"Bước chân Đại tướng còn vấn vương mùa thu dân tộc"

Con người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là quê hương. Cuộc hành trình của Đại tướng qua hơn một thế kỷ đã dừng lại rồi nhưng bước chân ấy còn vương mãi bởi nghĩa tình đồng bào cả nước.

Mấy ngày nay tin tức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Những chặng đường lịch sử Người đã kinh qua cũng như nhân cách cao đẹp của Tướng Giáp được khắc họa rõ nét trên từng trang báo. Nhân dân từ khắp nơi trên khắp mọi miền đất nước về viếng người anh hùng dân tộc với những đôi mắt đỏ hoe.

Có thể nói từ sau ngày đất nước thống nhất, chưa bao giờ có sự ra đi của một nhân vật nào lại có sức lay động lòng người đến thế. Tôi cũng như bao người Việt sinh ra sau chiến tranh, từ nhỏ đã biết đến Tướng Giáp cùng những chiến công hào hùng của ông qua những bài học lịch sử.

Khi lớn lên, thỉnh thoảng tôi được nhìn thấy hình ảnh vị tướng già nhân hậu xuất hiện trong những ngày lễ trọng đại của đất nước, chúng tôi thầm ngưỡng mộ, tự hào về ông - một trong những vị tướng tài ba nhất trong thế kỷ 20. Những lúc khó khăn nhất, Đại tướng vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan và tin yêu cuộc sống.

Những năm gần đây do tuổi cao sức yếu, tôi ít thấy ông xuất hiện trên truyền hình trong những dịp lễ... và rồi ngày kia ông đã ra đi.

Sự vĩ đại của ông không chỉ khi còn sống mà ngay cả khi ông mất đi. Dân tộc Việt Nam như đang chìm trong nỗi đau, quên đi những nhọc nhằn để trở về với “nhân chi sơ, tính bản thiện” đẹp đẽ và tinh khôi nhất. Tất cả chung cảm xúc nghẹn ngào, thương tiếc vì ông là vị tướng của nhân dân, tài giỏi và trên hết là tấm lòng nhân ái.

Sự nhân hậu khiến ông được nhiều người yêu mến, từ những cụ già đến lớp trẻ, từ những người đồng chí đến những cựu thù. Chúng ta không quên những hình ảnh cả nước hướng về ông trong những ngày qua. Những hàng người nối đuôi nhau trong nước mắt, mong được thắp một nén nhang tiễn biệt người lần cuối.

Người tướng già khóc ngất khi không thể đến tiễn đưa đại tướng vì tuổi cao sức yếu, những người chưa từng gặp mặt ông sẵn sàng lặn lội hàng trăm cây số về thủ đô. Chàng trai người dân tộc Dao vội vã bắt xe khách đi hơn 200 km từ Sơn Dương (Tuyên Quang) xuống thủ đô để được cúi đầu trước vong linh Đại tướng. Lẫn trong đoàn người đến viếng có rất nhiều người đến từ miền Nam xa xôi…

Không chỉ thế hệ những cựu chiến binh, những chiến sĩ cùng chiến đấu với ông mà cả những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đều tiếc thương, cảm phục Đại tướng. Hàng chục nghìn người nối dài tựa như một dòng nước chảy không ngừng, đại diện cho nhân dân suốt chiều dài đất nước. Những tiếng khóc nghẹn ngào từ đáy lòng đã gắn kết mọi người gần nhau hơn.

"Liệu còn ai sau Đại tướng để lại cho dân niềm cảm thương sâu sắc tận đáy lòng?" là điều mà một cụ già xếp hàng trong đoàn người chờ viếng đã nói, để lại nhiều suy nghĩ cho thế hệ sau. Người dân kính trọng, ngưỡng mộ Đại tướng bởi ông tài hoa, giản dị, ông có được “lòng dân” và ông chính là vị tướng của nhân dân.

Đại tướng đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, để rồi khi ông nhắm mắt thanh thản nhưng tất cả mọi người đều khóc vì thương tiếc. Những hình ảnh đẹp của tình nguyện viên, của người dân thủ đô sẽ còn mãi, họ trật tự xếp hàng trong lúc chờ đợi được vào viếng, lặng lẽ chuyền tay nhau từng chai nước, từng ổ bánh mì...

Tôi thích câu nói của Tướng Giáp: “Hãy để một người làm quan cả nước được nhờ thay vì chỉ cả họ được nhờ như xưa nay người ta vẫn thường quan niệm”. Tôi thích cách ông chọn nơi yên nghỉ, con người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là quê hương. Cuộc hành trình của ông qua hơn một thế kỷ đã đến lúc dừng chân.

Tiếng đàn violin của người nghệ sĩ đường phố nhẹ nhàng, đẹp như mùa thu nhưng buồn đến nao lòng tiễn chân một huyền thoại. Nhà thơ Anh Ngọc đã viết: “Một chân ông đã đặt vào lịch sử. Một chân còn vương vấn với mùa thu”. Vâng, ông đã ra đi nhưng bước chân vẫn còn vấn vương cả mùa thu dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast