Tưởng niệm đồng bào tử vong do dịch: Nhắc nhớ về nỗi đau, trách nhiệm

Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, để lại nỗi đau tận cùng cho người thân, gia đình và bạn bè; hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ.

Tưởng niệm đồng bào tử vong do dịch: Nhắc nhớ về nỗi đau, trách nhiệm

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tối 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 .

Lễ tưởng niệm bắt đầu từ 20 giờ và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam từ điểm cầu Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cầu Công viên Thống Nhất Thủ đô Hà Nội .

Trao đổi với báo chí về sự kiện này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết lễ tưởng niệm là sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc, song cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm.

- Thưa ông, cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đã được thực hiện như thế nào?

Ông Phùng Khánh Tài: Hiện nay công việc chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đã sẵn sàng. Vào lúc 20h30 ngày 19/11/2021, ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ đồng loạt diễn ra các hoạt động thắp nến, dâng hương, thả đèn hoa đăng; các cơ sở tôn giáo rung chuông tưởng niệm; các con tàu trên các tuyến kênh ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kéo còi.

Ở nhiều nơi, người dân được khuyến khích tắt đèn, thắp nến tưởng niệm. Cùng thời gian này, tại các tỉnh, thành phố có nhiều người dân tử vong cũng có những hình thức phù hợp để tổ chức tưởng niệm.

- Trong thời điểm hiện tại, việc tổ chức lễ tưởng niệm này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Phùng Khánh Tài: Trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Dù toàn đảng, toàn quân, toàn dân đã vào cuộc hết sức quyết liệt với tinh thần "chống dịch như chống giặc," đặt sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, nhưng dịch bệnh khốc liệt, chưa có tiền lệ, hơn 1 triệu người đã mắc COVID-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23 ngàn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, để lại nỗi đau tận cùng cho người thân, gia đình và bạn bè.

Sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất, sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát quá lớn này. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn vì dịch bệnh.

Tưởng niệm đồng bào tử vong do dịch: Nhắc nhớ về nỗi đau, trách nhiệm

Đưa tro cốt các nạn nhân tử vong vì COVID-19 về bàn giao cho các gia đình. (Ảnh: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng cung cấp)

Hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp nổi.

Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì COVID-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ.

Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.

Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình, từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.

Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế-xã hội và mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Theo Hiền Hạnh/Vietnam+

Đọc thêm

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Việt Tiến những ngày tháng 10!

Việt Tiến những ngày tháng 10!

Những ngày tháng 10 lịch sử, trong niềm tri ân tưởng nhớ, lớp lớp bước chân trở về với Việt Tiến (Thạch Hà) - quê hương của người ĐVTN cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng để bày tỏ lòng kính trọng, tự hào và để được tiếp thêm động lực cho chặng đường mới.
Infographic: 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

Infographic: 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng (1914 - 1931) quê ở xã Việt Xuyên (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Năm 1925, anh sang Trung Quốc học tập và hoạt động cách mạng, sau đó trở về Việt Nam thực hiện nhiệm vụ liên lạc cho Đảng, năm 1931, anh bị bắt trong một cuộc biểu tình và bị kết án tử hình. Trước khi hi sinh, anh để lại câu nói nổi tiếng: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".
Tinh thần cách mạng Lý Tự Trọng soi sáng khát vọng cống hiến của thanh niên

Tinh thần cách mạng Lý Tự Trọng soi sáng khát vọng cống hiến của thanh niên

Trả lời phỏng vấn Báo Hà Tĩnh trong dịp tuổi trẻ cả nước sôi nổi chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người ĐVTN cộng sản đầu tiên, đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khẳng định: Tinh thần, chí khí của đồng chí Lý Tự Trọng đã trở thành ngọn đuốc soi sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam; thôi thúc tuổi trẻ tiếp nối con đường cách mạng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng.