Anh Nguyễn Văn Khánh vui mừng chỉ trong thời gian ngắn vừa cào được số lượng lớn ruốc biển
Từ mờ sáng, khi các đội thuyền đầy ắp ruốc tươi nối đuôi nhau cập bờ thì thương lái đã chờ sẵn để mua những mẻ ruốc tươi rói vừa đánh được để đem đi tiêu thụ.
Ngư dân Lê Văn Hợi (thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh) vui mừng vì thuyền của ông xúc được hơn gần 1,5 tấn ruốc, trừ chi phí ông thu lãi cả chục triệu đồng.
“Chưa năm nào có lượng ruốc biển nhiều đến thế. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các thuyền ra vào liên tục. Sáng nay, thuyền chúng tôi ra biển từ lúc 5 giờ, đến nơi bắt đầu thả mành xuống biển, gặp được luồng ruốc, chưa đầy 2 giờ đồng hồ là đầy khoang…” - ông Hợi vui mừng chia sẻ.
Ngay khi thuyền cập bờ đã có thương lái đến thu mua
Chỉ bằng phương thức đánh bắt thô sơ của nghề trủ (cào ruốc), gia đình anh Đặng Văn Khánh (thôn Hải Hà) cũng đã kiếm gần 2 triệu đồng mỗi ngày trong dịp này.
Anh Khánh cho hay: “Mùa này ruốc đẹp nhất, đàn ruốc đi dày đặc nên cả nhà tôi huy động hết nhân lực tranh thủ cào rồi mang lên nhập tại bờ cho thương lái. Ruốc biển cuối năm vừa được mùa, giá bán ổn định (dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg), ngư dân chúng tôi năm nay sẽ sắm Tết sung túc hơn".
Ruốc biển, theo tiếng địa phương còn gọi là tép moi được người dân dùng làm mắm ruốc và chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng khác nhau
Chị Đặng Thị Bình - Phó Giám đốc HTX chế biến thủy hải sản Chiến Thắng xã Kỳ Ninh cho biết: “Trung bình mấy ngày nay, HTX thu mua 40 - 50 tấn ruốc/ngày. Ngoài số lượng mang đi ủ thành mắm ruốc, phơi khô, đóng gói thì số lượng lớn khác được nhập cho các đơn vị chế biến khác ở Hải Phòng, Nghệ An…”.
Theo chia sẻ của ngư dân, từ tháng 10 đến tháng Chạp âm lịch là vào mùa ruốc biển, nhưng cao điểm nhất vẫn là tháng Chạp. Mùa ruốc cuối năm trúng đậm nên kéo theo các dịch vụ làm thuê như vận chuyển, phơi ruốc, đóng gói... thu hút hàng chục lao động địa phương với mức trả công 200 nghìn đồng/người/ngày.
Mùa ruốc năm nay mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân xã Kỳ Ninh
Ông Lê Công Đường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Năm nay, ruốc được mùa nhất từ trước trở lại đây. Hiện toàn xã có khoảng hơn 100 hộ làm nghề đánh ruốc với 50 hộ có phương tiện thuyền dưới 90CV và 15 thuyền có công suất trên 90CV, số còn lại là làm nghề cào ruốc gần bờ. Mỗi hộ qua mùa ruốc năm nay ước tính cũng kiếm được vài chục triệu”.