Triệt phá 2 đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử quy mô lớn

Hai đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử quy mô lớn trên phạm vi cả nước ngay trước kỳ thi THPT Quốc gia vừa bị Bộ Công an phối hợp với Công an Lâm Đồng triệt phá.

Triệt phá 2 đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử quy mô lớn

Cơ quan chức năng bắt quả tang, triệu tập, làm việc đối với H.N.H (mặc áo màu trắng, nam, sinh năm 1992, trú tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: Cơ quan CSĐT cung cấp)

Ngày 26/6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với Phòng An ninh thông tin mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cùng Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) triệt phá 2 đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử với quy mô lớn trên phạm vi cả nước, ngay trước Kỳ thi Trung học Phổ thông năm 2023, thu giữ nhiều tang vật.

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, qua công tác đảm bảo an ninh mạng và an ninh trật tự Kỳ thi Trung học Phổ thông năm 2023, cuối tháng 5/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 2 nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng để rao bán các thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử có liên quan đến địa phương. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch trinh sát, đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm này.

Ngày 23/6, cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng H.N.H (sinh năm 1992, trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) để làm rõ hành vi tạo lập, sử dụng tài khoản Facebook “ảo” có tên “N.B” để đăng tải nhiều bài viết quảng cáo “bán, cho thuê thiết bị siêu nhỏ để gian lận thi cử” trong các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội “rao vặt” ở Lâm Đồng.

Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận đã sao chép các hình ảnh, bài viết từ các fanpage rao bán thiết bị gian lận thi cử ở nơi khác (chủ yếu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), sử dụng tài khoản ảo để đăng tải bài quảng cáo. Nếu khách hàng liên hệ mua, đối tượng sẽ mua lại thiết bị từ các fanpage trên và bán lại với giá cao hơn để kiếm lời.

Tiếp đó, sáng 26/6, cơ quan điều tra đã triệu tập, mời làm việc 2 trường hợp ở thành phố Đà Lạt là L.K.P và C.T.Th.L (cùng sinh năm 2000) có hoạt động đặt mua, thuê thiết bị gian lận thi cử qua mạng xã hội.

Qua đấu tranh, 2 trường hợp trên cho biết thuê thiết bị gian lận thi cử từ fanpage có tên “Cho thuê tai nghe siêu nhỏ” do nhóm đối tượng “N.Đ.G” ở Hà Nội quản trị.

Triệt phá 2 đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử quy mô lớn

Cơ quan chức năng bắt quả tang, triệu tập, làm việc đối với L.K.P (mặc áo màu vàng, nữ, sinh năm 2000, trú tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: Cơ quan CSĐT cung cấp)

Đặc biệt, ngoài việc bán thiết bị siêu nhỏ phục vụ gian lận thi cử, nhóm đối tượng “N.Đ.G” còn tổ chức đường dây gian lận thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ bằng thiết bị công nghệ cao trên phạm vi cả nước trong nhiều năm qua.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo, đề nghị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ tham gia triệt phá.

Chiều 26/6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Phòng An ninh thông tin mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện đối tượng N.Đ.G (sinh năm 1990, thường trú tại Gia Bình, Bắc Ninh, tạm trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) đang mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử.

Tang vật thu giữ tại nhà đối tượng gồm: 10 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, 10 điện thoại Nokia đã được kết nối dây dẫn có gắn 1 micro nhỏ và 10 tai nghe siêu nhỏ dạng hạt từ, kích thước khoảng 2mm cùng hàng trăm linh kiện điện tử để lắp ráp thành các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ gian lận trong thi cử.

Đối tượng khai, khi sử dụng, người dùng cho hạt tai nghe siêu nhỏ vào lỗ tai, điện thoại lắp sim và micro được giấu trong quần áo để liên lạc ra ngoài phòng thi; bên cạnh đó còn kết hợp sử dụng bộ thiết bị camera siêu nhỏ dạng cúc áo giúp tự động quay, chụp ảnh gửi đề thi ra ngoài. Nhóm bên ngoài sẽ nhận video, ảnh đề thi qua phần mềm; sau khi giải đề xong sẽ đọc đáp án vào bên trong qua tai nghe siêu nhỏ.

Đối tượng N.Đ.G khai nhận, từ năm 2018, nắm bắt được việc có nhiều sinh viên, người lao động có nhu cầu mua, sử dụng các loại thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật để phục vụ việc thi cử, N.Đ.G đã liên hệ một số đối tượng khác, đặt hàng từ nước ngoài thông qua mạng Internet để mua, lắp đặt, kinh doanh các loại thiết bị ngụy trang siêu nhỏ phục vụ gian lận thi cử để kiếm lời.

Trong các năm qua, đối tượng đã bán được hàng trăm bộ thiết bị. Tùy từng loại thiết bị, các đối tượng rao bán với giá dao động từ 1 đến 6 triệu đồng/thiết bị.

Đáng chú ý, các đơn vị chức năng còn phát hiện đối tượng đã tổ chức đường dây gian lận, “bao đậu” trong các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho nhiều người trên cả nước trong nhiều năm qua với hình thức cho thí sinh thuê bộ thiết bị gian lận thi cử như trên; sau khi thí sinh vào phòng thi sẽ dùng camera siêu nhỏ dạng cúc áo bí mật chụp ảnh, quay video gửi đề thi ra bên ngoài; sau đó nhóm đối tượng sẽ giải đề và đọc vào phòng thi qua tai nghe siêu nhỏ dạng hạt đậu; giá cả dao động từ 5-14 triệu đồng với mỗi loại chứng chỉ.

Triệt phá 2 đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử quy mô lớn

Số tang vật cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: Cơ quan CSĐT cung cấp)

Cơ quan Công an đang đấu tranh mở rộng làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Công an khuyến cáo: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tối mật.

Việc sử dụng các thiết bị ngụy trang, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại 2 chiều gây lộ đề trong các kỳ thi nói trên là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước (Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Người thực hiện hành vi gian lận trong thi cử còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận trong thi cử về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015)./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...