Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

(Baohatinh.vn) - Dẫu hệ thống trường học - thư viện - nhà xuất bản ở ngôi làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) không còn nhưng những giá trị di sản vẫn tỏa sáng đến muôn đời.

Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

Sông Phúc Giang và làng Trường Lưu ngày nay, nhìn từ trên cao. Ảnh: Đình Nhất.

Tìm lại dấu tích “Phúc Giang thư viện”, “Trường học Phúc Giang”

Năm 2016, một sự kiện văn hóa lớn diễn ra làm nức lòng người dân Hà Tĩnh hiếu học và giàu truyền thống văn hóa: Mộc bản Trường Lưu (còn gọi là mộc bản trường học Phúc Giang) của dòng họ Nguyễn Huy chính thức trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc bằng gỗ dùng để in sách phục vụ việc dạy và học của dòng họ Nguyễn Huy (làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường). Mộc bản được khắc lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu khẳng định bản quyền của 5 nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình 3 thế hệ ở thế kỷ XVIII: ông Nguyễn Huy Tựu (1690-1750); các con: Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) và cháu Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790).

Tư liệu trên mộc bản là các tác phẩm có chọn lọc do các tác giả họ Nguyễn Huy biên soạn, viết chữ, tổ chức cho thợ khắc với thời gian và địa điểm cụ thể; hình thức khắc phong phú, tinh xảo, chữ viết đẹp, chứa nhiều thông tin về lịch sử, chính trị - xã hội, tư tưởng - văn hóa, bang giao, tiếp thu và phát triển Nho giáo.

Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

Mộc bản Trường học Phúc Giang. Ảnh: Thiên Vỹ

Trường Lưu học hiệu là trường học được lập vào 1732. Năm 1766, sau khi đi sứ về, Nguyễn Huy Oánh nâng cấp và đổi tên thành Trường học Phúc Giang - ngôi trường được dòng họ lập ra nhằm dạy học trò đạo đức và các môn học phục vụ việc thi cử. Học trò của trường từng có hàng nghìn người, đủ các độ tuổi, trong đó 30 người đậu Tiến sĩ. Trong một bức trướng mừng Nguyễn Huy Oánh về hưu, trở lại làm quan có danh sách 24 học trò, trong đó có danh sĩ Ngô Thì Nhậm, 2 người Nghệ Tĩnh, còn lại người các tỉnh phía Bắc. Còn trong một tấm bia Nguyễn Huy Oánh khắc có câu: “Cha ta dạy học trước sau là 1281 người"

Để phục vụ việc dạy học và mở mang tri thức cho giới Nho sinh, gia đình Nguyễn Huy Oánh đã sản xuất bộ mộc bản in sách với hơn 2.000 bản. Mỗi năm xưởng in - nhà xuất bản của gia đình ông cho ra đời trên 400 quyển sách bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trong 2.000 mộc bản, hiện còn 383 bản được lưu giữ ở nhà thờ và 8 bản ở Bảo tàng Hà Tĩnh.

Số lượng mộc bản này dùng để in 12 tập sách giáo khoa kinh điển của Nho giáo với nội dung để dạy và học, dùng cho người đi thi thời xưa bao gồm: Tính lý, Ngũ kinh (Kinh thi, Kinh thư, Kinh Lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu ) và Tứ thư.

Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

Toàn cảnh khu vực trước đây là Thư viện Phúc Giang và Trường Lưu học hiệu. Ảnh: Đình Nhất

Hơn 200 năm đã trôi qua, với bao biến động của lịch sử, xã hội, thiên nhiên, sông Phúc Giang đã thu hẹp lại rất nhỏ. Dấu tích thư viện, trường học Phúc Giang và Trường Lưu nay chỉ là một cái ao chừng 300m2 và giếng cổ mang tên giếng Đền (vì nằm trước Đền thư viện).

GS Nguyễn Huy Mỹ - người đã dày công khởi xướng, lập hồ sơ trình UNESCO các di sản tư liệu, nhớ lại: “Khi tôi còn nhỏ, tại đây có 2 cột nanh vào đền. Không biết đền được xây dựng khi nào nhưng nghe kể lại, đây là nơi những người trong gia đình Nguyễn Huy Oánh mở thư viện, dạy học. Học trò của ông có nhiều người ngoài Bắc vào.”

Nhà nước phong kiến đương thời đã rất trọng dụng tài năng và đức độ của Nguyễn Huy Oánh. Ông thuộc hàng quan Nhất phẩm, từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng), được phong nhiều chức. Sau khi ông mất, vua còn phong ông là "Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần”.

Hoạt động dạy học, lập thư viện, xuất bản sách được chính quyền địa phương và Nhân dân hết sức ủng hộ. Ngoài Nguyễn Huy Oánh còn có nhiều danh sĩ từng giảng dạy Quốc Tử Giám tham gia dạy học, biên soạn và ấn hành sách. Với một lực lượng lớn học trò từ mọi miền về đây học tập, có thể hiểu chính quyền sở tại đã phối hợp rất tốt với các gia đình, dòng họ để sắp xếp nơi ăn chốn ở, việc học hành cho họ. Nguyễn Huy Oánh còn lập quỹ “học điền” với hơn 20 mẫu ruộng, truyền ngọn lửa hiếu học cho con cháu, họ hàng, Nhân dân.

Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ (ở giữa) thăm lại dấu tích xưa của Thư viện Phúc Giang. Ảnh: Thiên Vỹ

Để làm được 2.000 bản khắc in chữ bằng gỗ cây thị đực là cả một quá trình dài mày mò nghiên cứu, lao động sáng tạo. Có thể thấy không khí văn hóa, văn chương, học thuật… tại Trường Lưu thời kỳ đó vô cùng sôi nổi. Trường Lưu trở thành điểm sáng về giáo dục ở Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Để di sản tư liệu luôn mới mẻ, gần gũi

Mộc bản Trường Lưu không còn là những bản khắc gỗ khô cứng nằm lặng lẽ trong bảo tàng dòng họ mà đã đến với thế giới, tỏa sáng những giá trị mới mẻ, sống động. Phải phát huy giá trị di sản đó như thế nào trong sự nghiệp văn hóa - giáo dục hôm nay?.

Trong một bài nghiên cứu về Nguyễn Huy Oánh, Nhà nghiên cứu Hà Quảng đã viết: “Không thể không suy nghĩ về đội ngũ thầy giáo và phương pháp giảng dạy, học tập mà Nguyễn Huy Oánh áp dụng ở đây. Thầy giáo Trường Lưu học hiệu chắc ít nhưng mà giỏi, nổi bật là Nguyễn Huy Oánh đã áp dụng một phương pháp dạy và học tích cực. Nho sinh trên cơ sở đầy đủ tài liệu tham khảo, tăng cường việc tự nghiên cứu rồi trao đổi với nhau, đặc biệt là qua các kỳ bình văn hay các dịp giao lưu với các văn nhân trong ngoài vùng hoặc nơi xa đến”.

Bài học đó là cho muôn đời, nhất là trong tình hình hiện nay, cả người dạy lẫn người học còn chưa thật sự đam mê đọc sách, nghiên cứu, ít giao lưu trao đổi, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, văn chương, học thuật.

Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

Đại diện tổ chức UNESCO trao Bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Huy. Ảnh: Tư liệu

Toàn bộ các công trình văn hóa - giáo dục nói trên mà Nguyễn Huy Oánh thực hiện chủ yếu trong thời gian cáo quan về nghỉ ở Trường Lưu. Ông là tấm gương lao động không mệt mỏi, luôn gắn trách nhiệm công dân của mình với đất nước, quê hương, không kể khi đương chức hay đã nghỉ hưu.

Thời nào cũng vậy, gia đình luôn là trường học đầu tiên và suốt đời của mỗi con người. Để đào tạo được những người con, người cháu có sự nghiệp vẻ vang, đòi hỏi ông bà, cha mẹ phải khơi dậy niềm say mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo cho con cháu ngay từ khi còn nhỏ, tạo nên một không khí văn hóa để cuốn hút thế hệ trẻ.

Bài học từ các gia đình khoa bảng xưa ở Hà Tĩnh, đặc biệt là gia đình Nguyễn Huy Oánh là một điển hình. Thế hệ mới của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, cậu sinh viên Nguyễn Huy Trường Nam đã giành học bổng toàn phần Đại học Harvard và 100 giải thưởng danh giá khác ở Nga. Các gia đình nhà giáo như: Trịnh Kim Chi, Lê Nam Trường, Phan Mạnh Tân, Nguyễn Thị Việt Hà và các tấm gương Võ Anh Đức, Phan Nhật Duy, Phan Xuân Hành từng đạt giải trong các cuộc thi quốc tế, khu vực…đã làm sáng đẹp thêm truyền thống hiếu học của Hà Tĩnh.

Ngày nay văn hóa đọc đã có nhiều đổi khác, trở thành thách thức đối với tiếp biến văn hóa, rất cần được mỗi gia đình và cả cộng đồng quan tâm. Việc khuyến khích sáng tác văn chương nghệ thuật, xuất bản sách cần được đẩy lên một bước mới, nhất là trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội lấn át.

Trường học - Thư viện Phúc Giang và điểm sáng giáo dục Việt Nam thế kỷ XVIII

Đình làng Trường Lưu.

Để Mộc bản Trường Lưu cũng như các di sản nói chung luôn tỏa sáng các giá trị trong hiện tại, cần sớm thúc đẩy đề án xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu, hình thành các sản phẩm du lịch, phục hồi Thư viện - Trường học Phúc Giang và kết nối với các địa chỉ du lịch của Hà Tĩnh. Cần có những hoạt động tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm của học sinh ở Trường Lưu, để các em hiểu hơn truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học của thế hệ đi trước.

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast