Người trong cõi nhớ

(Baohatinh.vn) - Mờ sáng ngày 8/3/2006, tôi được đánh thức bởi tin dữ: nhà thơ, nhà báo Xuân Hoài đã qua đời lúc 2 giờ sáng. Chẳng mấy ngạc nhiên mà sao vẫn thấy ngơ ngác bàng hoàng. Có ai đó cho rằng, ông đã linh cảm được mệnh mình sắp tắt nên mới cho ra tập thơ cuối cùng mang cái tên nghe lạnh lẽo, xa xôi: “Người trong cõi nhớ”.

Nhà thơ Xuân Hoài (thứ 6 bên phải sang) trong hội nghị Ban chấp hành Hội VHNT lúc mới tách tỉnh. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Xuân Hoài (thứ 6 bên phải sang) trong hội nghị Ban chấp hành Hội VHNT lúc mới tách tỉnh. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Xuân Hoài là một trong những hội viên đầu tiên có mặt trong những ngày đầu thành lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh (1969). Năm 1974, tại Đại hội Văn nghệ lần II, ông được bầu vào Ban Thường vụ làm Phó Hội trưởng rồi Hội trưởng cho đến năm 1994 lên làm Giám đốc Sở VHTT Hà Tĩnh hơn một nhiệm kỳ và đến tuổi nghỉ hưu.

Trong lịch sử của Hội VHNT Hà Tĩnh và cả Nghệ Tĩnh, ông là người giữ cương vị lãnh đạo của hội bền bỉ nhất (20 năm) và liên tục có chân trong BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh (3 khóa liền). Nhiều người khen ông làm văn nghệ giỏi, có bản lĩnh và năng lực quản lý để vượt qua được bao cơn sóng gió, chèo lái con thuyền văn nghệ nhất là thời kỳ nhập tỉnh.

Ông nhận quyết định nghỉ hưu chưa được bao lâu thì bạo bệnh, phải nằm một chỗ, cuộc sống trông chờ vào bàn tay tảo tần của người vợ đã một thời vất vả nuôi nấng mẹ chồng và bây giờ là ông. Trên giường bệnh, thơ Xuân Hoài vẫn xuất hiện đều trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Trái tim mách bảo, cái đầu vẫn sáng suốt tư duy nhưng ông không thể tự mình viết ra trên giấy mà phải nhờ vợ làm thư ký ghi chép hộ.

Rồi vợ chồng ông chuyển ra sống ở Lê Mao - TP.Vinh cùng con trai. Bắt đầu cho cuộc đấu tranh giữa cái chết và sự sống, giữa tồn tại sinh vật và cuộc sống của một nhà thơ đang bị bệnh tật o ép đủ bề nhưng quyết không chịu đầu hàng số phận. Để rồi người ta vẫn thấy Xuân Hoài đang sống, đang yêu, đang chiêm nghiệm và đang viết với những thổn thức trước cõi đời, những chuyến ngược nguồn tìm về với hương quê, kỷ niệm trong quá khứ, cho đến cả những dự cảm trước tương lai.

Nhà ở Vinh, cách trở cầu đò, bạn bè văn nghệ Hà Tĩnh thi thoảng mới có điều kiện ghé thăm. Là người dễ đa sầu đa cảm, nhà thơ không tránh khỏi những phút tủi lòng, thậm chí còn giận hờn trách cứ và cả cái thảng thốt lo âu vì sợ lòng người ghẻ lạnh. Cuối năm 2005, mấy anh chị em Văn phòng hội tới thăm và trao ông Bằng chứng nhận cùng cái phong bì tiền thưởng giải thưởng VHNT Nguyễn Du cho tập thơ “Khói lam chiều”. Cái phong bì, ông ra dấu bảo đưa cho chị Thước – người vợ lúc nào cũng túc trực bên cạnh. Còn cái Bằng chứng nhận giải thưởng, ông giơ bàn tay khòng khoèo run run đón lấy, ôm vào lòng. Tôi phải gỡ ra để ông đỡ vướng. Ông bảo chị Thước mở rượu chúc sức khỏe mọi người và đưa mắt nhìn khắp lượt bằng ánh mắt thật vui và ấm áp. Ra tết, tôi còn có dịp đưa quà tết của Tỉnh ủy gửi cho ông. Lúc này đã thấy nhà thơ không còn được khỏe, ánh mắt không còn những tia sáng hừng lên như trước, giọng nói thều thào, đứt quãng, khó nhọc.

Ngày thơ Việt Nam năm 2006 làm khá hoành tráng ở Can Lộc. Biết nhà thơ không thể về dự được, Ban tổ chức vẫn dành một vị trí trang trọng trong chương trình với bài hát “Núi Hồng sông Lam” của nhạc sĩ Quốc Việt phổ thơ ông. Trước khi mất chỉ có mấy ngày, ông còn nhờ cô con gái làm ở Bảo tàng Hà Tĩnh gửi tặng tôi tập thơ “Người trong cõi nhớ” – tập thơ cuối cùng với cái tên vọng lên những dự cảm mơ hồ.

Không kịp đợi trời rạng sáng, ông giã từ cõi thế, hình như có chút thanh thản vì đã xếp đặt gần xong mọi việc trước lúc đi xa. Sáng 8/3, trong tiếng khóc xót thương của gia quyến, có thêm nỗi rưng rưng trong lòng các đồng chí lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhà văn Đức Ban - lúc ấy là Giám đốc Sở VHTT, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh - người đã từng sống và làm việc lâu năm với nhà thơ Xuân Hoài làm Trưởng ban lễ tang, đọc lời điếu văn vĩnh biệt trong nghẹn ngào, thương xót. Nghĩ về ông, về những tác phẩm mà ông để lại, chợt dâng lên trong tôi những câu thơ như một lời đưa tiễn:

Tự mình làm cây dù đỏ

Rụng thành nấm đất buồn hiu

Hoa cỏ lẫn vào rơm rạ

Rưng rưng ngọn khói lam chiều

Ông đi xa 10 năm nhưng vẫn còn đó một đời thơ, những cống hiến cho sự phát triển của VHNT mà rộng hơn là cho nền văn hóa của tỉnh nhà, góp một “tiếng chim vườn” trong thi đàn cả nước. Không ai dám cam đoan thơ mình sống được bao lâu, khi nào sẽ rơi vào quên lãng, nhưng với Xuân Hoài, tôi tin những gì ông gửi lại không thể chỉ là “Mưa bóng mây” mà mãi mãi thanh xuân trai trẻ. Bạn bè, đồng nghiệp sẽ chẳng thể quên một Bùi Xuân Hoài – Chủ tịch Hội, Giám đốc Sở bao dung, đôn hậu, cẩn trọng chu toàn trong công việc và xử thế. Ông mãi mãi xuân hoài trong lòng người còn sống!

_______

Những chữ in nghiêng là tên một số tập sách đã xuất bản của nhà thơ Xuân Hoài .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast