Vaccine và hành trình bảo vệ sức khỏe con người

Sự hình thành và phát triển của vaccine đã mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh, giúp loài người có thêm vũ khí để bảo vệ sức khỏe.

Từ những ngày đầu của lịch sử, loài người đã phải đối mặt với nhiều dịch bệnh khác nhau, từ cúm, thủy đậu... cho đến các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bại liệt và đậu mùa. Những căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây ra nỗi kinh hoàng trong cộng đồng. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của vaccine đã mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh, giúp loài người có thêm vũ khí để bảo vệ sức khỏe.

Sự hình thành của vaccine chống lại bệnh truyền nhiễm

Trước khi vaccine ra đời, nhân loại đã bất lực trước những trận dịch bệnh nguy hiểm. Chẳng hạn bệnh đậu mùa ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Căn bệnh này giết chết 20-30% những người mắc bệnh, trong đó 90% là trẻ sơ sinh. Người mắc bệnh sẽ phải trải qua đau đớn trước khi tử vong. Còn những người thoát chết thường để lại sẹo rỗ vĩnh viễn hoặc biến dạng khuôn mặt, thậm chí mù lòa. Chỉ trong thế kỷ 20, căn bệnh này đã giết chết hơn 300 triệu người.

Vaccine và hành trình bảo vệ sức khỏe con người

Trước khi có vaccine, bệnh đậu mùa đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 triệu người trên thế giới.

Vào thời Trung cổ, những nỗ lực ngăn ngừa bệnh đậu mùa đã được biết đến ở Ấn Ðộ và Trung Quốc. Phương pháp lây nhiễm nhân tạo đã được sử dụng bằng cách: Người ta cấy vào người khỏe mạnh chất lỏng từ nước mụn của những bệnh nhân bị bệnh đậu mùa dạng nhẹ. Hoặc theo phương pháp “xông mũi”, tức là hít vật liệu đậu mùa dạng bột (thường là vảy) qua mũi.

Nhưng phải đến khi bác sĩ người Anh là Edward Jenner (1749-1823), trong một thời gian dài, đã thu thập thông tin về tỷ lệ mắc bệnh đậu bò ở nông dân và phát hiện ra bệnh đậu bò không nguy hiểm cho con người và những người đã mắc bệnh này hầu như không bao giờ bị bệnh đậu mùa. Năm 1796, BS. Jenner tiến hành thí nghiệm lần đầu tiên khi ông lấy dịch từ vết loét của một cô gái mắc bệnh đậu bò và tiêm vào cánh tay của một cậu bé tên là James Phipps. Sau khi Phipps hồi phục hoàn toàn từ bệnh đậu bò, BS. Jenner tiêm virus đậu mùa vào cậu bé và phát hiện ra rằng Phipps không hề phát triển các triệu chứng của căn bệnh này. Ðây được coi là lần tiêm chủng đầu tiên trong lịch sử.

Sau thành công ban đầu của BS. Jenner, công nghệ sản xuất vaccine đã không ngừng được cải thiện. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, BS. Louis Pasteur - cha đẻ của vi sinh học hiện đại đã phát triển các vaccine cho dịch tả gia súc và uốn ván. Tiếp theo là việc tạo ra vaccine cho các căn bệnh khác như ho gà (pertussis), viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis) và sốt rét.

Vaccine và hành trình bảo vệ sức khỏe con người

Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại phòng khám Pasteur, Paris, Pháp cuối thế kỷ 19.

Năm 1881, một nhà miễn dịch học người Pháp đã phát hiện ra thuốc chủng ngừa bệnh than. Sau đó, một loại vaccine đã được phát triển để chống lại bệnh dại. Năm 1885, trạm chống bệnh dại đầu tiên xuất hiện ở Paris.

Với công nghệ sản xuất vaccine ngày càng phát triển, nhiều bệnh dịch đã được khống chế.

Trong suốt thế kỷ 20, khoa học vaccine đã có những tiến triển vượt bậc. Một trong những thành tựu quan trọng là việc hai nhà khoa học Jonas Salk và Albert Sabin phát minh ra hai loại vaccine cho căn bệnh liên quan tới virus Poliovirus - hay còn gọi là virus gây liệt vào những năm 1950. Trong đó, vaccine Salk (IPV) được tiêm chủng qua đường tiêm vào máu trong khi vaccine Sabin (OPV) được uống qua miệng.

Hành trình bảo vệ sức khỏe loài người

Từ khi được nghiên cứu thành công đến nay, vaccine không chỉ giúp cá nhân miễn dịch trước các căn bệnh truyền nhiễm mà còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng “miễn dịch cộng đồng”. Khi tỷ lệ cao của dân số được tiêm chủng, khả năng lan truyền của virus giảm xuống rõ ràng, từ đó giúp bảo vệ những cá nhân không thể tiêm chủng do lí do y khoa hoặc tuổi tác.

Một ví dụ điển hình cho thành công của vaccine là chương trình tiêu diệt bệnh đậu mùa toàn cầu. Ðậu mùa từng là một trong những căn bệnh gây chết người lớn nhất thế giới, nhưng nhờ vào chiến dịch tiêm chủng rộng rãi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố loại trừ hoàn toàn căn bệnh này vào năm 1980. Ðây là lần đầu tiên một căn bệnh được loại trừ hoàn toàn thông qua việc sử dụng vaccine.

Các dịch bệnh nguy hiểm khác tuy chưa loại trừ được hoàn toàn, nhưng đã giảm được các biến chứng nguy hiểm sau khi được tiêm vaccine như: Giảm tỷ lệ mắc bại liệt do sốt bại liệt; giảm tỷ lệ tử vong do sởi...

Vaccine và hành trình bảo vệ sức khỏe con người

Cả trẻ em và người lớn đều cần tới vaccine để phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.

Trong những thập kỷ gần đây, các nghiên cứu và phát triển vaccine đã không ngừng tiến triển. Với việc tạo ra các loại vaccine mới cho các bệnh như viêm gan B và C, vaccine phòng ngừa HPV (virus gây ung thư cổ tử cung) và các loại cúm hàng năm.

Tùy từng loại vaccine mà khoảng 85 - 99% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả hơn hầu hết bất kỳ các loại thuốc điều trị bệnh mà chúng ta sử dụng trên cơ sở hàng ngày. Ví dụ như đối với bệnh sởi, sau khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine sởi - quai bị - Rubella, sẽ có tới 99% trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh này.

Tuy nhiên, mặc dù hầu hết các vaccine có tác dụng bảo vệ rất tốt trong nhiều năm, nhưng vaccine không có tác dụng bảo vệ vĩnh viễn, do đó một số vaccine cần tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.

Chẳng hạn như vaccine ho gà, hiện nay được gọi là vaccine vô bào, được chế tạo bằng cách dùng một số lượng nhỏ các protein riêng biệt từ vi khuẩn, thay vì lấy toàn bộ vi khuẩn. Loại vaccine này tạo đáp ứng miễn dịch tốt và cũng giảm nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch do vaccine ho gà có xu hướng giảm dần theo thời gian. Ðiều này có nghĩa là tuy trẻ em đã được tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc ho gà sau một thời gian.

Hoặc một số chủng virus có khả năng biến đổi và tiến hóa nhanh như virus cúm A, cần tiêm nhắc lại hằng năm vì vaccine cúm từ năm trước không còn khả năng bảo vệ trước chủng virus cúm của năm sau. Bệnh phế cầu khuẩn và vaccine PCV có thể phòng ngừa được 13 type vi khuẩn, nhưng các chủng phế cầu khuẩn mới bắt đầu phổ biến hơn, thay thế các chủng đã biến mất khiến nhiều ca mắc bệnh hơn. Dù vậy, bệnh lý gây ra do các chủng này ít nghiêm trọng và gây tử vong hơn.

Các công nghệ mới như công nghệ DNA tái tổ hợp và công nghệ mRNA đã mở ra khả năng sản xuất vaccine hiệu quả hơn và có khả năng đáp ứng nhanh chóng với các biến thể của virus.

Bảo vệ sức khỏe trong thời đại dịch

Một trong những thách thức lớn nhất mà khoa học vaccine phải đối mặt là sự xuất hiện của các biến thể mới của virus. Vai trò của vaccine trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019. Trong khuôn khổ cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19, sự phát triển của vaccine đã diễn ra với tốc độ chưa từng có trong lịch sử y khoa.

Các công ty dược phẩm lớn và các tổ chức y tế đã hợp tác để tạo ra các loại vaccine an toàn và hiệu quả chỉ trong vòng một năm kể từ khi virus được xác định. Công nghệ mRNA, được sử dụng trong việc sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna, đã cho thấy khả năng ứng phó linh hoạt với các biến thể mới của virus. Vaccine không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 mà còn giúp kiểm soát sự lan rộng của dịch bệnh.

Tương lai của vaccine

Nhìn vào tương lai, vai trò của vaccine chỉ có thể gia tăng khi chúng ta tiếp tục đối diện với các căn bệnh mới và tái xuất hiện của các căn bệnh cũ. Viện Pasteur ước tính rằng, khoảng 70% số ca bệnh mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật, điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và nghiên cứu vaccine liên tục để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

Các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới tiếp tục làm việc không mệt mỏi để phát triển các loại vaccine mới, nhằm cải thiện hiệu quả của vaccine hiện có và tìm kiếm giải pháp cho những căn bệnh chưa có vaccine. Trong khi đó, việc giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiêm chủng và xây dựng lòng tin vào khoa học y tế là điều cần thiết để duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao và ngăn chặn sự lan rộng của thông tin sai lệch. Chúng ta cũng cần phải cam kết vào việc đảm bảo công bằng trong y tế, để mỗi cá nhân trên thế giới, không phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế hay vị trí địa lý, đều có thể tiếp cận được với những liệu pháp y khoa tiên tiến này.

Hành trình của vaccine - từ những nỗ lực ban đầu của BS. Edward Jenner cho đến cuộc chiến chống lại COVID-19 đã minh chứng cho sức mạnh của khoa học và sự kiên trì của loài người trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì cuộc sống. Dù con đường phía trước có thể gặp nhiều thách thức, niềm tin vào khả năng của vaccine trong việc mang lại một tương lai khỏe mạnh hơn cho loài người vẫn luôn được nuôi dưỡng qua từng thành tựu y học. Và trong cuộc chiến không ngừng này, vaccine chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những công cụ quan trọng nhất trong hành trình bảo vệ sức khỏe loài người.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Hân hoan mừng đón Giáng sinh

Hân hoan mừng đón Giáng sinh

Những ngày này, không khí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh tại Nhà thờ chính tòa Văn Hạnh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đang rất khẩn trương. Bà con giáo dân gấp rút hoàn thiện các phần việc cuối cùng trong niềm hân hoan và đoàn kết.
Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ bạn nên biết

Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ bạn nên biết

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, các hệ thống trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện như ở người lớn. Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ đột ngột thay đổi, độ ẩm trong không khí tăng cao, môi trường bụi bẩn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus có hại cho sức khỏe, sinh sôi, nảy nở. Làm sao để phòng ngừa hiệu quả các bệnh này?
5 thói quen làm đau cột sống

5 thói quen làm đau cột sống

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống.
Lan tỏa yêu thương từ chương trình trồng răng Implant miễn phí của Nha khoa Mai Hùng Group

Lan tỏa yêu thương từ chương trình trồng răng Implant miễn phí của Nha khoa Mai Hùng Group

Chương trình “Trồng răng Implant miễn phí” được Nha Khoa Mai Hùng Group phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức không chỉ là sự giúp đỡ về mặt y tế, mà còn là món quà của hy vọng, là sự động viên, chia sẻ yêu thương để những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Điều gì xảy ra khi gội đầu quá nhiều?

Điều gì xảy ra khi gội đầu quá nhiều?

Gội đầu hằng ngày không chỉ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên tóc, khiến tóc khô, dễ gãy, gây kích ứng da đầu, mà còn có thể tác động đến tuổi thọ mái tóc.
Thời tiết Hà Tĩnh những ngày tới ra sao?

Thời tiết Hà Tĩnh những ngày tới ra sao?

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 16-21/12, Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng không khí lạnh có cường độ suy yếu chậm nên có ngày hửng nắng xen kẽ có ngày mưa.