Tự hào khi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Baohatinh.vn) - Với sự nỗ lực khôi phục, Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này khiến người dân địa phương phấn khởi, tự hào.

Tự hào khi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm được tổ chức vào năm 2023.

Theo các tư liệu nghiên cứu, Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (Xuân Liên, Nghi Xuân) có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với tục thờ cá Ông (cá voi) của ngư dân địa phương. Các sắc phong lưu giữ tại đền Đông Hải cho thấy, dưới triều Nhà Nguyễn, vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) và năm Khải Định thứ 9 (1924), các nhà vua đã giao cho trang Cam Lâm (nay là thôn Cam Lâm, xã Xuân Liên) phụng thờ vị tôn thần Đông Hải Cự Ngư Linh Ứng Chi Thần hay Đông Hải Linh Ứng tôn thần. Việc phụng thờ này cũng gắn liền với lễ hội cầu ngư ở làng Cam Lâm.

Lễ cầu ngư làng Cam Lâm diễn ra hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng. Và cứ 3 năm một lần, người dân ở đây sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư với nhiều nghi lễ như: tế cá Ông, rước Đông Hải Linh Ứng tôn thần... cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian sôi nổi. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của người dân làng Cam Lâm nói riêng và ngư dân các địa phương lân cận nói chung.

Tự hào khi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ban lễ nghi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm chuẩn bị cho lễ tế và lễ rước Đông Hải Đại vương tại lễ đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào giữa tháng 3/2024.

Sau hàng chục năm mai một, gần đây, chính quyền và người dân xã Xuân Liên đã khôi phục lại lễ hội, song song với đó là vận động trùng tu tôn tạo đền Đông Hải (nơi gắn với lễ hội) ngày một khang trang.

Với nhiều giá trị, vừa qua Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 389/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024, công bố Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đón nhận tin vui này, người dân địa phương vô cùng phấn khởi và tự hào.

Ông Lê Văn Biên (63 tuổi, thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên) cho biết: "Đối với người dân vùng biển chúng tôi, lễ hội cầu ngư là sự kiện lớn rất có ý nghĩa. Vì vậy, những năm gần đây lễ hội được khôi phục, chúng tôi đã rất hạnh phúc, nay lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, niềm phấn khởi, tự hào lại càng nhân lên gấp bội. Mấy ngày nay, sau khi biết tin, cả làng lại thêm rộn ràng, con cháu ở khắp nơi cũng điện về chia vui với bố mẹ, ông bà".

Video: Ông Lê Văn Biên (thôn Lâm Hoa, Xuân Liên) chia sẻ về Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm.

Những ngày này, người dân xã Xuân Liên cũng háo hức chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị cho lễ đón bằng công nhận Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dự kiến, sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch sắp tới (nhằm ngày 24 và 25/3/2024).

Dịp này, người dân làng Cam Lâm cũng sẽ tổ chức lễ tế và rước Đông Hải Linh ứng tôn thần theo nghi thức truyền thống từ đền Đông Hải đến đền Thành Hoàng làng và ra biển. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa thể thao, văn nghệ dân gian như: đua thuyền, đi cà kheo trên bãi biển, kéo co, đêm diễn xướng trò Kiều, dân ca ví, giặm...

Tự hào khi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Những chiếc thuyền mô hình sẽ được gánh theo kiệu linh vị của Đông Hải Đại vương trong lễ rước tại Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm.

Ông Trần Tiến Lực - Trưởng ban lễ nghi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm cho biết: "Thường niên 3 năm 1 lần, chúng tôi thực hiện lễ rước nhưng đây là sự kiện quan trọng nên phần nghi lễ rước sẽ được thực hiện trong dịp này. Để chuẩn bị cho lễ tế và rước Đông Hải Đại vương, hiện các thành viên ban lễ nghi đã tiến hành tập luyện thường xuyên các nghi thức; đồng thời chuẩn bị chu đáo các phương tiện để rước linh vị như kiệu, lọng, tán...

Ngoài ra, theo sự phân công, những người tham gia lễ rước cũng tiến hành rèn luyện sức khỏe để thực hiện các phần việc cho buổi lễ sắp tới. Với lòng thành kính, chúng tôi cố gắng thực hiện buổi lễ một cách trang trọng nhất. Qua đó, tôn vinh thần Đông Hải cũng như lan tỏa vẻ đẹp văn hóa truyền thống của làng Cam Lâm".

Không chỉ người dân xã Xuân Liên, rất nhiều người dân Hà Tĩnh cũng phấn khởi khi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Anh Phạm Bá Phương (xã Thiên Lộc, Can Lộc) bày tỏ: "Mỗi một di sản văn hóa quê hương núi Hồng, sông La được vinh danh, tôi đều cảm thấy vui mừng. Đó là cơ hội để những giá trị văn hóa và vẻ đẹp của con người Hà Tĩnh thêm phần lan tỏa đến bạn bè gần xa. Điều đó cũng khẳng định, Hà Tĩnh là miền đất giàu giá trị văn hóa, đã và đang được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn và phát huy".

Tự hào khi Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đền Đông Hải (thôn Lâm Hoa, Xuân Liên, Nghi Xuân) gắn với lễ hội cầu ngư được trùng tu bằng nguồn vận động xã hội hóa 6 tỷ đồng.

Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm tự hào của chính quyền và Nhân dân xã Xuân Liên. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, cùng với tích cực phối hợp UBND huyện Nghi Xuân tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di sản, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, duy trì văn hóa lễ hội... Qua đó, lan tỏa, nhân lên những giá trị của di sản ông cha để lại, làm động lực để cổ vũ Nhân dân quyết tâm thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ông Lê Quang Hùng

Chủ tịch UBND xã Xuân Liên

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.
Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Đón nhận “luồng gió mới” từ những chủ trương chính sách của các cấp, ngành trong phát triển du lịch, gần đây, nhiều cá nhân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm hấp dẫn, góp phần thu hút du khách.
Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

“Tôi có thể hiểu được tiếng các loài chim và đã hỗ trợ xây dựng được hơn 20 mô hình bảo tồn chim trời với hàng chục loài, tạo nên những mô hình du lịch sinh thái nổi tiếng thu hút du khách. Tôi mong muốn giúp Hà Tĩnh xây dựng mô hình này”, ông Lê Danh Cương chia sẻ.