Từ hôm nay, hầm Đèo Cả bắt đầu thu phí

Trong khi dư luận xã hội đang bức xúc trước việc nhiều dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT có mức thu phí không hợp lý; chất lượng công trình không đảm bảo, thì tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả (đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), người dân khá hài lòng với chất lượng công trình và sẵn sàng chi trả phí để qua hầm.

tu hom nay ham deo ca bat dau thu phi

Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Hầm đường bộ Đèo Cả có quy mô lớn nhất trong hệ thống hầm đường bộ trên Quốc lộ 1A, với tổng chiều dài 13,19 km; trong đó hai hạng mục chính là hầm Đèo Cả dài 4.125 m và hầm Cổ Mã dài 500 m. Mỗi ống hầm thiết kế 2 làn xe khai thác cùng chiều theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc 80 km/giờ.

Việc đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả đã rút ngắn gần một nửa quãng đường đi trên Quốc lộ 1A hiện nay, đảm bảo giao thông thuận lợi. Khi lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả sẽ rút ngắn được khoảng 9 km, giảm 30 phút hành trình so với đường đèo cũ. Nhiều tài xế khi đi qua hầm đều thấy được sự an toàn và tiết kiệm chi phí.

Ông Đào Cao Vũ, lái xe 4 chỗ từ Thành phố Hồ Chí Minh, vừa đi qua hầm chia sẻ: "Năm nào tôi cũng đi qua cung đường Đèo Cả. Đi đèo thì nguy hiểm, bây giờ có hầm rồi đi an toàn hơn, sướng hơn. Vấn đề nữa ở đây là nhanh và yên tâm hơn trong mùa mưa bão".

Là một lái xe đường dài Bắc Nam, anh Cao Thế Uyên, lái xe ở tỉnh Nghệ An đã đi qua hầm Đèo Cả 3 lần trong thời gian chủ đầu tư miễn thu phí khi qua hầm. Anh Uyên cho biết, nếu đi đèo thì mất cả tiếng đồng hồ, còn đi qua hầm chỉ khoảng 17 phút. Khoảng thời gian này giúp cho công việc trả hàng nhanh hơn. Nếu có thu phí thì lợi xăng dầu tính đi qua hầm vẫn khoảng từ 4 đến 5% so với đi đèo như trước đây.

Sau gần nửa tháng miễn thu phí, kể từ ngày 3/9, các phương tiện khi qua hầm Đèo Cả bắt đầu trả phí. Theo đó, đối với vé lượt, thấp nhất 52.000 đồng/lượt/xe và cao nhất 200.000 đồng/lượt/xe. Mức giá thu phí phù hợp với Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải và thấp hơn mức giá đã được Bộ chấp thuận trong phương án tài chính của dự án.

Các phương tiện giao thông khi qua hầm Đèo cả không chỉ được hưởng mức phí ưu đãi mà còn được hỗ trợ trong lưu thông an toàn.

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: "Kể từ ngày thông toàn tuyến, trung bình một ngày có từ 5 đến 7.000 lượt phương tiện qua hầm Đèo Cả. Tất cả các phương tiện qua đây đều được chúng tôi hỗ trợ các phương án lái xe an toàn. Khi qua Đèo Cả, người dân có quyền lựa chọn phương án trả phí để qua hầm hoặc không mất phí thì đi qua đèo như trước đây. Hiện nay, Đèo Cả ứng dụng công nghệ thu phí không dừng, một dừng, tổ chức các làn thu phí thông thoáng, bảo đảm việc lưu thông thuận lợi".

Hầm đường bộ Đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam.

Việc đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả không chỉ đảm bảo giao thông thuận lợi mà còn mở ra nhiều triển vọng phát thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.