Trung Quốc mua gom hết voi từ Lào

Gần cả trăm con voi từ Lào đang bị bán bất hợp pháp sang Trung Quốc để trưng trong các vườn thú và công viên safari, báo Hong Kong dẫn nguồn tin các nhà hoạt động môi trường.

trung quoc mua gom het voi tu lao

Một con voi được vận chuyển từ Thành Đô đến vườn thú ở Trùng Khánh năm 2008 - Ảnh: REUTERS

Theo ông Karl Ammann, nhà làm phim kiêm hoạt động môi trường, voi có nguồn gốc từ Lào được các tay thương lái mua với giá 30.000 USD mỗi con.

Báo South China Morning Post cho biết những người này sau đó vận chuyển "hàng" sang đất Trung Quốc bằng đường bộ gần thị trấn cửa khẩu Boten.

Từ đây, voi tiếp tục bị sang tay cho các tổ chức buôn lậu động vật ở Trung Quốc thông qua thêm một lớp trung gian với cái giá bị đẩy lên đến gần 300.000 USD.

"Đó là một khoản lợi nhuận quá tốt, chính xác là kiểu giao dịch thương mại bị cấm theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)" - ông Ammann bình luận.

Nhóm của ông Ammann tình cờ phát hiện đường dây buôn bán động vật bất hợp pháp giữa Lào và Trung Quốc hồi đầu năm, trong lúc đang điều tra vụ mua bán 16 con voi châu Á từ Lào sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).

Không có con voi nào đi Dubai có giấy phép xuất khẩu. Thương vụ đó bị chặn đứng vào phút chót bởi một công lệnh khẩn trực tiếp từ thủ tướng Lào, trong khi một chiếc máy bay chở hàng của hãng hàng không Emirates Airlines đã nằm chờ sẵn trên đường băng ở Vientiane.

"Chúng tôi tiếp tục điều tra lý lịch của các con voi này, gặp gỡ một số người chủ của chúng và cả các tay môi giới người địa phương" - ông Ammann giải thích.

Đi sâu hơn, nhóm của ông phát hiện hoạt động mua bán voi ở Lào chủ yếu dính dáng đến Trung Quốc.

Nhiều tay lái buôn thề thốt rằng voi của chúng có nguồn gốc từ voi đã thuần hóa, nhưng thật ra lại là voi bán hoang dã - tức lai với voi vừng. Theo CITES, voi thuộc diện này bị cấm mua bán thương mại.

Gần 100 con voi được cho là đã bị bán từ Lào sang Trung Quốc trong hai năm qua. Người Trung Quốc rất thích xem voi trong các rạp xiếc và vườn thú, tuy nhiên nhiều du khách nước ngoài mô tả trên trang Tripadvisor rằng điều kiện sống của chúng ở Trung Quốc rất tệ.

Ông Ammann cho rằng Trung Quốc phải chịu một phần trách nhiệm về hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép.

"Trung Quốc luôn là nước đi đầu trong việc nhập khẩu các chủng loài mang tính biểu tượng, từ tê giác, cá voi sát thủ, voi, và gần đây là 150 con tinh tinh - tất cả đều là bất hợp pháp" - ông chỉ trích.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, Tổng thư ký nhóm vũ trang Hezbollah Sheikh Naim Qassem đã bác bỏ lời kêu gọi của Chính phủ Liban về việc giải trừ vũ khí, đồng thời ông cũng kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ nước này.