Vài nét về văn xuôi mạng Việt Nam

Một kỉ nguyên mới đã mở ra từ khi Internet xuất hiện trong đời sống của nhân loại. Văn học nghệ thuật cũng không ngoại lệ.

Đến giờ chúng ta có thể khẳng định về sự tồn tại của một nền văn học mạng trên thế giới và ở Việt Nam. Văn học mạng Việt Nam bao gồm các bài đăng ở nhiều lĩnh vực như thơ ca, văn xuôi, lí luận phê bình và dịch thuật. Nhưng chúng tôi nhận thấy, các tác phẩm văn xuôi trên mạng (bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, các thể loại kí như tản văn, tạp văn, bút kí, chân dung văn học…) có nhiều giá trị và nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ phía độc giả so với các lĩnh vực còn lại. Chính vì thế, trong bài viết này, chúng tôi tập trung hướng đến phân tích các tác phẩm văn xuôi trên mạng.

Vài nét về văn xuôi mạng Việt Nam ảnh 1

Văn xuôi mạng là một tập hợp phong phú và đầy sức lôi cuốn của những tác giả hiện đại với những sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó trước hết là nơi để các tác giả thể hiện cái tôi cá tính của mình một cách trực diện và không giấu giếm. Cái tôi dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không chịu là một cá thể mù mờ giữa cộng đồng, không chấp nhận bị hoà tan giữa muôn vàn những sự bằng phẳng, nhàn nhạt của đời sống mà luôn có nhu cầu bứt phá, khẳng định mình một cách quyết liệt, mạnh mẽ, thậm chí có khi đầy táo bạo, gai góc. Một Trang Hạ bản lĩnh, từng trải; một Trần Thu Trang thông minh, nhạy cảm; một Hà Kin sắc sảo, nội tâm; một Cấn Vân Khánh dịu dàng, trong trẻo; một Gào cá tính, mạnh mẽ; một Hân Như mong manh, đa chiều; một Nguyễn Ngọc Thạch giản dị nhưng khắc khoải và sâu lắng… tất cả đều được in dấu trong trang văn của họ.

Trong tự truyện Chuyện tình New York, Hà Kin tái hiện cái tôi ngông nghênh của mình thông qua cách ăn mặc, phục sức riêng biệt, không theo gu thẩm mĩ của số đông. Cô gái trong truyện (hay chính bản thân tác giả?) luôn muốn tạo cho mình sự khác lạ. Là con gái Việt nhưng cô không trang sức bằng hoa tai, nhẫn mà chọn cho mình chiếc khuyên mũi với một lí luận hùng hồn: một cái khuyên mũi không thể khiến con người ta biến đổi nhân cách: “Tôi đeo khuyên mũi từ ngày hôm đấy và cũng là đặc điểm đặc trưng của tôi từ ngày hôm đấy. Cái mặt tôi trông đã lạ nó lại càng lạ”. Cô rất tự hào về ngoại hình của mình: “Thú thật, sau nửa tiếng cô ấy sáng tác thì tôi thấy thót hết cả tim khi nhìn trong gương... không nhận ra mình xinh tới mức khó tin”. Trong văn Trang Hạ, sự biểu hiện của nhân vật tôi đã làm toát lên hình tượng tác giả - người phụ nữ từng trải nghiệm nhiều cay đắng ở đời. Đó là một cái tôi mạnh mẽ dám sống với khao khát của trái tim, theo đuổi lí tưởng riêng của mình dù sự lựa chọn đó khiến cô phải trả giá “Tôi ở đâu trong cuộc đời này, trôi nổi giữa những yêu thích nửa vời, những bài học cũng nửa vời. Vì thế tôi xách va li lên đường, không nhớ đã đi qua biết bao nhiêu mảnh đất trong nỗi cô đơn và hoài nghi của tuổi trẻ” (Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử).

Bên cạnh việc thể hiện cái tôi cá nhân, chúng tôi nhận thấy văn xuôi mạng dường như đã từ chối những đề tài mang tính sử thi, đại tự sự cũng như không tham vọng phản ánh một hiện thực bề thế, choáng ngợp mà chủ yếu chỉ đi vào khai thác những mảnh đời bé nhỏ, những câu chuyện đời tư hết sức bình dị, đôi khi là những khoảnh khắc thoáng qua tưởng như rất mơ hồ nhưng là điểm sáng đủ để soi tỏ một số phận, một cuộc đời.

Blog của BTV Anh Ngọc, Dementor, Joseph Joe, các tạp văn như Đàn bà ba mươi của Trang Hạ hay Chênh vênh hai lăm của Nguyễn Ngọc Thạch là sự phản ánh thật nhẹ nhàng những góc nhìn khác nhau của người sáng tác với mọi góc cạnh của cuộc sống. Ví như một chút dư cảm trong tiếng rao: “Có tiếng rao sao nghe lạc lõng... Tôi không biết có phải mình quá bị ám ảnh vì tiếng rao và những gánh hàng rong của bà, của mẹ thuở còn thơ hay không, nhưng đối với tôi tiếng rao không chỉ đơn thuần là tiếng mời gọi mà nó chứa đựng số phận con người, có tiếng rao tha thiết có tiếng rao khắc khoải, có tiếng rao rộn ràng cũng có tiếng rao nhẫn nhịn”. Hay một thoáng yêu thương của người con gái Hà thành trước một nụ cười bâng khuâng dễ mến: “Nụ cười đó trong không gian đó làm em tan chảy, em ngỡ em là gió và đang cuốn quanh Hà Nội, em ngỡ như bất kể ai ở trong không gian đó cũng trở thành gió giống như em. Rồi họ ập vào em, tất cả hòa với nhau và em thành bất tận” (blog Tracy_yeu_anh). Những bài viết nhẹ nhàng của các blogger giúp ta tìm thấy chính mình, đem lại những điều bất ngờ nho nhỏ, sự đồng cảm và cả những mảnh ghép còn thiếu trong cuộc sống nhiều lo toan.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch trong cuốn tản văn mang tựa đề Chênh vênh hai lăm đã cho ta gặp một người viết trẻ không hoa mĩ, nhẹ nhàng nhưng vô cùng gần gũi và thực tế. Chênh vênh hai lăm như một cuốn sổ nhỏ ghi chép lại những chuyện nhỏ nhặt anh đã quan sát được giữa đất Sài Gòn: chuyện chú bảo vệ ngày ngày gọi điện thoại hỏi han vợ, chuyện một anh giữ xe lấy nón bảo hiểm của khách úp xuống để tránh trời mưa, chuyện thùng trà đá miễn phí đặt bên lề đường… Những chuyện tưởng như tủn mủn, tầm phào đó lại góp dựng lên một bức tranh Sài Gòn nhiều mảng sáng tối thật rõ ràng khiến người đọc không khỏi bâng khuâng.

Tiểu thuyết của Hà Kin, Trần Thu Trang, Keng, Born... đều là những câu chuyện thật giản dị về cuộc đời của những người phụ nữ thuộc nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội: có những cô gái thuộc dòng dõi trâm anh nhưng phải chịu nhiều cay đắng, thử thách (Sẽ để em yêu anh lần nữa của Born), có những cô gái phải làm những nghề đáng xấu hổ nhưng không bao giờ thôi khao khát hạnh phúc (Phải lấy người như anh của Trần Thu Trang), cũng có những cô gái trẻ dám yêu, dám chấp nhận sự trêu ngươi của tạo hóa để tìm bến đỗ bình yên của mình (Chuyện tình New York của Hà Kin)... Bằng một cách lí giải riêng, mới mẻ và trẻ trung, đa số các tác phẩm đã đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm nhân vật để thấu hiểu và chia sẻ đến tận cùng. Qua đó, các nhà văn nữ gửi gắm những ý tưởng nhân văn cao đẹp của mình khi những lợi ích vật chất đang có xu hướng bào mòn dần những tình cảm thiêng liêng của con người.

Đặc biệt, đóng góp đáng kể nhất của văn xuôi mạng chính là việc phơi bày rất nhiều vấn đề nóng hổi của đời sống hiện đại bằng một cách tiếp cận đầy mới mẻ và nhân văn như quan niệm về tình yêu - tình dục, đề tài người đồng tính, đề tài gái mại dâm...

Trước hết phải nhắc đến đề tài tình yêu - tình dục trong văn học mạng. Đối với các nhà văn trẻ trên mạng, vấn đề này không còn bị coi là đạo đức nặng nề hay là hiện tượng cá biệt nữa mà được họ trình bày một cách tự nhiên, bình đẳng, thậm chí còn được ưu ái hơn so với mọi đề tài khác. Tiếp thu những luồng tư tưởng tiến bộ từ nước ngoài về tính dục và nữ quyền, họ cho rằng, tình dục là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Viết về tình dục như một bản năng sống, một loạt các tác phẩm như Dị bản của Keng, Người đàn ông có đôi mắt trong của Cấn Vân Khánh, các bài tản văn của Trang Hạ, tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thạch… đều khẳng định nó là một nhu cầu cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Tất nhiên, văn học mạng chân chính không ca ngợi thứ tình dục bản năng thú tính. Nói như Nguyễn Ngọc Thạch khi anh luôn đưa sex vào các tác phẩm của mình: “Tôi viết về sex không phải để câu khách mà vì tôi thấy nó đẹp”. Không thể không nhắc đến đề tài về người đồng tính trong văn học mạng. Rất nhạy bén, văn chương mạng đã nhanh chóng phát hiện và không ngại ngần viết về vấn đề tế nhị này bằng một thái độ tôn trọng, một niềm cảm thông sâu sắc. Với tinh thần dân chủ, lối tư duy hiện đại, những cây bút trẻ đã đưa những nhân vật đồng tính và mối quan hệ không bình thường của họ lên diễn đàn của văn mạng. Hiện lên trong những trang văn mạng, những người đồng tính trước hết là những con người hoàn toàn bình thường về thể trạng thậm chí là rất đẹp về hình thể chứ không hề là những người dị hợm, đồng cô bóng cậu như chúng ta vẫn tưởng. Ryan trong Chuyện tình New York của Hà Kin là một anh chàng đẹp và nam tính đến mức khiến ai cũng ngỡ ngàng, là đối tượng mà nhiều cô gái mơ ước. Mặc dù trước chỉ có hứng thú với đàn ông nhưng tình yêu mãnh liệt với cô gái trẻ người Việt đã giúp anh vượt qua những giới hạn của giới tính để tìm đến hạnh phúc đích thực của mình. Nhân vật tôi trong cuốn tự truyện Thành phố không lạc loài do Cấn Vân Khánh ghi lại đã thể hiện những cảm xúc rất chân thật của một người đồng tính, cho người đọc hiểu được cặn kẽ những tâm sự sâu kín của những người thuộc thế giới thứ ba để có thể cảm thông và dành nhiều yêu thương hơn cho họ. Tập trung nhất cho đề tài này chính là Đời callboy của Nguyễn Ngọc Thạch. Có thể nói, thông qua cuộc đời đầy bi kịch và giằng xé của nhân vật Quân, Nguyễn Ngọc Thạch đã vạch ra bức màn bí ẩn của nghề trai bao với biết bao lọc lừa, giả dối, đau khổ nhưng trên tất cả, qua những trang viết xúc động về tình yêu, tác giả đã cho ta hiểu được những tình cảm mãnh liệt, chân thành và ước mơ hạnh phúc cháy bỏng của những chàng trai đồng tính.

Là một sản phẩm của thời đại công nghệ, văn xuôi mạng nói riêng và văn học mạng nói chung trước hết được trình bày theo phương thức hoàn toàn khác biệt với văn học viết. Không giống các tác phẩm được in trên sách giấy đã bị đóng khung trong khuôn khổ của những quy chuẩn về size, khổ, số lượng chữ, các quy tắc chính tả, văn phạm, mỗi bài đăng trên mạng là sự phá cách và sáng tạo độc đáo của tác giả trong hình thức thể hiện. Người đăng tải tác phẩm trên mạng có thể thoải mái lựa chọn cho mình kiểu chữ, màu chữ, các bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh minh họa đi kèm, thậm chí cả các âm thanh phù hợp với bài đăng. Chính vì vậy, các tác phẩm khi được post lên mạng luôn tạo ra sự thích thú cho độc giả không chỉ bởi nội dung gần gũi với đời sống mà còn ở tính tương tác rất cao trong hình thức cấu trúc tác phẩm.

Nói như nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu: một tác phẩm mạng thật sự phải là nơi tác giả lẫn độc giả nỗ lực tận dụng các kĩ thuật, hiệu ứng của mạng để kiến tạo tác phẩm, khiến cho tác phẩm mạng trở thành “bất khả”, không thể chuyển sang dạng sách in. Một tác phẩm mạng sẽ là sự tích hợp tuyệt vời giữa các kí tự, các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động. Trên thế giới, tác phẩm The Afternoon của Michael Joyce là đại diện nổi bật: “Cả câu chuyện được ghép lại bởi những mảnh lexias khác nhau, độc giả trong khi có thể tùy ý lần theo các lexias sẽ được nghe lại các giọng khác nhau của nhân vật, những suy nghĩ của họ về mình, về cuộc sống, về các nhân vật khác, các sự kiện xảy ra khác. Không gian và thời gian trong câu chuyện bị đảo lộn, người đọc phải tự mình kết nối các sự kiện để có một hình dung tổng thể về câu chuyện”. Nếu làm được như trên, văn học mạng sẽ xích gần đến media-art hơn hẳn các thể loại văn học truyền thống. Các quy chuẩn về thể loại có thể bị phá vỡ để văn học có sự giao thoa với các loại hình nghệ thuật khác, tạo thành một kiểu nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ.

Trong văn xuôi mạng tại Việt Nam, một số tác giả đã triển khai được các kĩ thuật tích hợp văn học với một số loại hình nghệ thuật khác nhưng vẫn chỉ ở mức đơn giản. Một vài người sáng tác trên mạng đã đính kèm các bức hình minh họa bằng tranh vẽ hoặc ảnh chụp phù hợp với nội dung tác phẩm. Một trường hợp hiếm hoi là Hà Kin khi chuyển tự truyện Chuyện tình New York của mình sang dạng ấn phẩm sách đã đính kèm thêm một đĩa CD lồng ghép các đoạn đọc văn bản, giọng nói nhân vật hay các bản nhạc theo cô là phù hợp với tâm trạng nhân vật và diễn biến cốt truyện. Cách tạo thêm hiệu ứng âm nhạc như trên rất tiếc lại không được thực hiện cùng lúc với thời điểm đăng tải tác phẩm trên mạng để tạo hiệu quả tối đa cho sáng tác của cô.

Một trường hợp điển hình trong việc sáng tạo cấu trúc tác phẩm văn xuôi trên mạng là nhà văn Đặng Thân. Với tập truyện ngắn Ma nét và đặc biệt là tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], Đặng Thân đã trình diễn một cách viết và lối cấu trúc tác phẩm mang đậm dấu ấn văn học computer. Tiểu thuyết của Đặng Thân gây hoang mang từ cái tên đầy khó hiểu đến cách sắp đặt lộn xộn các chương mục đúng theo kiểu bài trí của một trang Facebook hiện nay. Không chỉ thế, sự xuất hiện chồng chéo của các tuyến nhân vật cùng lối diễn đạt kì quái với một thứ ngôn ngữ hổ lốn, “tạp pí lù” giữa tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài, thậm chí lồng ghép cả ngôn ngữ online và ngôn ngữ chế của tuổi teen gây nhiều khó khăn cho người đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Nhưng phải thừa nhận rằng, chính cách viết đầy phức điệu và có phần rối rắm này là một tấm phản quang chân thực cho thời đại hội nhập khi những giá trị cuộc sống đang bị lật xới và xáo trộn không theo một quy chuẩn có sẵn. Đặng Thân đã giúp văn học mạng tiệm cận gần hơn với văn học hậu hiện đại như một xu thế tất yếu của thế kỉ hai mươi mốt.

Ngôn ngữ trong văn xuôi mạng vừa mang tính đời thường, vừa giàu tính triết luận, vừa là sự kết hợp linh hoạt với ngôn ngữ báo chí lại vừa mang tính chất toàn cầu hóa. Đặc điểm nổi bật nhất của ngôn ngữ văn xuôi chính là tính đời thường với hệ thống ngôn từ bình dân, dễ hiểu, các khẩu ngữ thông dụng, các tiếng lóng và kí hiệu chat đặc thù, theo sát sự phát triển ngôn ngữ của thời đại mới. Tiếp cận hệ thống tiếng lóng và kí hiệu chat mà những cây bút mạng sử dụng, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học hay những độc giả thuộc thế hệ cũ phải chau mày, nhăn trán. Sở dĩ tiếng lóng và kí hiệu chat đã đi vào văn mạng với số lượng lớn bởi thói quen sử dụng chúng trong giao tiếp hằng ngày của lứa tuổi thuộc thế hệ @ . Những tác phẩm của Hồng Sakura với phong cách viết trẻ trung, tinh nghịch, tuy không sử dụng nhiều tiếng lóng nhưng lại dùng cách viết khác với quy chuẩn ngữ pháp thông thường với một hệ thống kí hiệu chat hiện đại làm bạn đọc mạng thích thú. Một tác giả mạng khác cũng gây sốc với độc giả Việt Nam là Joseph Joe với lối viết đầy hóm hỉnh và trí tuệ. Hệ thống tiếng lóng được sử dụng khá thường xuyên và có chọn lọc trên blog cá nhân khiến cho văn chương của Joe rất Việt Nam và đời thường.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ văn học mạng phản ánh đúng thói quen giao tiếp của thế hệ thanh niên ngày nay (một lớp người luôn khát khao khẳng định cá tính), song song với việc sáng tạo ra những từ chuyên biệt là việc sử dụng chêm xen nhiều từ tiếng nước ngoài (đặc biệt là tiếng Anh) mà không giải thích. Hà Kin là một cô gái đã từng sống trên đất Mĩ từ thuở nhỏ nên trong cuốn tiểu thuyết Chuyện tình New York đã khai thác khá tốt ưu thế của việc chêm xen từ tiếng Anh khiến ngôn ngữ trong truyện hiện đại, tự nhiên thể hiện rất rõ cá tính trẻ trung của con người thời đại mới. Hàng loạt từ tiếng Anh được tác giả không ngần ngại đưa vào tác phẩm: Happy Valentine, handsome, good, lovely, voice message, American girl, boyfriend, musician, chicken shit, party, give up, favorite, lolby, available... Nói như vậy không có nghĩa tiếng Anh chỉ là ưu thế đối với những người đã sử dụng nó một cách thành thạo mà việc trích dẫn những câu từ tiếng Anh đang trở thành một hiện tượng khá phổ biến đối với các cây bút mạng, tạo nên xu hướng quốc tế hóa ngôn ngữ. Như trong cuốn sách dành cho tuổi teen Don’t cry Xu Xu (Xu Xu đừng khóc) của Hồng Sakura, ta thấy xuất hiện khá nhiều các từ tiếng Anh trong lời thoại hay trong tin nhắn của các nhân vật: bye, honey, love, obsession, mine, what, where, why... Những cô cậu học sinh trong tác phẩm này dùng tiếng Anh một cách vô cùng tự nhiên và đơn giản.

Tóm lại, hòa chung với xu thế của nhân loại, văn học mạng Việt Nam nói chung và văn xuôi mạng nói riêng đang trên hành trình vận động và phát triển. Các tác giả văn học đều có chung những trăn trở, tìm kiếm và thể nghiệm cái mới. Văn học mạng không chỉ góp phần làm phong phú thêm diện mạo của văn học nước nhà mà còn góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Tất nhiên, trong số các tác phẩm văn xuôi trên mạng, bên cạnh những tác phẩm có giá trị thật sự vẫn còn không ít trường hợp mang nội dung phản cảm, nhảm nhí, bị nhiều nhà nghiên cứu xếp vào “rác rưởi” và khiến nhiều độc giả bất bình. Người đọc thông minh cần biết “gạn đục khơi trong” giữa khối lượng thông tin khổng lồ, ào ạt trên mạng để tiếp nhận những thông tin hữu ích và tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Người viết trên mạng cũng luôn phải trau dồi tài và tâm để góp phần tạo dựng một nền văn học mang hơi thở của thời đại mới.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Tết Dương lịch: "Xu hướng xuất ngoại dịp Tết dự kiến tăng trong thời gian tới bởi nhiều du khách muốn tránh áp lực Tết truyền thống cũng như tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ", theo đại diện một đơn vị lữ hành.
5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

Hoa hậu Thanh Thủy được nhận xét có gương mặt tựa búp bê, còn á hậu 1 người Bolivia ghi điểm về thần thái, tự tin trong ứng xử tại Miss International 2024.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 mang chủ đề "Du lịch Hoà Bình - Kết nối khát vọng xanh" sẽ diễn ra trong các ngày từ 15 - 23/11/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.