Tướng De Castries bị bắt ở Điện Biên Phủ như thế nào?

"Tôi sẽ đội chiếc mũ này để Việt Minh dễ nhận ra mục tiêu" - De Castries kiêu ngạo nói khi chiến dịch Điện Biên Phủ chưa bắt đầu, nhưng chẳng bao lâu sau, tướng Pháp đã bị bắt.

Trong các cuốn Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Từ Đồng Quan đến Điện Biên không chỉ kể về chiến thắng Điện Biên Phủ, mà còn có những trang kể về việc bắt giữ tướng De Castries.

------------------------

Bắt sống tướng giặc

Trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tả lại diễn biến cuối cùng của chiến dịch lịch sử:

“Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật lập tức dẫn đại đội 360 (tiểu đoàn 130, trung đoàn 209) luồn dưới làn đạn của nhưng khẩu trọng liên bốn nòng, băng qua cầu Mường Thanh. Nhận thấy quân địch hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật cho bộ đội rời giao thông hào đầy âp quân địch, nhảy lên mặt đất, dùng một línhh ngụy dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh tới sở chỉ huy của De Castries".

Tướng De Castries bị bắt ở Điện Biên Phủ như thế nào?

Các phiên bản sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử.

"Các đài quan sát báo cáo về: Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, 312 từ phía đông tiến qua cầu Mường Thanh, 308 từ phía tây mở đường qua sân bay, và từ phía tây nam mở đường vào Lili, hướng về sở chỉ huy của De Castries. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ".

"Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiễu. Anh Hoàng Văn Thái luôn luôn nhắc các đơn vị: "Bao vây chặt, không để một tên nào chạy thoát".

5 giờ 30 chiều, 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu. Trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries ".

------------------------

Cuộc hỏi cung đầu tiên tướng Pháp

Trong mẩu hồi ức có nhan đề "Làm tròn nhiệm vụ", trong cuốn sách Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (NXB QĐND, 1964), Thượng tướng Hoàng Cầm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đoàn trưởng trung đoàn 209, đại đoàn 312, đã kể lại câu chuyện buổi chiều 7/5/1954 lịch sử, với sự kiện tổ của đại đội 360 của Tạ Quốc Luật và Hoàng Quang Vinh đã vượt cầu Mường Thanh, tiến vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries và những lời hỏi cung đầu tiên với viên tướng Pháp này:

“Điện của đại đoàn, của Bộ chỉ huy mặt trận dồn dập yêu cầu báo cáo về việc bắt sống De Castries và việc quân nó ra hàng. Tôi lệnh cho đại đội trưởng Tạ Quốc Luật giải ngay De Castries về chỉ huy sở của trung đoàn. Đồng chí Trần Quân Lập, Chính ủy trung đoàn hỏi nó bằng tiếng Pháp: - Đơn vị của anh ở Hồng Cúm hàng chưa? - Tôi bị đứt liên lạc với Hồng Cúm. - Anh đã báo cáo với Hà Nội thế nào? - Tôi đã báo cáo cho tướng Cogni là Điện Biên thất thủ rồi, tuyệt vọng hoàn toàn. - Trước kia anh có viết truyền đơn thách chúng tôi phải không? - Mong ông hiểu cho, Hà Nội làm việc đó chứ không phải tôi.

Tướng De Castries bị bắt ở Điện Biên Phủ như thế nào?

Tướng De Castries bị bắt tại Điện Biên Phủ.

De Castries ngồi ủ rũ. Mấy đồng chí anh nuôi nghe tin bắt được De Castries, tay đang thái thịt xách cả dao, băng băng chạy lên ngó mặt viên tướng bại trận".

"Chính ủy Lập ở nhà bố trí việc giải tù binh De Castries lên trên, còn tôi lao ngay vào Mường Thanh. Lúc đó đang là buổi chiều đẹp. Trời tháng năm trong xanh thăm thẳm. Máy bay địch vẫn ì ì tít tận trên cao, chắc là để quan sát cảnh đầu hàng của thày trò De Castries".

Mường Thanh ngập những người, hàng binh kéo ra, quân ta đổ vào reo, hát, nói, cười rộn rã niềm vui chiến thắng. Anh em P.M.T. là những người dân của ta bị địch bắt ở xuôi lên làm phu, được giải phóng cũng vùng lên với khí thế của người chiến thắng, tự trang bị lấy súng giải đám sĩ quan và lê dương về trại tù binh. Anh em bộ đội ta bị địch bắt trong một số trận của chiến dịch mừng mừng tủi tủi đi tìm đơn vị cũ".

"Mắt tôi dính chặt mãi vào lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch do chiến sĩ ta vừa cầm lên nóc hầm của De Castries. Trước giờ xuất kích, chính tay tôi được giao cho đơn vị lá cờ thiêng liêng đã thấm máu của nhiều chiến sĩ và cán bộ trong đơn vị. Giờ đây, lá cờ lộng lẫy bay cao, giống như bàn tay thân yêu của Tổ quốc thiết tha vẫy gọi những người con chiến thắng. Nhìn vào đó, tôi bỗng thầy rất tự hào về sức mạnh vĩ đại của Đảng, của nhân dân mình, và cảm thấy sung sướng vô cùng được làm một người cán bộ Quân đội Nhân dân".

Như có một sức mạnh nào cứ đẩy tôi đi rất nhanh khắp một lượt khu chỉ huy sở Mường Thanh đầy mùi hôi thối, khắp nơi vương vãi những mảnh bạt mảnh dù rách mướp dính máu.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một đoàn cán bộ và chiến sĩ thi đua của mặt trận được cử về báo cáo thắng lợi vĩ đại này với Chính phủ và Hồ Chủ tịch.

Trung đoàn chúng tôi được cử hai người là tôi và đồng chí Hoàng Quang Vinh, một trong những người đã bắt sống De Castries. Chúng tôi mang về biếu Hồ Chủ tịch các thứ mề đay và hai cái lon thiếu tướng của De Castries, một lá cờ Pháp đã rách và một cái radio nhỏ cũng của De Castries”.

------------------------

Đã so ảnh, đúng là tướng De Castries!

Cuốn hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên (Đỗ Thân ghi, NXB QĐND 1994) của Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, viết:

“Nhận được báo cáo của trung đoàn 209 đã bắt được tướng De Castries lúc 17 giờ 30, tôi ra lệnh giải ngay De Castries và toàn bộ bộ tham mưu lên sở chỉ huy đại đoàn. Tôi hỏi Hoàng Cầm: - Anh đã trông thấy De Castries chưa? - Báo cáo thấy rồi. - Ăn mặc thế nào? - Báo cáo anh De Castries mặc quần áo màu vàng nhạt, đội calô đỏ, đeo quân hàm cấp tướng. - Quân hàm nó thế nào mà biết là nó cấp tướng? - Có sao anh ạ! - Được rồi, thế ai giải nó đi đấy? - Anh Thăng Bình đã đánh xe zíp đi rồi ạ! - Xe nào, ai lái? - Báo cáo, anh Thăng Bình dùng xe chiến lợi phẩm và bắt một tù binh da đen lái.

Tướng De Castries bị bắt ở Điện Biên Phủ như thế nào?

Bộ đội vẫy cờ trên nóc hầm chỉ huy của De Castries trưa ngày 7/5/1954.

Một lát sau anh em dẫn tướng De Castries vào. Chúng tôi so ảnh. Đúng là De Castries, tuy có xanh và gầy hơn so với lúc còn đeo lon đại tá. Nhìn cái mũ calô đỏ tôi lại nhớ tới câu nói của De Castries khi thấy quân ta chưa đánh Điện Biên: “Tôi sẽ đội cái mũ đỏ này để Việt Minh dễ nhận rõ mục tiêu!”.

Tôi gọi điện báo cáo đồng chí Tổng chỉ huy chiến dịch: “Tướng De Castries hiện nay đang ở trước mặt tôi. Đã so ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch gửi xuống. Xác định đúng là thiếu tướng De Castries và toàn bộ ban tham mưu”.

Đại tướng chỉ thị: Kiểm tra kỹ giấy tờ xem có phải De Castries không? Về việc xác định người bị bắt giữ có đúng là tướng De Castries hay không cũng là mối lo lắng của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp -Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Đại tướng kể lại không khí tại rừng Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch sau khi nghe tin toàn thắng:

“Cả khu rừng cơ quan chỉ huy mặt trận, từ xưa đến nay rất nghiêm mật, bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ầm như biển động. Cán bộ, chiến sĩ hò reo, khua chân múa tay, ôm nhau nhảy nhót, biểu lộ sự vui mừng như những em nhỏ. Có người chỉ hét. Có người mồm há to. Có người mặt tái ngắt.

Ngay sau đó, tôi hỏi anh Lê Trọng Tấn: - Có đúng là đã bắt được De Castries không! - Báo cáo anh, anh em báo cáo lên là đã bắt được. - Căn cứ vào đâu mà biết nó là De Castries? Anh Tấn im lặng. - Cần bắt cho được De Castries. Không được để địch đánh tráo tên chỉ huy. Phải đối chiếu nhân dạng với căn cước, kiểm tra cấp hiệu, phù hiệu. Các đồng chí chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Các đồng chí có ảnh của De Castries chưa! Đơn vị trả lời không có. Một cán bộ của mặt trận dùng xe Jeep xuống đơn vị mang theo tấm ảnh của De Castries.

Chung quanh vẫn ầm ầm. Không sao hạn chế được sự ồn ào, niềm vui của mọi người. Các đồng chí vệ binh hạ những cánh cửa liếp xuống cho sở chỉ huy yên tĩnh hơn.

Lệnh cho 312 phải báo cáo nhanh về việc bắt De Castries được nhắc lại. Mỗi phút chờ đợi lúc này rất dài. Lát sau, anh Lê Trọng Tấn gọi dây nói báo cáo, đúng là đã bắt được De Castries cùng toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm. De Castries vẫn mang cấp hiệu, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của y. Tôi hỏi lại: - Đồng chí đã thực mắt nhìn thấy De Castries chưa! Anh Tấn vui vẻ đáp: - Báo cáo anh, De Castries cùng với cả bộ chỉ khu Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả "can" và mũ đỏ.

Tướng De Castries bị bắt ở Điện Biên Phủ như thế nào?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi viết ngay điện báo cáo với Trung ương và Chính phủ tin quân ta ở Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Bây giờ phải có ngay một bản thông cáo đặc biệt để đài Tiếng nói Việt Nam kịp truyền đi trong đêm nay.

Tin địch ở Mường Thanh đầu hàng được truyền cho các đơn vị bộ đội và dân công ở phía sau qua đường dây điện thoại. Lại có ngay một chuyện mới: Giải quyết cái ăn cho một vạn tù binh, cứu chữa cho thương binh địch tại đây như thế nào! Anh Lê Liêm nhắc đi nhắc lại các đơn vị: "Các đồng chí nhớ bảo đảm chính sách! Phải tổ chức cho tù binh ăn cơm chiều nay". Nhưng người nhẹ nhàng nhất là anh Đặng Kim Giang và các đồng chí phụ trách hậu cần. Không còn phải lo chuẩn bị gạo, đạn cho bộ đội qua cả mùa mưa”.

Christian de Castries (1902) xuất thân gia đình danh giá ở Pháp, theo binh nghiệp. Năm 1953, Castries được giao nhiệm vụ phòng thủ ở Điện Biên Phủ, với chức vụ chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm.

Ngày 7/5/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại quân Pháp và đồng minh tại tập đoàn cứ điểm, kết thúc Chiến tranh Đông Dương. De Castries bị bắt giam trong 4 tháng.

Ngày 3/9/1954, De Castries được trao trả cho Pháp theo hiệp định Gevena.

Năm 1984, De Castries muốn quay lại Việt Nam - nơi gắn bó một thời binh nghiệp, nhưng không thành. Năm 1991, De Castries qua đời tại Pháp.

Theo Zing.vn

Chủ đề CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Đọc thêm

Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Thư cảm ơn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng

Nhân dịp tổ chức thành công diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 30/4, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn. Trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư này.
“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

“Gác lễ", bảo vệ bình yên cho quê hương

Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị vũ trang ở Hà Tĩnh luôn đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, đất liền để Nhân dân yên tâm vui lễ.
Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và khí thế thi đua “thần tốc - quyết thắng” chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, LLVT Hà Tĩnh tiếp tục phát triển theo hướng “tinh - gọn - mạnh”, có chất lượng tổng hợp tốt, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao.
Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Trận đầu thắng Mỹ - ký ức người trong cuộc

Mỗi dịp tháng Tư về, ngôi nhà của Đại úy Lê Văn Kiệm (SN 1945, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) - cựu chiến binh Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà lại trở thành điểm hẹn của biết bao đồng đội.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc chiến 20 năm chống đế quốc Mỹ bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết tinh ý chí, sức mạnh, truyền thống oanh liệt giữ nước của toàn dân tộc. Đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình, linh hoạt của Đảng ta, làm nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất trong lịch sử.
Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về những ngày tháng cầm máy ảnh tác nghiệp trong mưa bom bão đạn, vượt biên giới sang nước bạn Lào để “vào hang bắt cọp” vẫn còn in đậm trong tâm trí người phóng viên chiến trường - nhà báo, thiếu tá Trương Quang Hường (TP Hà Tĩnh).
Mãn nhãn buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Mãn nhãn buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Sáng 27/4, buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra trên đường Lê Duẩn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sự kiện quy tụ khoảng 13.000 người thuộc 48 khối, đại diện cho các lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên và các tổ chức đoàn thể.
Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Tự hào người lính Sư đoàn Sông Lam

Vinh dự là những người lính trực tiếp chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp quản chính quyền sau ngày giải phóng, những người lính của Sư đoàn Sông Lam năm xưa luôn mang trong mình niềm tự hào.