Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

(Baohatinh.vn) - Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đi vang vọng núi sông, thức tỉnh lòng người Việt Nam, tạo sức mạnh, ý chí quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc để “Dân tộc độc lập/ Dân quyền tự do/ Dân sinh hạnh phúc”…

Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đi vang vọng núi sông, thức tỉnh lòng người Việt Nam, tạo sức mạnh, ý chí quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc để “Dân tộc độc lập/ Dân quyền tự do/ Dân sinh hạnh phúc”…

Lời rằng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(1). Ngày nay, lời kêu gọi ấy vẫn như đang giục giã, thôi thúc người Việt Nam đoàn kết, đồng tâm hợp sức để khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) đến “Hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” (3/11/1968), Bác Hồ đã có 28 bài viết, lời kêu gọi, bài nói chuyện, thư, điện về thi đua ái quốc.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu TTXVN

Thời kỳ đó, sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông, bước sang năm 1948, nghe theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, cả nước tiếp tục diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, diệt giặc ngoại xâm, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954. Rồi đến các phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và rất nhiều phong trào thi đua khác ra đời trong thời kỳ cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử đều gắn liền với tổ chức thực hiện các phong trào thi đua ái quốc. Điều gì đã làm cho các phong trào thi đua trở thành động lực, sức mạnh diệu kỳ như vậy?

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ IV ở Hà Nội (tháng 12/1966), . Ảnh tư liệu TTXVN

Thi đua vốn tồn tại khách quan trong xã hội, là động lực to lớn đẩy mạnh các hoạt động KT-XH đạt hiệu quả cao nhất. Trong mỗi thời kỳ, thi đua đều có nội dung, đặc điểm, hình thức mới. Cái tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã phát hiện, tạo sự liên kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa phong trào thi đua với truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - đó là truyền thống yêu nước. Đây là sự sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc. Người khởi xướng, lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua.

Trong “Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc” (1/8/1951), Bác viết: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”(2). Đến “Lời phát biểu trong buổi lễ khai mạc Đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc” (1/5/1952), Người khẳng định: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu nữ tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua lần thứ IV ở Hà Nội (tháng 12/1966). Ảnh tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là biện pháp cực kỳ quan trọng để tổ chức vận động phong trào hành động cách mạng, huy động sức mạnh Nhân dân; khơi dậy tính năng động, sáng tạo của quần chúng, tạo mối quan hệ xã hội tốt đẹp của con người với nhau trong xã hội, là biện pháp tốt nhất để giáo dục con người. Đó là phong trào rộng khắp, liên tục ở các lĩnh vực và phải thiết thực. Người cho rằng: Công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua, thi đua phải làm thế nào để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Cán bộ của hệ thống chính trị phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua. Người thường nói: Lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau.

Đối với Người, đã nói là phải làm, lý luận đi đôi với thực tiễn, không có kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”, “đầu voi đuôi chuột”. Người rất ghét bệnh hình thức, bệnh thành tích. Người hay phê bình kiểu phát động phong trào thi đua trống giong cờ mở, khẩu hiệu rất kêu, xong rồi phong trào cách mạng không có. Thi đua không đúng thực chất, không đi vào giáo dục, giải thích, hướng dẫn, tổ chức thực hiện vừa không có kết quả, vừa làm mất niềm tin trong Nhân dân. Cũng do nhận thức không đầy đủ nên khi thực hiện đã có không ít cán bộ, đảng viên thiếu bàn bạc dân chủ với dân, nặng về hành chính mệnh lệnh, máy móc, nên có nơi làm cho dân không kham nổi, thậm chí họ không đồng tình và phản kháng.

Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu

Thực tế hiện có người vẫn nghĩ đơn giản rằng: Trong kháng chiến, kiến quốc gian khổ, khó khăn cần phát động các phong trào thi đua, còn trong thời bình, xây dựng kinh tế, cơ chế thị trường đều do sự cạnh tranh, thúc đẩy nên chẳng cần thi đua người ta vẫn cố gắng, đó là nhận thức sai lầm. Trong thời bình, trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, càng phải phát động các phong trào thi đua yêu nước. Có thi đua yêu nước mới tạo được sự phát triển toàn diện, mới bảo vệ được đất nước, mới phát huy được ý thức tự tôn, tự hào dân tộc. Cũng có người quan niệm thi đua là trách nhiệm của mặt trận và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan Nhà nước chỉ xét thưởng theo đề nghị của các tổ chức này. Thực tế không phải như vậy. Các cơ quan Nhà nước không thực hiện nhiệm vụ qua các phong trào thi đua thì sao gọi là dựa vào dân, lấy dân làm gốc được.

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh đã tạo dựng được nhiều phong trào với nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực. Từ trong khói lửa của chiến tranh, với phong trào thi đua chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi, Đại hội tổng kết phong trào “ba sẵn sàng” (25/4/1973), Đại hội liên hoan mừng công thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa (1/6/1973) đã được tổ chức với khí thế vang dội trên đất Hà Tĩnh; tỉnh nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, động viên. Những năm gần đây, Hà Tĩnh tiếp tục có bước phát triển mới, nhất là thu hút đầu tư, xây dựng các công trình, nông thôn mới, đô thị văn minh. Các phong trào thi đua đã trở thành nguồn năng lượng mới cho phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chúc mừng các nhà đầu tư tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư. (tháng 5/2023).

Hào khí của cha anh đang tiếp thêm động lực, sức mạnh cho công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập để Hà Tĩnh vượt qua thử thách, khó khăn, vững bước trên con đường thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc.

________

(1). Theo Hồ Chí Minh toàn tập, CD - ROM, NXB Quốc gia - Sự thật (xuất bản lần thứ 3), tập 5, trang 556; (2) tập 7, trang 145; (3) trang 407.

Ảnh: Tư liệu

thiết kế - Kỹ thuật: Huy Tùng - Khôi Nguyễn

Chủ đề THI ĐUA ÁI QUỐC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói