Các nhà báo Lào tham quan tuyến đường sắt Lào - Trung.
Chuẩn bị cho việc khai trương tuyến đường sắt dài 420 km nối biên giới Lào -Trung, mới đây, phía Trung Quốc đã bàn giao cho Công ty TNHH liên doanh Đường sắt Lào - Trung tại thủ đô Vientiane đoàn tàu có tên gọi Lane Xang. Lễ bàn giao có sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc tại Lào - ông Jiang Zaidong và Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Lào - ông Viengsavath Siphandone.
Tên của đoàn tàu lấy theo tên gọi cũ của vương quốc Lane Xang (Triệu Voi) và Lan thương là tên của thượng nguồn sông Mekong ở Trung Quốc, tượng trưng cho mối quan hệ Lào - Trung.
Tàu Lane Xang
Với tuyến đường sắt này, hành trình từ thủ đô Vientiane đến biên giới Lào - Trung Quốc sẽ rút ngắn từ 2 ngày xuống còn 3 giờ. Đây là sự khởi đầu kỷ nguyên mới của ngành giao thông vận tải đường sắt tại Lào. Tàu được sơn 3 màu theo cờ của nước Lào gồm: đỏ, xanh và trắng do công ty CRRC Corporation của Trung Quốc sản xuất.
Tốc độ vận hành tối đa của tàu đạt 160 km/h, bao gồm 9 toa (1 đầu kéo, 1 toa phục vụ ăn uống, 1 toa hạng nhất và 6 toa hạng hai) với tổng cộng 720 chỗ ngồi. Các toa đều có máy lạnh, rộng rãi, có chỗ ngồi thoải mái; các màn hình và biển báo dịch vụ được thể hiện bằng ba thứ tiếng Trung, Lào và Anh. Toa thứ 4 được trang bị ghế đặc biệt, tay vịn, nhà vệ sinh, nút khẩn cấp SOS và biển chỉ dẫn bằng chữ nổi Braille dành cho hành khách khuyết tật.
Tuyến đường sắt Vientiane - Boten dài 420 km, qua 70 đường hầm xuyên núi tổng cộng 200 km; 150 cây cầu.
Với công nghệ tiên tiến, thiết kế nội thất tích hợp các yếu tố văn hóa truyền thống của hai nước Trung Quốc và Lào, thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Tàu Lane Xang được đánh giá là an toàn, thoải mái và đáng tin cậy, có sức chở hành khách lớn nhưng chi phí vận hành thấp, theo tiêu chuẩn Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Vientiane - Boten (một thị trấn thuộc tỉnh Luangnamtha của Lào giáp Trung Quốc) dài 420 km, qua nhiều địa hình núi non hiểm trở với 70 đường hầm xuyên núi, tổng cộng 200 km; 150 cây cầu. Tuyến đường có 20 điểm để các đoàn tàu tránh nhau vì phần lớn tuyến đường chỉ là đường sắt đơn.
Dự án tổng vốn đầu tư 6 tỉ USD, xây dựng trong 5 năm (2016 - 2021).
Dự án được kỳ vọng trở thành một cú hích cho nền kinh tế Lào, tạo thêm cơ hội cho công nghiệp và du lịch phát triển, đồng thời đóng vai trò định hình mối quan hệ kinh tế giữa Lào và các nước lân cận.
Dự án có tổng vốn đầu tư 6 tỉ USD, trong đó 60% nguồn vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc; 40% được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, dưới dạng một công ty liên doanh giữa ba công ty nhà nước của Trung Quốc và một doanh nghiệp nhà nước của Lào.
Nếu dự án không đem lại hiệu quả về kinh tế, Lào sẽ phải gánh một khoản nợ rất lớn so với GDP của quốc gia này.
Dự án đường sắt cao tốc Lào - Trung kết nối khu vực.
“Đây là một khoản vay rất lớn đối với Lào bởi GDP của quốc gia này chỉ vào khoảng 13 - 14 tỷ USD/năm. Dự án đường sắt được thực hiện trong khoảng 5 năm, vậy có thể ước chừng mỗi năm Lào sẽ phải chi 10% mức đầu tư công vào riêng dự án này” - ông Yasushi Negishi, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết.
Đây cũng là vấn đề thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế, tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, đường sắt tốc độ cao Lào - Trung sẽ giúp nền kinh tế Lào giảm dần sự phụ thuộc vào thuỷ điện, trong khi các đập thuỷ điện trên sông Mekong của Lào gặp phải nhiều ý kiến đáng lo ngại, bởi chúng tác động tới nguồn cung cấp lương thực và sinh kế của chục triệu người thuộc nhiều nước sống dựa vào dòng Mekong.
Dự án đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc được triển khai từ năm 2016, nay đã hoàn thành. Dự kiến, tuyến đường sắt sẽ được khai trương vào ngày 2/12/2021 tới, đúng vào dịp chào mừng Quốc khánh CHDCND Lào.