Tự hào, phấn khởi trước những giá trị văn hóa của Trường Lưu được thế giới vinh danh

(Baohatinh.vn) - Sự kiện Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương càng khẳng định giá trị của ngôi làng cổ 600 tuổi. Những người con của làng nói riêng, người dân Can Lộc và Hà Tĩnh nói chung rất tự hào, phấn khởi trước những giá trị văn hóa của Trường Lưu được thế giới công nhận, vinh danh.

Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Mátxcơva - Liên bang Nga): Chúng tôi kính trọng và tự hào về những đóng góp vô giá của tiền nhân.

Tự hào, phấn khởi trước những giá trị văn hóa của Trường Lưu được thế giới vinh danh

Chúng tôi, những người dân xứ Nghệ ra đi từ vùng quê mang tên Trường Lưu, có quyền tự hào về truyền thống cha ông, về các bậc tổ phụ của dòng họ Nguyễn Huy đã gần 600 năm qua lập nghiệp nơi đây, kiến tạo nên miền “địa linh, nhân kiệt”. Chúng tôi kính trọng và tự hào về những đóng góp vô giá của tiền nhân, để lại những trứ tác bất tử, để các danh nhân kiệt xuất của dòng họ Nguyễn Huy cùng với những danh nhân khác của miền núi Hồng - sông La trong quá khứ đã xây dựng và phát triển nên một giai đoạn sáng chói nhất trong tiến trình phát triển của văn học cổ điển và văn hóa Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian, di sản đồ sộ của dòng họ Nguyễn Huy dẫu đã bị mai một rất nhiều, nhưng những gì còn lại vẫn không kém phần rực rỡ và đủ để khẳng định những giá trị “vô tiền, khoáng hậu” của nó. Chúng tôi cảm ơn Nhân dân Trường Lưu, các thế hệ tiền nhân hàng trăm năm qua đã có công gìn giữ những báu vật của dòng họ Nguyễn Huy; cảm ơn các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Hà Tĩnh và Việt Nam đã có công giới thiệu những di sản đó ra thế giới.

Việc được UNESCO và Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh danh Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là một sự công nhận, khẳng định và đánh giá rất cao di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu trong hợp lưu của văn hóa nhân loại. Với việc trao bằng cao quý này của các cơ quan văn hóa thế giới, di sản của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu không chỉ là di sản của vùng miền nữa, mà đã mang tầm quốc gia, dân tộc và quốc tế.

Vì vậy, chúng tôi có lý do để tin rằng, các cấp chính quyền và các cơ quan văn hóa Việt Nam và Hà Tĩnh sẽ dành cho Trường Lưu một sự quan tâm đặc biệt, một sự đầu tư thích đáng để góp phần bảo vệ, tôn tạo và trùng tu di sản vô giá này, góp phần xây dựng Trường Lưu thành một địa danh văn hóa đặc biệt không chỉ riêng của tỉnh nhà mà còn của cả nước.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại: Văn hóa làng cần được nuôi dưỡng, chia sẻ, trao truyền…

Tự hào, phấn khởi trước những giá trị văn hóa của Trường Lưu được thế giới vinh danh

Làng văn hóa Trường Lưu, cũng như mọi ngôi làng khác của Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung đều là một ngôi làng của những người lao động hiền hòa, mang khát vọng ấm no, yên bình... Thiên tai, địch họa không ngừng làm cho mỗi ngôi làng trở thành chứng tích của đau thương và anh dũng. Để tồn tại và phát triển được, con người phải vươn lên không ngừng, phải học hỏi nhiều thứ và tích tụ cho mình những truyền thống, những giá trị văn hóa đặc sắc.

Điều nổi bật ở làng Trường Lưu là có nhiều nhân tài, hoặc họ không làm quan, hoặc làm quan rồi về lập trường dạy học như cụ Nguyễn Huy Oánh. Sự chú ý đến giáo dục đã làm cho văn hóa càng ngày càng phát triển, con người biết sống theo lễ nghĩa, đạo đức. Những nhân tài đó cũng sinh ra từ bụi tre, gốc mít - nói một cách hình ảnh, tức sinh ra từ những gia đình nông dân chất phác, hiền hòa. Nguồn cội sâu xa hơn về văn hóa, không chỉ thấy ở danh nhân, ở di sản, mà phải thấy ở tầng sâu hơn. Đó là nguồn cội, khơi được nguồn xa thì nước dòng chảy mạnh, để văn hóa là sự phát triển liên tục và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của cuộc sống. Từ câu chuyện của làng Trường Lưu, tôi thấm thía sâu sắc rằng, văn hóa cần luôn được nuôi dưỡng, chia sẻ, trao truyền...

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc: Mong muốn Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa làng Trường Lưu” sớm được triển khai.

Tự hào, phấn khởi trước những giá trị văn hóa của Trường Lưu được thế giới vinh danh

Qua các bước xây dựng đề án và tổ chức hội thảo, hiện các nội dung của Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa làng Trường Lưu” đã được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất. Đề án tập trung vào việc khôi phục lại các di sản, di tích. Huyện Can Lộc đang tiến hành vận động nguồn xã hội hóa để khôi phục lại hiện trạng một số hạng mục như ao sen, chùa Hân, vườn hoa, bến thuyền… trong Trường Lưu bát cảnh.

Song song với việc khôi phục hiện trạng, sẽ tiến hành tổ chức các hoạt động tuyên truyền về văn hóa, quảng bá di sản, di tích của làng tới du khách thập phương. Huyện cũng đã xây dựng đồ án “Quy hoạch làng văn hóa du lịch Trường Lưu”, theo đó, quy hoạch xây dựng thêm các hạng mục như quảng trường, không gian diễn xướng dân ca ví, giặm làm nơi tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách và các dịch vụ đi kèm khác.

Hiện các đề án đã được trình Sở VH-TT&DL. Chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền; các sở, ngành và Nhân dân cùng chung tay để sớm phê duyệt và triển khai đề án, đưa làng Trường Lưu trở thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh (thôn Tân Tiến, xã Kim Song Trường, Can Lộc): Niềm tự hào về truyền thống văn hóa quê hương là động lực vươn lên.

Tự hào, phấn khởi trước những giá trị văn hóa của Trường Lưu được thế giới vinh danh

Là một người dân làng Trường Lưu, tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi được biết Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu vừa được UNESCO vinh danh. Nhất là dịp này, cùng với lễ đón bằng công nhận di sản, tỉnh và địa phương cũng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-2023), 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743-2023), 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783-2023). Với mỗi người dân Kim Song Trường chúng tôi, các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy nói riêng và những thế hệ tiền nhân đi trước nói chung luôn có một vị trí trang trọng, thành kính, tri ân trong tâm tưởng. Các danh nhân cũng như di sản ông cha để lại không chỉ đã bồi đắp, tô thắm một làng Trường Lưu nổi tiếng trong quá khứ mà còn giá trị cho đến ngày nay.

Lễ kỷ niệm năm sinh các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và lễ rước bằng di sản Hán Nôm làng Trường Lưu một lần nữa giúp thế hệ con cháu khơi dậy truyền thống, niềm tự hào về dòng họ, quê hương. Đây cũng là động lực để người dân làng Trường Lưu chúng tôi nỗ lực phấn đấu, đóng góp và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao của thế hệ ông cha đi trước.

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Tại Hà Tĩnh, ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực nhất.
Phố trong lòng sông...

Phố trong lòng sông...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...
Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.