Vaccine COVID-19: Tiêm mũi 2 chậm có làm ảnh hưởng đến hiệu quả của miễn dịch?

Tiêm vaccine phòng COVID-19 gần đây là cụm từ được nhiều người nhắc đến. Nhiều băn khoăn, lo lắng về hiệu quả phòng bệnh của vaccine khi tiêm chậm mũi thứ 2...

Vậy sự thật thế nào? Hãy cùng PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải đáp thắc mắc xung quanh về vấn đề này.

Vaccine COVID-19: Tiêm mũi 2 chậm có làm ảnh hưởng đến hiệu quả của miễn dịch?

PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Phóng viên: Xin PGS cho biết, hiện nay chúng ta có bao nhiêu loại vaccine phòng COVID-19 được khuyến cáo dùng tại Việt Nam? Khoảng cách giữa các mũi tiêm là thế nào, thưa PGS.?

PGS.TS. Dương Thị Hồng: Vaccine phòng COVID-19 là một trong những biện pháp hữu hiệu giảm thiểu bệnh tật do COVID-19 gây ra, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng và tử vong.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho 6 loại vaccine tại Việt Nam gồm:

Vaccine COVID-19 do hãng Astra Zeneca (Anh) sản xuất.

Vaccine Comirnaty do hãng Pfizer /BioNTech (Mĩ/Đức) sản xuất.

Vaccine Moderna mRNA-1273 do hãng Moderna (Mỹ) sản xuất.

Vaccine COVID-19 (Vero Cell), Inactived do hãng Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất.

Vaccine Janssen Ad26.CoV2 do hãng Johnson & Johnson (Mỹ) sản xuất.

Vaccine Spunik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya (Nga) sản xuất.

Ngoại trừ vaccine của hãng Johnson & Johnson, các vaccine phòng COVID-19 còn lại đều tiêm 2 liều. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay là khác nhau. Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo thời gian tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; vaccine Pfizer, Sputnik V khoảng cách là 3 - 4 tuần; vaccine Moderna là 4 tuần; vaccine của Sinopharm là 3 - 4 tuần.

Nhằm đảm bảo tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, hướng tới mục tiêu trên 70% dân số được tiêm phòng trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19.

Trong đó nêu rõ: Tất cả những người đã tiêm mũi 1 với loại vaccine nào thì tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine Astra Zeneca hạn chế, chỉ có thể tiêm mũi 2 vaccine do Pfizer sản xuất cho người tiêm chủng mũi 1 vaccine Astra Zeneca (nếu người được tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.

Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phóng viên: Nhiều người lo ngại rằng việc tiêm mũi thứ hai chậm có thể khiến cho tác dụng của vaccine giảm đi. Vậy đâu là sự thật?

PGS.TS. Dương Thị Hồng: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cần tiêm vaccine liều 2 theo lịch khuyến cáo. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch giúp cơ thể sinh ra kháng thể để phòng bệnh COVID-19.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Y tế đã rất nỗ lực để huy động nguồn cung vaccine cho người dân trên cả nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, gặp phải thách thức lớn do nguồn cung vaccine còn hạn chế, ưu tiên sử dụng vaccine cho một số địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, nên việc thời gian tiêm mũi tiêm thứ hai ở một số nơi có thể chậm hơn.

Nếu thời gian tiêm mũi 2 chậm hơn so với lịch dự kiến thì không phải tiêm lại từ đầu.

Những người đã tiêm 1 mũi vaccine sau khi tiêm khoảng 14 ngày cơ thế đã có kháng thể giúp bảo vệ phòng bệnh COVID-19 ở mức độ nhất định trước nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ bị bệnh nặng.

Người dân cần lưu ý, nếu trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn so với lịch dự kiến thì không phải tiêm lại từ đầu. Bộ Y tế sẽ nỗ lực để có nguồn vaccine trong thời gian sớm nhất; các cơ sở tiêm chủng sẽ nhắc người dân tới tiêm chủng mũi 2 sớm nhất ngay sau khi được cấp vaccine. Các địạ phương đã có danh sách người dân chưa được tiêm mũi 2 để có kế hoạch tiêm chủng sớm nhất, đảm bảo miễn dịch đầy đủ bảo vệ phòng bệnh COVID-19.

Tôi xin lưu ý là dù đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi vaccine, tất cả mọi người đều phải tiếp tục tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế cũng như của chính quyền địa phương khuyến cáo để bảo vệ cho chính bạn và những người xung quanh.

Phóng viên: Nếu không tiêm mũi thứ hai có làm ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine không, thưa PGS?

PGS.TS. Dương Thị Hồng: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, đối với vaccine tiêm nhiều liều, cần tuân thủ tiêm đủ mũi để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Với các vaccine phòng COVID-19 có lịch tiêm 2 mũi, nếu không tiêm mũi thứ hai, sau một thời gian, nồng độ miễn dịch sẽ giảm và lâu hơn nữa sẽ không bảo vệ người tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng.

Các nhà sản xuất đã nghiên cứu các mũi tiêm nhắc lại là rất cần thiết để đảm bảo miễn dịch bền vững. Vì vậy mọi người cần phải tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine và tuân thủ các mũi tiêm nhắc theo khuyến cáo của ngành y tế để giúp phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Sau tiêm vaccine, vẫn phải tiếp tục tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Phóng viên: PGS có lời khuyên gì cho những người còn do dự "tiêm hay không tiêm vaccine phòng COVID-19"?

PGS.TS Dương Thị Hồng: Vaccine phòng COVID-19 chính là biện pháp quan trọng phòng ngừa các biến chứng nặng, tử vong của bệnh COVID-19 và nguy cơ lây nhiễm virus cho bản thân và người xung quanh, tiến tới mong muốn bảo vệ cộng đồng. Thực tế tại nhiều quốc gia tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, có được miễn dịch cộng đồng đã minh chứng điều này, cuộc sống đã dần trở lại bình thường.

Cần tiêm vaccine COVID-19 sớm nhất khi được thông báo tiêm chủng. Không có vaccine nào là tuyệt đối an toàn và cũng không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ bạn 100%. Đừng trì hoãn tiêm chủng, nhất là tâm lý chờ đợi vaccine được cho là tốt hơn, bạn đã bỏ lỡ cơ hội được tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19. Do đó, chúng tôi đề nghị người dân không vì bất cứ e ngại nào mà trì hoãn hoặc do dự khi tiêm vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn PGS!

Theo SK&ĐS

Chủ đề Hỏi đáp về dịch COVID-19

Đọc thêm

Vợ chồng khắc khẩu

Vợ chồng khắc khẩu

Gạch đầu dòng thứ nhất trong danh sách mục tiêu cần đạt của năm 2024, chị Nguyễn Hạnh viết "không cãi nhau với chồng", nhưng hết tháng 10 vẫn không làm được.
Hồn nhiên văng tục

Hồn nhiên văng tục

Nói tục, chửi bậy là một thói quen xấu, nếu con bạn nói tục nghĩa là con đang bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và thiếu sự quan tâm, chỉ bảo của người lớn.
Miền Trung đối mặt mưa lũ đỉnh điểm

Miền Trung đối mặt mưa lũ đỉnh điểm

Đợt mưa từ ngày 3/11 ở các tỉnh miền Trung được nhận định có cường độ rất lớn, vùng ảnh hưởng bao trùm cả khu vực. Mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng có thể lớn hơn mưa lũ do bão Trà Mi gây ra những ngày cuối tháng 10 vừa qua, kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt diện rộng.
Ăn trứng tốt hay xấu cho tim mạch?

Ăn trứng tốt hay xấu cho tim mạch?

Trứng là một trong những thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn uống. Ăn trứng cung cấp protein, chất dinh dưỡng, được coi là một trong những thực phẩm tiện lợi và bổ dưỡng…
Thời tiết Hà Tĩnh 6 ngày tới thế nào?

Thời tiết Hà Tĩnh 6 ngày tới thế nào?

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh, trong khoảng 3 ngày tới, thời tiết trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa, ban ngày có nắng với mức nhiệt cao nhất 27-29 độ C.
Rối loạn lipid máu nguy hiểm như thế nào?

Rối loạn lipid máu nguy hiểm như thế nào?

Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng quá mức lipid hay mỡ trong máu. Tình trạng này có thể rất nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Vậy rối loạn lipid máu do đâu, có nguy hiểm không?