Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thông qua đề án sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Chiều 16/11, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 23 để thẩm tra các tờ trình, đề án của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021 và thành lập thị trấn Lộc Hà. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Tham gia phiên họp có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện các bộ, ngành liên quan; về phía tỉnh Hà Tĩnh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND huyện Lộc Hà.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn báo cáo các tờ trình, đề án sáp nhập xã

Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 80/262 xã. Sau sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm 46 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 34 xã mới; từ 262 xã xuống còn 216 xã.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu nghe Đề án thành lập thị trấn Lộc Hà trên cơ sở xã Thạch Bằng (Lộc Hà). Việc thành lập thị trấn Lộc Hà đảm bảo 4/4 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Phó Chủ tịch Trường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh báo cáo quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua nghị quyết để triển khai thực hiện

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu cơ bản đồng ý với các tờ trình, đề án của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý thêm một số vấn đề, đề nghị Chính phủ và địa phương có văn bản giải trình.

Theo đó, đề nghị việc sắp xếp giai đoạn này phải tính toán tầm nhìn cho giai đoạn sau để đảm bảo sự ổn định tương đối, vừa thực hiện được nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Trong quá trình sắp xếp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương quan tâm đầu tư phát triển đô thị, phát triển kinh tế - hạ tầng để sau khi sáp nhập, sắp xếp thì điều kiện dân cư, kinh tế, xã hội tốt hơn; quan tâm giải quyết đến chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức nhất là cán bộ, công chức dôi dư, đảm bảo quyền lợi, động viên tinh thần đội ngũ này sau khi sắp xếp.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá, ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và thống nhất các tờ trình, đề án của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2021; thành lập thị trấn Lộc Hà.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện tờ trình, đề án, báo cáo giải trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 21/11/2019.

Trước đó, sau khi hoàn thành việc xây dựng đề án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có các tờ trình và đề án về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2021 và thành lập thị trấn Lộc Hà gửi Chính phủ.

Được biết, trong ngày 16/11, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 9 tỉnh, gồm: Hà Tĩnh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Yên.

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói