Những mẻ ruốc tươi, trong vắt được tiểu thương đón đợi để mang đi bán ở các chợ hoặc đem về phơi sấy, muối mắm tôm...
Ngư dân Thạch Kim chủ yếu dùng tàu có công suất nhỏ từ 18 - 45CV để đánh bắt ruốc. Mỗi chuyến, nếu gặp luồng và nhanh tay kéo, mỗi tàu có thể đánh bắt được từ 80 kg - 100kg ruốc, thậm chí có tàu còn bắt được tới gần 200kg.
Ngay từ lúc tàu chưa cập bến, trên bờ, các tiểu thương đã đợi sẵn. Họ thường sử dụng thuyền thúng chở sẵn rổ tre hoặc sọt nhựa để xúc ruốc, chèo ra săn hàng ngay trên tàu đánh bắt của ngư dân.
Và khi các thuyền thúng bơi vào, nhiều người đã đợi sẵn để di chuyển ruốc vào bờ...
Những thuyền thúng chở ruốc từ tàu vào bờ sẽ được gấp rút đưa lên bờ để cân, nhằm đảm bảo độ tươi ngon cho con ruốc.
Những rọ nhựa chứa đầy ruốc được di chuyển liên tục lên chỗ thu mua để cân...
Không khí tại điểm thu mua hết sức nhộn nhịp. Giá ruốc tại bờ ở thời điểm hiện tại khá thấp, với 15.000 đồng/kg. Nếu nhập cho thương lái thì nguồn thu không cao lắm, đổi lại ngư dân sẽ có tiền "tươi" còn nếu đem về phơi khô hoặc chế biến thành mắm tôm thì thu nhập sẽ cao hơn chừng 1,5 lần nhưng vốn lại bị "ngâm" khá lâu.
Nhiều ngư dân lựa chọn bán ruốc tươi cho tiểu thương và lại hối hả đi chuyến khác...
Nhập ruốc ở bãi biển, có nhiều chủ kho hải sản lớn. Ruốc được mua với số lượng lớn để sấy khô hoặc muối mắm tôm...
...và cũng có những tiểu thương nhỏ, mua vài sọt, mang ra chợ bán. Ruốc tươi được người dân Hà Tĩnh ưa chuộng bởi có thể chế biến được rất nhiều món như: Nấu canh chua, súp ăn kèm rau sống, ruốc xào xúc bánh đa, ruốc tươi rang mặn ngọt... nên rất dễ bán.
Khi những mẻ ruốc cuối cùng theo xe thương lái đi về các ngả...
...thì một bộ phận nhân viên của các chủ hàng sẽ thau rửa thuyền thúng, chờ đợi chuyến tàu khác trở ruốc về.