Trung ương lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa 13 sẽ xem xét nhiều nội dung, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phát biểu khai mạc hội nghị sáng 15/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Ủy viên Trung ương thể hiện chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.

Theo Tổng bí thư, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Ông đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nghiên cứu, cho ý kiến để hoàn thiện Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng.

Hội nghị Trung ương 7 dự kiến diễn ra trong ba ngày, bế mạc vào 17/5. Đây là dịp để Trung ương nhìn lại, đánh giá những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, dự báo bối cảnh tình hình mới. Từ đó, Trung ương sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị Trung ương 7, khóa 13. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Quy định 96 ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 - năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu sẽ lấy phiếu tín nhiệm theo chương trình làm việc của Trung ương.

Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được công khai trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác, cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn.

Ban chấp hành Trung ương đã hai lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lần một tại Hội nghị Trung ương 10 khóa 11 (tháng 1/2015); lần hai tại Hội nghị trung ương 9 khóa 12 (tháng 12/2018).

Trung ương lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Hội nghị Trung ương 7 khóa 13 khai mạc sáng 15/5. Ảnh: Nhật Bắc

Ban Chấp hành Trung ương làm việc theo chương trình toàn khóa và hàng năm, họp thường lệ 6 tháng một lần và điều chỉnh khi cần thiết. Hội nghị Trung ương 6 diễn ra tháng 10/2022. Từ đó đến nay, Trung ương còn họp bất thường ba lần vào tháng 12/2022, tháng 1 và 3/2023.

Theo Viết Tuân/VNE

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.