OraVax là vaccine Covid-19 dạng uống đầu tiên thế giới, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một tại Nam Phi. Đơn vị hợp tác về thương mại ở khu vực Đông Nam Á và hướng đến chuyển giao công nghệ sản xuất OraVax tại Việt Nam là Tân Thành Holdings. Công ty này cũng được Bộ Y tế chấp thuận chủ trương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn tiền sản xuất tại Việt Nam đối với vaccine OraVax, đồng thời đầu tư kinh phí, phát triển và hỗ trợ xin phê duyệt.
Vaccine do công ty Oramed Pharmaceuticals (Israel) sản xuất, được thiết kế chống lại protein S của nCoV với hai kháng nguyên bổ sung, theo nhà sản xuất là có thể bảo vệ người dùng trước cả các đột biến mới nổi. OraVax dựa trên nghiên cứu cốt lõi của nhà hóa sinh Avram Hershko - người từng đoạt giải Nobel Hóa học năm 2004, sử dụng nấm men là vật chủ, đảm bảo vaccine không tan trong dạ dày và có thể hấp thụ được ở ruột non.
Ở thử nghiệm tiền lâm sàng, OraVax có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các kháng thể Immunoglobulin G (IgG) và Immunoglobulin A (IgA). Trong đó, IgA cần thiết cho khả năng miễn dịch lâu dài.
Bà Dương Thị Bích Diệp (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Thành Holdings) cho biết sau khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn một OraVax ở Nam Phi, Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.
Oramed Pharmaceuticals và các đối tác hướng tới thử nghiệm trên hai đối tượng mục tiêu là trẻ em và người già, có bệnh nền. Bà Diệp nhận định “trẻ em là nhóm ít được tiếp cận với những loại vaccine hiện có”.
Theo tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và giai đoạn ba dự kiến kết thúc trong năm 2022. Công ty kỳ vọng vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong năm 2023.
Giám đốc điều hành Oramed, ông Nadav Kirdon, chia sẻ: “Thỏa thuận hợp tác bao gồm việc mua trước OraVax. Vaccine Covid-19 đường uống sẽ cải thiện đáng kể áp lực hậu cần tiêm chủng và giảm chi phí, so với các yêu cầu cơ sở hạ tầng khó khăn của vaccine đường tiêm hiện tại, đồng thời, được kỳ vọng giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn”.
OraVax sẽ được phân phối tại các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan, sau khi được cấp phép.
Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho rằng vaccine đường uống sẽ giúp thay đổi thái độ của một số người có tư tưởng bài trừ tiêm chủng, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ sở y tế. Khi đủ dữ liệu, hồ sơ liên quan, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine.
Ông nói: “Dự kiến đợt dịch lần thứ tư hết sức phức tạp, nhất là với sự lây lan nhanh chóng của virus. Vaccine đã, đang và sẽ là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, bên cạnh thuốc, thực hiện 5K và ý thức phòng dịch”.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, thương mại hóa vaccine ngừa Covid-19 đường uống tại Hà Nội, ngày 29/12. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp
Như vậy, đây là loại vaccine Covid-19 thứ 4 trên thế giới được hợp tác thử nghiệm hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam, sau Sputnik V (Nga), ARCT-154 (Mỹ), vaccine của Shionogi (Nhật Bản).