Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông nhà nước trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước chưa chú trọng xây dựng, thực hiện quy chế phát ngôn, thông tin truyền thông; nhiều vấn đề báo chí nêu chưa được giải quyết thấu đáo... Do đó, cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhà nước, góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm, sự việc "nóng" trong đời sống KT - XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn hội thảo sẽ cung cấp những thông tin cần thiết, phương pháp để cơ quan quản lý của Hà Tĩnh đối phó hiệu quả hơn với khủng hoảng truyền thông trong những thời điểm khó khăn, cấp thiết.
TS Nguyễn Chí Dũng - Cố vấn, đại diện nhóm nghiên cứu RED: Đề tài nghiên cứu về TTNN tuy không mới nhưng trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, làm rõ. Thực trạng, bối cảnh mới là thách thức đối với công tác TTNN, do đó, phải thay đổi phương thức truyền thông để đáp ứng yêu cầu.
Thời gian qua, công tác truyền thông của các cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều nỗ lực và bước tiến nhất định. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế do thiếu nhân lực và bộ máy chuyên trách.
Nhà báo Lê Nghiêm - Nguyên Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT): Trong giai đoạn có nhiều vấn đề nóng như hiện nay, việc trang bị kỹ năng ứng phó với khủng hoảng truyền thông cho các lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước là vô cùng cấp thiết. Một số tình huống như: thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bê bối chính trị, đời sống riêng tư… rất dễ phát sinh khủng hoảng truyền thông. Do đó, những đối tượng liên quan cần nhanh nhạy, chủ động nhận diện, giải quyết kịp thời để không để khủng hoảng lan rộng đến mức khó kiểm soát.
Tại hội thảo, lãnh đạo, chuyên gia các cơ quan truyền thông, báo chí của Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận đã tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến TTNN trong thời kỳ hiện nay.
Ông Hoàng Cảnh Hưng – Sở TT&TT Đà Nẵng: Mỗi địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm của hoạt động truyền thông báo chí nên có 1 trung tâm truyền thông cấp quản lý. Bộ phận này đảm nhận luôn việc nhận diện, dự báo khủng hoảng truyền thông, tham mưu để xây dựng hình ảnh lãnh đạo trên truyền thông, trang bị kỹ năng đối phó với khủng hoảng truyền thông cho các cấp, ngành.
Trong đó, đi sâu vào một số vấn đề cụ thể như: Nhận diện những khó khăn, thuận lợi trong công tác truyền thông tại Hà Tĩnh; nâng cao vai trò của TTNN tại địa phương; giải pháp kỹ thuật về mô hình TTNN tại địa phương, xử lý khủng hoảng; kết nối TTNN với báo chí/truyền thông; vai trò kết nối của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương.
Ông Đỗ Quý Doãn – Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT: Việc nhận diện, xử lý khủng hoảng truyền thông của cán bộ quản lý chưa thành kỹ năng, chưa mang tính chủ động. Hà Tĩnh những năm gần đây liên tiếp xảy ra những vấn đề nóng về thiên tai, sự cố môi trường, là điều kiện để các phần tử xấu lợi dụng truyền thông để kích động dư luận, như một hình thức “đổ thêm dầu vào lửa”. Nếu không kịp thời nâng cao năng lực ứng phó với khủng hoảng truyền thông sẽ không thể giải quyết những vấn đề đó một cách triệt để.
Ông Nguyễn Xuân Hải – Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh: Hiện nay, Hội Nhà báo Hà Tĩnh có gần 240 hội viên. Nếu các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ này thì hiệu quả của truyền thông sẽ được nâng cao.
Bên cạnh đó, các đại biểu đến từ các tỉnh bạn cũng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sử dụng truyền thông để xử lý những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương...