Mẫn (ngoài cùng bên phải) và chị gái chụp ảnh cùng bố mẹ.
Mẫn là con út trong gia đình có ba chị em. Nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa, cô gái trẻ thổn thức: “Tuổi thơ của em là những đêm nằm ngủ một mình trong căn nhà trống. Bố đi xe máy chở hàng thuê cho người ta, mẹ cùng chị cả mang hàu, hến đi buôn ở tỉnh khác, anh trai đi học xa nhà”.
Mẫn cho hay, có thời điểm, kinh tế của cả gia đình chỉ biết dựa vào những lần đi đánh lưới bắt cá của bố. Hến, hàu nuôi ngoài bãi không thu về được bao nhiêu do hay bị bão, lũ cuốn trôi; đến Tết cô và mẹ còn phải mua thêm hến bên ngoài đem lên chợ để bán.
“Học THPT, các bạn nữ cùng lứa đã bắt đầu biết chăm chút cho ngoại hình, còn em thì vẫn thế, không thay đổi gì. Trời nắng 40 độ vẫn cùng bố ra ngoài bãi cào hến, lặn bắt hàu, da bị ăn nắng, đen như con trai” - Mẫn cười tươi và nói thêm: “Giờ đây khi đi thi hoa hậu, nhiều người vẫn hay trêu em: ‘Về đi cào hến đi Mẫn ơi!’. Quả thật, nếu không có những rổ hàu, hến ngày nào thì đã không có em của ngày hôm nay”.
Minh Mẫn hiện đang là sinh viên năm cuối Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM. (Ảnh: HHHVVN 2017)
Nở một nụ cười hiền, bà Trần Thị Nghị (57 tuổi, mẹ Mẫn) tâm sự, con gái có một tuổi thơ vất vả, 7 tuổi đã biết cùng bố đi đánh lưới, có khi lại cùng mẹ ra chợ bán tôm, cá.
“Cứ đi học về là nó lại giúp mẹ chẻ hàu để mang ra chợ bán. Cứ phải chẻ xong một cân hàu thì nó mới chịu vào ăn cơm”, bà Nghị kể.
Bà Trần Thị Nghị (mẹ Mẫn) hồi tưởng về những ngày tháng vất vả xưa kia.
Trong mắt bố mẹ, Mẫn là một cô con gái hiền lành, chăm chỉ và khá nhút nhát, ai trêu gì là "đỏ mặt tía tai". Ngày đi học phổ thông, Mẫn có chiều cao nổi bật nên hay ngại ngùng, thường đến trường với đôi dép bệt của mẹ để khỏi quá cao so với các bạn.
“Trước kia gia đình có bàn bóng bàn, thường để cho các nam thanh niên tới chơi, song khi ra thu tiền thì nó luôn đùn đẩy cho mẹ, không dám ra ngoài vì ngại, sợ bị trêu chọc”, mẹ Mẫn nói.
Những năm học phổ thông, Mẫn chọn ôn luyện các môn xã hội và đặc biệt yêu thích môn lịch sử. Cô thường lấy câu nói nổi tiếng của cụ Nguyễn Siêu để động viên chính mình: “Xưa nay đạo học không có con đường tắt, và nhà tranh vẫn hay có những người hiền tài”.
Ông Lê Văn Quang (59 tuổi, bố Mẫn) kể, con gái thường tâm sự những môn học xã hội rèn luyện cho mình sự cần cù, điềm tĩnh.
Bố của Minh Mẫn.
Gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, bố Mẫn cho hay, công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" này đôi khi như “đánh bạc”. Khi gặp mưa lũ, hoặc giống không tốt là mất trắng. “Vì con đông, hai vợ chồng ngoài thả giống nuôi trồng còn phải làm thêm nhiều nghề khác. Các con cũng ý thức được sự vất vả của bố mẹ nên rất ngoan ngoãn, tu chí học tập”, ông Quang nói.
Nói về quyết định thi hoa hậu của con, hai ông bà nhìn nhau cười. Bà Nghị chia sẻ, thấy cô con gái nước da ngăm đen ngày nào vẫn đi mò hến giữa nắng, chẻ hàu phụ bố mẹ nay đã trưởng thành, mạnh dạn, bản lĩnh hơn khi đứng trên sân khấu, bà cảm thấy rất tự hào, xúc động.
Minh Mẫn trong thử thách catwalk tại Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. (Ảnh: HHHVVN2017)
Ông Quang thường vẫn động viên con: “Bên cạnh việc tập luyện và ăn uống theo chế độ để có được thân hình đẹp, con phải tập cho mình tính kỷ luật và không bao giờ ngừng trau dồi cho mình các kiến thức văn hóa”. Ông kỳ vọng con gái bên cạnh các hoạt động bên ngoài sẽ vẫn hoàn thành tốt việc học ở trường và có được tấm bằng đại học.
Ông Quang và bà Nghị kể thêm, ở Sài Gòn, Mẫn có chị gái làm ở công ty phát hành sách, song từ lúc đăng ký đi thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đến lúc nhận được thông báo đỗ, Mẫn không dám kể với anh, chị, chỉ thủ thỉ với mẹ.
“Là người đứng trên các sàn diễn, nhưng khi về nhà, Mẫn trở lại là một cô gái thôn quê, không trau diện, thường hay bị chị gái “sành điệu” hơn đánh giá là quê mùa. Mỗi lần như thế, nó chỉ cười hiền”, mẹ Mẫn nói.
Là cô gái sinh ra ở vùng nước mặt đồng chua, từ nhỏ cho tới lớn, hàng xóm chỉ biết đến Mẫn là một cô gái thôn quê, nay xem tivi, thấy Mẫn “lột xác”, họ vô cùng bất ngờ. Nhà của bố mẹ cô nhiều ngày nay luôn tấp nập người đến chơi, chúc mừng. Họ khâm phục ý chí, nghị lực của cô gái mới ngày trước còn mò mẫm bắt hến giữa sông, nay đã trở thành một cô gái sắc sảo, thông minh và bản lĩnh.
Bà Nghị thường xuyên động viên con gái cố gắng học hành để thành người. “Mẫn đã lớn, sẽ biết tự chọn lựa con đường đi để phù hợp với năng lực, sở trường và xu thế phát triển của xã hội. Chúng tôi sẽ là hậu phương vững chắc cho con cả về tinh thần lẫn vật chất. Dù khó khăn, thiếu thốn cũng sẵn sàng đi vay mượn để con được đi thi”, bà Nghị nói và cho hay luôn ủng hộ con tham gia các cuộc thi sắp đẹp, và tự lựa chọn tương lai cho mình.
>> Nhan sắc người đẹp Hà Tĩnh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017