ruộng Đức Thọ, có triển vọng trở thành giống chủ lực”.

Ông Đỗ Bá Vọng, Phó Tổng giám đốc Cty CP giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) cho biết, RVT là giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống lúa Quốc gia và cho phép sản xuất thử. Tại Hà Tĩnh lúa được khảo nghiệm ở một số địa phương như thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Kỳ Anh. Tất cả đều cho thấy, đây là giống lúa phù hợp với chân ruộng vàn và vàn cao; có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ đông xuân từ 110-115 ngày, hè thu từ 100-105 ngày), phù hợp với trà xuân muộn và hè thu chạy lụt. Đặc biệt, đây là giống lúa thân cứng nên chống đổ rất tốt; chống chịu được các loại sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, bạc lá...Gạo trong, hạt thon dài, cơm trắng, mềm, thơm và có vị đậm, ăn rất ngon.

Nông dân Nguyễn Văn Kiên, thôn Thanh Linh, xã Đức Thanh – một trong những người tiên phong đi đầu trong việc tiếp nhận giống lúa RVT vào sản xuất, phấn khởi nói: “Tưởng rằng những giống lúa như P6, TH3-3 sẽ làm “vua” ở đất Đức Thanh này, nhưng không ngờ hôm nay giống lúa thơm RVT lại sẽ là giống lúa “đỉnh” nhất. Sở dĩ nói như vậy là vì tôi thấy giống lúa này rất hoàn hảo. Lúa không chỉ đẻ khoẻ, cây cứng, chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh tốt mà còn cho năng suất cao và cơm ăn rất ngon; kể cả cơm nguội, ăn vẫn ngon, không cứng như các loại gạo khác.” Cũng theo anh Kiên, vụ đông xuân 2011, anh sản xuất thử hơn 1 sào ruộng trũng giống lúa RVT, dù chất đất xấu nhưng lúa vẫn phát triển rất khoẻ; khi cấy chỉ cần 2-3 tẻ, sau một thời gian sinh trưởng lên 11-13 nhánh, mỗi bông cho từ 280-300 hạt, không phải sử dụng đến thuốc hoá học để phun trừ sâu bệnh, năng suất đạt từ 2,8-3 tạ/sào (tương đương 57-60 tạ/ha). Anh Kiên cho biết thêm: “Chi phí đầu tư cho một sào ruộng gieo cấy giống RVT chỉ hết khoảng 800 ngàn đồng (gồm giống, phân bón, công cày bừa, gặt, tuốt), thấp hơn các giống lúa khác từ 50-100 ngàn đồng; nếu bán lúa với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí, ít nhất gia đình tôi cũng lãi hơn 1,5 triệu đồng/ sào. Gia đình tôi có 8 sào ruộng, vụ hè thu tới đây, tôi sẽ sản xuất 5 sào bằng giống lúa thơm RVT này".

Ông Nguyễn Trọng Thiều -Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thanh, khẳng định: “Chúng tôi đã kiểm chứng tính thích nghi của lúa RVT trên đất Đức Thanh cũng như chất lượng giông lúa này và thấy rằng, Đức Thanh đã tìm ra được giống lúa chất lượng cao phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp hàng hoá của xã, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trên đơn vị diện tích. Vì vậy, vụ hè thu năm 2012, chúng tôi sẽ cơ cấu sản xuất 120 ha/328 ha giống lúa mới này. Tin tưởng rằng, trong tương lai, giống RVT không chỉ là cứu tinh của xã Đức Thanh mà còn là sản phẩm chủ lực đưa nông nghiệp Đức Thanh phát triển thành vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu”.

Để nông dân Đức Thọ sớm tiếp cận được các giống lúa có giá trị hàng hoá, vụ hè thu năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của tỉnh, huyện Đức Thọ quyết định trích ngân sách hỗ trợ 50% giá giống lúa RVT cho bà con, nhằm động viên họ phát triển sản xuất, phấn đấu trong thời gian sớm nhất đưa giống RVT vào bộ giống chủ lực của huyện, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập trên đồng ruộng cũng như ngóp phần vào thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói