COVID-19 và các bệnh dịch nguy hiểm ở nhiều nước tăng, chuyên gia khuyến cáo gì?

Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác. Trong nước, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng, lây lan dịp Tết. Bộ Y tế đã 'kích hoạt' tăng cường kiểm dịch y tế biên giới...

COVID-19 tăng, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới

Dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, Cục Y tế dự phòng cho biết trong năm 2023 tới đầu năm 2024, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ghi nhận các biến thể mới trong đó có các biến thể cần theo dõi (XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1); các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới như: bệnh Nipah tại Ấn Độ, Cúm A (H5N1) tại Campuchia, Cúm (H1N2) tại Vương quốc Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông; các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng tại một số nước.

COVID-19 và các bệnh dịch nguy hiểm ở nhiều nước tăng, chuyên gia khuyến cáo gì?

Các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới (ảnh minh hoạ).

Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM, chiều 15/1, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) Lê Hồng Nga đã thông tin về biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2. Theo bà Nga, hồi cuối năm 2023, thông qua giải trình tự gene ở một số bệnh nhân nhập viên thì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của TP HCM ghi nhận có sự xuất hiện của biến thể phụ JN.1.

Nói về biến thể phụ này, TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số mắc có dấu hiệu tăng.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho biết năm 2023, cả nước ghi nhận 99.000 ca mắc COVID-19, giảm 82,4 lần so với 2022; không có trường hợp nào tử vong.

Trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống , PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng nhận định, nguy cơ gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 tại nước ta là hiện hữu. Tuy nhiên, theo ông "chúng ta không nên quá lo lắng, điều quan trọng là bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19..."

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B....

Chủ động trong phòng chống dịch bệnh để đón tết an toàn

Trong phát biểu tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 vừa diễn ra , Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhiều quốc gia trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong tháng 12/2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định.

COVID-19 và các bệnh dịch nguy hiểm ở nhiều nước tăng, chuyên gia khuyến cáo gì?

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, ngăn dịch bệnh xâm nhập.

Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi, gần nhất là biến thể JN.1 (12/2023) đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác...

Trong nước, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan các bệnh đường hô hấp, cúm mùa cũng phát sinh nhiều trong thời điểm cuối năm. TP Hà Nội thời gian qua cũng ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân mắc cúm A, cúm B. Trong dịp Tết sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh bệnh đường hô hấp đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em...

“Một mặt chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 chủ động, hiệu quả” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mới đây cũng đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế để chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng đề nghị cần nhanh chóng tham mưu UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đồng thời, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở ngành liên quan phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người...

Cùng đó, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus...

"Kích hoạt" kiểm dịch y tế biên giới, ngăn dịch bệnh xâm nhập

Trước lo ngại dịch bệnh truyền nhiễm, COVID-19 và các dịch bệnh về đường hô hấp có thể lây lan vào dịp Tết Nguyên đán, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đều đã có những chỉ đạo về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Nói về nguy cơ lây lan COVID-19 trong dịp Tết tại TP HCM, bà Lê Hồng Nga nhìn nhận Tết là dịp mà người dân đi lại, giao lưu nhiều nên nguy cơ lây lan không chỉ dịch COVID-19 mà hầu hết các bệnh qua đường hô hấp đều tăng.

Do đó Sở Y tế TP HCM đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, số ca nhập viện, số ca nặng, số ca tử vong. Đồng thời, tăng cường bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là những người lớn tuổi và có bệnh lý nền.

Bà Nga khuyến cáo người dân, nhất là những người có bệnh nền, trẻ em đến tuổi tiêm chủng cần được tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch. Những người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp thì cần hạn chế tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ.

COVID-19 và các bệnh dịch nguy hiểm ở nhiều nước tăng, chuyên gia khuyến cáo gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vaccine mũi nào.

Còn tại Hà Nội, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, UBND TP. Hà Nội giao Sở Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện biến thể mới.

Để chủ động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế mới đây đã có văn bản gửi Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc tăng cường kiểm dịch y tế biên giới . Việc này không chỉ nhằm giám sát dịch COVID-19 mà còn để theo dõi nhiều dịch bệnh khác.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm, lồng ghép COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus để theo dõi các biến thể của virus.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.