Hào khí Điện Biên qua những câu chuyện kể

(Baohatinh.vn) - Trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ CHQS Hà Tĩnh vừa tổ chức hội thi “Kể chuyện các trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ ôn lại tinh thần bất khuất, mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, qua đó xây đắp niềm tin, lòng tự hào, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, chí kiên cường và quyết chiến, quyết thắng cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay.

Phần thi kể chuyện của thí sinh Phan Trọng Nghĩa, Trung đoàn 841
Phần thi kể chuyện của thí sinh Phan Trọng Nghĩa, Trung đoàn 841

Đã 60 năm trôi qua, những câu chuyện về một thời máu lửa lại được tái hiện một cách sinh động và chân thực, đem lại cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa cụ thể tới từng bước chân chiến sĩ, từng góc hào, từng trận đánh… và cả những đánh giá của phía bên kia chiến tuyến qua 18 câu chuyện kể của 18 thí sinh trong vòng thi chung kết.

Hình ảnh những chiến sĩ tuổi đời mới mười tám, đôi mươi ra trận với tâm hồn trong trẻo và tinh thần lạc quan phơi phới đã hiện lên đầy đủ, chân thực trong các câu chuyện. Họ đều sống và chiến đấu với lòng quả cảm, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Từ câu chuyện “Quyết định khó khăn nhất trong đời” của Thượng úy Phan Trọng Nghĩa (Trung đoàn 841), đến tấm gương “quyết hy sinh… vì Đảng, … vì dân…” của anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót trong câu chuyện “Trận đánh cứ điểm Him Lam” của Đại úy Nguyễn Hoài Nam (Trường quân sự tỉnh); hay những giây phút hồi hộp, gay cấn, giằng co giữa ta và địch trong câu chuyện “Trận đánh trên đồi Độc Lập” của Thiếu úy Hoàng Xuân Linh (Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên), “Công tác hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của Trung úy Tống Thị Thanh Loan (Phòng Hậu cần)…

Tất cả những câu chuyện ấy được các thí sinh kể lại bằng cả niềm tự hào và lòng cảm phục về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, chí kiên cường của lớp cha anh đi trước. Đặc biệt, các thí sinh đã kết hợp giữa lời kể với trình chiếu những hình ảnh, thước phim tư liệu và giàn dựng các hoạt cảnh để minh họa. Có mặt theo dõi vòng thi chung kết, ông Trương Văn Nhỏ, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Hà Tĩnh xúc động nói: “Là một cựu chiến binh, khi được nghe lại những câu chuyện này tôi rất xúc động. Tôi nghĩ đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tuổi trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống của cha anh, xứng danh Bội đội Cụ Hồ”.

Để đến được với vòng thi chung kết, 18 thí sinh đã phải trải qua vòng loại ở cơ sở với gần 150 thí sinh tham gia. Chính vì vậy, những câu chuyện được kể tại vòng chung kết đều được chuẩn bị khá công phu cả về nội dung và hình thức thể hiện. Các thí sinh đã có sự đầu tư, lựa chọn những câu chuyện mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, phong thái kể chuyện chững chạc, tự tin, giọng điệu, cử chỉ, sắc thái, biểu cảm phù hợp tạo sức hấp dẫn, cuốn hút khán giả.

Binh nhất Lê Quỳnh Đạt (chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 841) chia sẻ: “Khi đơn vị triển khai hội thi kể chuyện các trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng tôi rất hào hứng. Ai cũng muốn được tham gia hội thi để tìm hiểu rõ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ; muốn biết vì sao Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương lại bị ta đánh bại như vậy... Vì thế, tôi và nhiều đồng chí không được lựa chọn tham gia hội thi nhưng cũng sưu tầm tài liệu, soạn thảo đề cương như những đồng chí trực tiếp tham gia hội thi. Thông qua hội thi này chúng tôi càng tự hào hơn về tinh thần quả cảm, công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để làm nên chiến thắng vĩ đại buộc quân thù phải khiếp sợ. Chúng tôi nguyện quyết tâm học tập, rèn luyện hết mình để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc, xứng danh truyền thống”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Dương - Chính ủy Bộ CHQS Hà Tĩnh cho biết: “Hội thi không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong lực lượng vũ trang Hà Tĩnh mà nó còn là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Nhiều đơn vị sau khi tổ chức hội thi đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo, Phòng Giáo dục & Đào tạo… lựa chọn những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc nhất, những đồng chí có giọng kể hay để tham gia kể cho cán bộ, nhân dân và học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn, như Trung đoàn 841, Ban CHQS Cẩm Xuyên…”.

Hội thi khép lại nhưng dư âm của nó đã làm cho thế hệ trẻ hôm nay hãnh diễn, tự hào về thế hệ cha, anh đi trước - những người đã thắp nên ngọn lửa của tinh thần Điện Biên bất diệt. Đồng thời đã xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ và học sinh, sinh viên trên địa bàn niềm tin, lòng tự hào, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, chí kiên cường sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast