Nhu cầu mua smartphone ở Trung Quốc có xu hướng hạ nhiệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên tiêu dùng của người dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các tập đoàn công nghệ như Apple mà còn gây áp lực lên các nhà sản xuất chip.
Người dùng thắt chặt hầu bao
Cụ thể, theo số liệu từ Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), lượng di động bán ra ở Trung Quốc tháng 4 chỉ đạt 17,7 triệu chiếc, giảm 34% so với năm ngoái. Trong quý I/2022, số smartphone giảm 30% chỉ còn 86 triệu chiếc.
Nhiều người dùng Trung Quốc tỏ ra ngần ngại khi mua smartphone mới, đặc biệt là dòng sản phẩm cao cấp như iPhone. Ảnh: Zuma Press.
Nhiều người dùng cũng chia sẻ họ đang phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng đắt đỏ như smartphone. Zhang Rui (43 tuổi) cho biết cô vừa hủy kế hoạch mua điện thoại mới trong năm nay mặc dù có thói quen đổi smartphone hàng năm. Theo cô, các dòng điện thoại mới chưa đủ hấp dẫn mà lại có giá thành quá cao.
“Đại dịch đã khiến hầu bao của mọi người trở nên eo hẹp. Tôi tự hỏi không biết có chiếc điện thoại nào xứng đáng với số tiền tôi phải bỏ ra hay không”, Rui nói.
Hồi tháng 4, Apple đã cảnh báo đợt bùng dịch mới có thể khiến doanh số giảm 8 tỷ USD trong quý II. Đến tháng 5, Xiaomi cho biết lợi nhuận của hãng đã sụt giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái do các chính sách phòng dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng gián đoạn, cửa hàng đóng cửa hàng loạt và thiếu hụt linh kiện.
Đối tác Apple cảnh báo tình trạng ảm đạm
Các nhà cung cấp linh kiện lớn cho Apple cũng đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo tình hình ảm đạm này.
SMIC, nhà cung cấp linh kiện chính của Táo khuyết và nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, cho rằng các lượng smartphone xuất xưởng trong năm 2022 sẽ giảm đến 200 triệu chiếc so với dự báo ban đầu.
“Xu hướng sụt giảm này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc”, Zhao Haijun, đồng Giám đốc điều hành SMIC cho biết.
Tác động từ chính sách phong tỏa tại Trung Quốc khiến tiến độ phát triển dòng iPhone 14 chậm nhiều tuần so với dự kiến. Ảnh: PhoneArena.
Bên cạnh đó, Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, dự báo lợi nhuận quý này sẽ lao dốc so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có cả thị trường smartphone. TSMC, tập đoàn đảm nhiệm việc sản xuất chip cho Apple, cũng cho biết ngành chip sẽ khó lòng tăng trưởng trong thời gian sắp tới.
Theo Wall Street Journal, nhu cầu mua smartphone ở Trung Quốc sụt giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình ảm đạm của nền kinh tế nước này nói riêng và thị trường điện tử toàn cầu nói chung.
“Trung Quốc là quốc gia chiếm đến 1/5 lượng sản xuất smartphone”, hãng nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết.
Ngoài Apple, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến Xiaomi, Oppo và vivo, Ming-Chi Kuo, nhà phân tích của chuỗi cung ứng của TF International Securities nhận định. Bằng chứng là các hãng này đã cắt giảm 270 triệu chiếc smartphone vào năm 2022 so với dự báo trong ngành. Trong khi đó, với Apple, dù dòng sản phẩm cao cấp vẫn trụ vững, nhưng doanh số bán iPhone SE giá rẻ có thể bị sụt giảm.
Từ tháng 1-3, thị trường smartphone toàn cầu giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. TF còn dự đoán lượng di động bán ra cũng sẽ chỉ đạt đến 1,33 tỷ chiếc cho đến cuối năm.
Trước đó, nguồn tin của Nikkei cho biết chính sách phong tỏa nhiều tháng tại Trung Quốc khiến quá trình phát triển ít nhất một mẫu iPhone cao cấp của Apple bị chậm tiến độ.
Do đó, Táo khuyết yêu cầu các nhà cung ứng đẩy nhanh quá trình phát triển để bù đắp khoảng thời gian chậm trễ trước đó. Trong trường hợp xấu nhất, lịch trình sản xuất, sản lượng các lô hàng đầu tiên của dòng điện thoại mới có thể bị ảnh hưởng.
Mặt khác, những hạn chế đi lại của Trung Quốc khiến công ty khó cử lãnh đạo và kỹ sư đến nước này trong 2 năm qua, dẫn đến việc giám sát sản xuất trở nên khó khăn.