Làng nghề bún Kỳ Bắc - đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phát triển

(Baohatinh.vn) - Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, người làm bún ở Kỳ Bắc (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín hiện đại trị giá hàng trăm triệu đồng, mỗi ngày gia đình chị Hoàng Hồng Thuỷ ở làng nghề sản xuất bún bánh thôn Phương Giai, xã Kỳ Bắc sản xuất gần 1 tấn bún.

bqbht_br_a5-1.jpg
Xưởng sản xuất bún của gia đình chị Thuỷ.

Từ khi áp dụng dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải hiện đại, gia đình chị Thủy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian và giảm bớt các khâu lao động thủ công, giảm thiểu được nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Chị Thuỷ cho biết: “Trước đây, khi chưa đầu tư dây chuyền sản xuất và hệ thống biogas xử lý nước thải, việc sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhất là tình trạng ô nhiễm do toàn bộ lượng nước thải hằng ngày không qua xử lý thoát ra môi trường, gây tù đọng, hôi thối. Từ khi đầu tư hệ thống sản xuất khép kín, chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, giải phóng được nhiều sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đã giải quyết gần như triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường”.

bqbht_br_a4-1.jpg
Toàn bộ lượng nước thải từ sản xuất hằng ngày được xử lý nhờ hệ thống biogas.

Kể từ khi làng nghề truyền thống sản xuất bún bánh thôn Phương Giai được công nhận năm 2020 đến nay, đã có 14 hộ đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại và hệ thống biogas hoàn chỉnh. Bể khí biogas được đặt sâu dưới lòng đất vừa tiết kiệm không gian, vừa tối ưu trong đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, việc hỗ trợ nhau trong sản xuất không chỉ tạo mối liên kết trong làng nghề mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố uy tín, thương hiệu làng nghề truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Chiểu - Bí thư chi bộ thôn Phương Giai cho biết: “Với hơn 30 hộ sản xuất, kinh doanh, mỗi ngày làng nghề sản xuất và bán ra thị trường hàng tấn sản phẩm. Từ sự đầu tư trang thiết bị máy móc và ý thức của bà con trong việc nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đã ngày càng củng cố thương hiệu làng nghề".

bqbht_br_a3-1.jpg
Cán bộ xã và thôn thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và động viên các thành viên làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bên cạnh những nỗ lực của người sản xuất, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường để phát triển bền vững.

Bà Bùi Thị Hạnh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Bắc cho biết: "Để hỗ trợ làng nghề phát triển bền vững, xã Kỳ Bắc luôn quan tâm và có chính sách khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, nâng cao uy tín thương hiệu. Trong năm 2025, địa phương sẽ hướng đến xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây cũng là cách để sản phẩm bún sạch của địa phương được nhận diện và khẳng định trên thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất và tiêu dùng".

bqbht_br_22.jpg
Sản phẩm bún truyền thống của xã Kỳ Bắc luôn được khách hàng ưa chuộng.

Ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống của các hộ dân ở Kỳ Bắc đã được thể hiện trong việc mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và tổ chức sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật. Đây cũng là yếu tố để các hộ sản xuất ở làng nghề bún bánh ở Kỳ Bắc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo môi trường sống và xây dựng uy tín thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.