Mùa mít chín

Chiều buông xuống dần, mùi mít chín phả theo gió vào nhà thơm lựng. Thằng cu Bin, cháu nội bà Bình cứ chun chun cái mũi rất thính của nó rồi reo lên: Có mít chín cây, có mít chín cây, bà nội ơi!

Bà Bình thong thả cầm cái rổ xảo đi ra vườn, tay sờ vào từng quả mít xù xì những gai. Bà tìm thấy trái mít chín to tướng ngay dưới gốc cây. Đây rồi! Bà nói to cho thằng cu Bin nghe, hai tay trẩy quả mít bỏ vào rổ bưng vào nhà. Bà lấy dao bổ quả mít làm đôi, tay gỡ từng múi bầy lên hai cái đĩa to. Một đĩa đặt bàn thờ tổ tiên, một, bàn thờ thần thổ địa. Từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu vùng thềm lục địa Việt Nam, có quả mít chín cây nào, bà đều bầy lên cúng tổ tiên cùng các chư vị thánh thần. Những múi mít mỡ màng vàng óng như mật ong rừng, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Cây mít trồng từ thời ông cố nội thằng Bin. Giống mít quý, quả nào cũng to tròn như cái cối đá lăn. Năm nào cũng thế, từng chùm quả chen nhau trồi ra đeo bám kín cả cái gốc to như cót thóc. Nhưng có một năm, cây mít tịnh không ra quả. Đó là năm đau đớn nhất của đời bà, năm chồng bà hy sinh tại mặt trận phía Nam. Chồng bà, tức là ông nội thằng cu Bin bây giờ.

Nhà tranh gốc mít (1958) - Tranh sơn mài NGUYỄN VĂN TỴ
Nhà tranh gốc mít (1958) - Tranh sơn mài NGUYỄN VĂN TỴ

Cây mít đã to gốc vươn cành từ hồi bà Bình mới về làm dâu. Mùa tháng sáu tháng bảy, dẫu nắng trời như thiêu như đốt, ngồi dưới gốc cây vẫn mát rười rượi. Những chiếc lá mít to dầy xanh mầu lục chen nhau kín mít, ánh nắng mặt trời xuyên qua, cường độ đã giảm đi sáu bảy phần rồi. Đã thế, nơi cây mít ngự tọa lại thoáng về hướng Nam, gió thổi từ phía bờ sông lên, cứ phây phẩy, mát như quạt hầu. Bà nhớ ngày trước, mỗi khi ra vườn ngửi thấy mùi mít chín là thằng Tòng, bố thằng cu Bin lại chạy vào nhà líu tíu gọi ông nội. Cả mấy trăm quả mít mầu nâu sẫm giống nhau, biết quả nào chín mà hái? Nhưng ông nội nó tinh lắm. Giống nhà mít chín, vỗ vào là nghe tiếng bịch bịch như khi người ta vỗ vào cái bụng no cơm. Những hôm như thế, không phải mình nhà bà, mà cả những nhà hàng xóm cùng được ăn. Quả mít to như cái thùng đựng nước, nhà ít người, ăn sao hết? Cha chồng bà, một cựu binh thời chống Pháp, như lời ông nói, thì cây mít này có từ thời cụ cố. Đến đời thằng cu Bin bây giờ là đã qua bốn năm thế hệ. Cây mít to như cây đa, năm cái cành to lực lưỡng như võ sỹ rừng chĩa ra năm hướng. Cây cổ thụ nào “ngũ cành” là số dương may mắn. Nhà nào có cây như thế, gia chủ sẽ có nhiều phúc lộc. Phía dưới những cành cây khỏe như cánh tay cần cẩu, lủng lẳng toàn quả, quả nào cũng tròn chằn chặn như chiếc vò lớn. Có lẽ do vườn nhà gần nơi bờ bãi, đất ngọt phù sa của các vùng miền từ ngàn đời bồi đắp nên cây mới vững gốc bền cành như thế. Ngày trước, có rất nhiều người đến trả giá tới hai trăm triệu xin chặt hạ lấy gỗ nhưng cha chồng bà đều nhất nhất từ chối. Cây mít là biểu tượng cho gia tộc, chứng giám gia cảnh qua bao thăng trầm từ thời cố kỵ, sao dám bán? Khi bố chồng bà tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ cố ông nói với cụ cố bà: Thằng Tòng đi đánh trận này là trận cuối, lớn lắm, nhưng vinh quang lắm. Đánh nhau chuyện sống chết thường tình. Nếu ở nhà, cây mít cành lá vẫn xanh tươi, quả sai lúc lỉu là nó vẫn đang còn sống. Nhược bằng, chẳng may dính mũi tên hòn đạn, nó chết, cây mít sẽ chẳng cho một quả đâu. Bà cứ ngẫm xem tôi nói có linh ứng không. Cụ cố nội nói thế mà linh nghiệm thật. Năm ấy cây mít quả vẫn chen nhau bám xung quanh cây, trong khi cả xã có đến bảy người hy sinh, vậy mà đợt ấy ông từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về bình yên. Nhưng ông cố nội nó bị sốt rét, người gầy đen như que củi. Ông về mang theo mảnh đạn pháo găm trên vỏ sọ. May mà mảnh đạn không xuyên qua. Các bác sỹ xem xét, thấy không cần phải mổ, sợ nhỡ không may đụng vào não bộ, lại ảnh hưởng đến tính mạng. Cuối cùng, người ta để mảnh đạn pháo “cùng về phục viên” với ông luôn. Sau này, có lần ông đi cắt tóc, lão thợ cắt tóc không biết, cứ dúi cái tông-đơ vào chỗ ông bị thương. Lão hoảng hốt khi thấy đột nhiên ông khách hàng đứng phắt dậy, hai tay ôm đầu, hai chân nhảy nhót như người lên đồng. Tưởng ông lên cơn điên, lão thợ định xách đồ nghề bỏ chạy, nhưng may mà ông đã hết đau, lại ngồi vào ghế, nói là chỗ đó bị thương trong trận Điện Biên Phủ, quên không nói, cho ông xin lỗi. Lão thợ cạo nghe thủng tai, tỏ ra kính phục lắm, tuyên bố cắt tóc miễn phí cho ông. Dòng tộc nhà chồng bà có “nòi” trường thọ. Ông cố nội bị thương như thế mà thọ đến 96 tuổi. Bà cố đúng một trăm. Bà mới “theo ông” đầu năm ngoái. Những năm cuối đời, hàng ngày cố bà vẫn quẩn quanh bên cây mít, quét từng cái lá rụng. Gốc cây sạch bong. Mùa hè gió nồm Nam thổi lên mát rượi. Bà cố thường mang chiếu trải cho con nằm chơi. Con cụ cố, tức là ông nội thằng Tòng và là cố nội thằng Bin bây giờ.

Bước sang thời đánh Mỹ, trong dòng tộc bị nhiều tổn thất. Nhà ông chú, bà dì của thằng Tòng đều có người hy sinh. Bà thành người góa bụa. Ông ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn trong trận tổng tiến công cuối cùng, trước giờ chiến thắng chỉ gang tấc. Bà nhớ đêm ấy là 29-4, bà nằm bên cạnh anh em nhà thằng Tòng, ruột nóng như lửa đốt. Suốt đêm bà thao thức không sao chợp mắt. Gần sáng thì thiếp đi. Bà mơ thấy ông về, khắp người bê bết máu. Bà hoảng hốt vùng dậy hét lên: “Máu! Máu! Mẹ ơi, nhà con bị thương nặng lắm, khéo chết mất! Ai cứu chồng tôi!”. Cả nhà trở dậy, nghe bà thuật lại giấc mơ, mặt ai cũng tỏ vẻ hoảng hốt, ngồi quanh cái phản trước bàn thờ gia tiên cùng lầm rầm khấn hứa, cầu cho ông nội nó tai qua nạn khỏi. Đúng như trong giấc mơ, vĩnh viễn ông không trở về. Rất lạ kỳ, năm ấy, cây mít không ra một quả.

Khi ông hy sinh, bà còn trẻ lắm. Sau này cũng có người thương đến, nhưng bà quyết ở vậy nuôi con. Bà muốn trả cái nghĩa lớn với chồng. Anh em nhà Tòng, Quân lớn lên trong vòng tay âu yếm của bà.

Nhờ trời, chúng lớn lên không thua chị kém em. Cả hai đứa đều đỗ vào Đại học Bách khoa. Thời đại khoa học công nghệ, thằng Tòng vào lính sau khi tốt nghiệp khoa chế tạo máy. Thằng Quân, thiết kế, khoa đồ họa, cũng ra đảo nhưng là dân sự, phụ trách mảng xây dựng kiến thiết. Giờ thì bà đã vào cái tuổi “cổ lai hy”, ở với con dâu, vợ thằng Tòng, trông thằng Bin, con nó. Vợ nó cũng là giáo viên cấp tiểu học như bà ngày trước. Từ hôm xẩy ra vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa của nước ta, rồi tầu của chúng hung hăng đâm húc tầu ta, mấy mẹ con bà cháu bụng dạ cứ như có lửa, tối đến là nhăm nhăm ngóng chờ buổi thời sự trên ti-vi. Thằng Bin mới lên bốn, chưa biết phân biệt tầu ta tầu địch nên cứ thấy tầu biển là la lên: “Bà ơi, tầu Trung Quốc, tầu Trung Quốc húc tầu ta bà ạ!”. Lạy giời Phật, thằng bé, mới có vài ba tuổi, miệng còn hơi sữa, biết gì mà đã thốt ra câu ấy? Chẳng lẽ sự đối đầu giữa hai dân tộc qua mấy chục năm tưởng đã nguôi ngoai, giờ lại bắt đầu hình thành và nuôi dưỡng từ những cái đầu non nớt này sao? Bà định nói dối nó, bảo rằng không phải đâu cháu, đó chỉ là húc giả vờ thôi. Trung Quốc với Việt Nam là bạn láng giềng, hữu nghị giống như nhà ông chú Ủy với nhà ta ấy. Nhưng khi trên màn hình ti-vi hiện rõ hình ảnh tầu Trung Quốc to như con voi húc tầu cá của ta ngửa ra rồi chìm nghỉm giữa đại dương như thể con voi đè con kiến thì thằng Bin la lên: “Bắn đi ba! Bắn đi ba! Pằng pằng!”. Bà Bình cố nuốt cục nghẹn đánh ực. Không! Bà không có quyền nói dối. Sự thật vẫn là sự thật. Nếu Trung Quốc xây mộng bá quyền, chiếm đoạt lãnh thổ Tổ quốc ta, thì phải để cho các thế hệ con cháu đang lớn lên nhìn rõ tận mặt. Đất nước, từ đời cố kỵ, ông cha nó đã đổ máu để giữ gìn, không phải là thứ để bà nói dối con trẻ. Nhưng bà lo, cha nó là lính hải quân, lại đánh nhau, tránh sao mũi tên hòn đạn, lẽ nào lặp lại như ông nội nó? Điều lo sợ thầm kín ấy, hai mẹ con đàn bà, không nói ra, nhưng đêm nào cũng lắng nghe từng cái cựa mình...

Ngày trước, bà nghĩ, giải phóng đất nước xong rồi thì cuộc sống sẽ mãi bình yên. Ngay trong gia tộc nhà bà, hai thế hệ cầm súng. Vậy mà có yên đâu? Sau giải phóng Sài Gòn, chiến tranh biên giới lại bùng nổ. Hàng vạn người chưa được hưởng một ngày thái bình lại bị bọn Pôn Pốt và bọn Tầu tàn ác giết chết khổ chết nhục. Đến bây giờ, gần tháng nay, cái điều bà không tin được lại có thật.

Nói tới đất nước Trung Quốc, cuộc đời bà đã hai lần chạm trán. Lần tốt, lần rất xấu. Lần rất xấu ấy, bà suýt bỏ mạng. Lần tốt là cái lần cách đây đã gần nửa thế kỷ, đó là vào những năm sáu ba sáu tư của thế kỷ trước, khi đó bà còn nhỏ xíu. Hồi ấy cha bà công tác xa, ở nhà chỉ có ba mẹ con. Bà nhớ mãi buổi chiều thu năm ấy, có ông công an xóm dẫn đến nhà bà một người xin ở trọ. Anh ta là người Trung Quốc, lái xe mô tô cho trưởng ty lâm sản. Ông trưởng ty lâm sản đi thị sát kho hàng ở khúc sông ngay cạnh nhà bà. Ngày ấy, nhà nào có xe mô tô đến nhà là vinh dự lắm. Anh ta lái xe “bình bịch” vào tận cái sân đất nhà bà. Xe bình bịch là xe ba bánh, tiếng nổ bình bịch, dân hồi đó cứ thế đặt tên. Nhà bà khi đó rộng nhất xóm nên mới có người đến ở nhờ. Anh ta chỉ trọ một đêm với không đầy một ngày mà để lại ấn tượng khó quên cho mấy mẹ con. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn nhớ. Anh tên là Tống Tiểu Xuân, vốn là quân tình nguyện Trung Quốc sang giúp Việt Nam đánh Pháp từ chiến dịch biên giới. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh tình nguyện ở lại Việt Nam. Anh nói, gia đình anh ở tỉnh Quảng Đông, nghèo lắm. Anh mồ côi mẹ từ khi lên năm. Cha anh lấy vợ kế và ông cũng đã chết trong một tai nạn lao động trên núi cao. Anh sống với mẹ kế, nhưng rồi bà ta cũng đi theo một người đàn ông khác. Anh thành đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Sau này, may mắn anh lại gặp được một người tốt bụng nuôi dưỡng, trưởng thành. Anh đã có vợ, con. Vợ anh là công nhân bốc vác ở một bến xe khách liên tỉnh, công việc rất cực nhọc. Anh cho ba mẹ con bà xem ảnh cha mẹ, nước mắt anh cứ giọt ngắn giọt dài, trông thật thương cảm. Chỉ có một ngày mà anh giúp đỡ cho ba mẹ con bao nhiêu là việc. Có việc nếu để cho ba mẹ con đàn bà có khi làm cả tuần, vậy mà anh làm nhoáng một cái đã xong. Nhìn thân hình anh thật đáng nể. Hai cánh tay to tướng với bộ ngực vồng lên như một quả núi nhỏ. Hôm chia tay, anh kỷ niệm cho hai chị em một con búp bê vải nhỏ xíu và chiếc đèn pin cũ, bật lên, điện sáng quắc. Anh đi được hai tuần sau thì gửi thư về cho chị gái bà, nói là rất nhớ mẹ và hai chị em. Anh cám ơn ba mẹ con đã dành tình cảm cho anh để anh có những phút giây trong hạnh phúc gia đình. Đó là một người Trung Quốc hiền lành, chung tình, sống rất gần gũi và tốt bụng. Những năm tháng sau này, hình ảnh anh Tống Tiểu Xuân luôn gợi cho bà về một đất nước Trung Hoa với những con người sống hiền lành nhân hậu...

Còn cái đận không tốt thì đó là vào tháng 3-1979, khi đó bà đang là cô giáo cắm bản vùng cao sát biên giới. Nửa đêm nghe tiếng súng nổ đùng đùng rồi cả khu lán trại công nhân lâm trường bên cạnh ngôi trường của bà bị súng phun lửa đốt cháy sáng rực. Hoảng hốt, bà và một cô bạn giáo viên vội trốn vào hang đá. Bên ngoài tiếng la hét kêu cứu của công nhân bị chúng thọc lưỡi lê vào bụng, bị hãm hiếp vang động cả khu rừng. Sáng hôm sau mới biết, Trung Quốc đã đưa ba mươi vạn quân tràn qua biên giới “dạy cho Việt Nam một bài học”... Mấy chục năm trời, hình ảnh ghê rợn ấy vẫn ám ảnh trong tâm trí của bà. Những năm sau này, khi Trung Quốc, Việt Nam bình thường hóa quan hệ, xây dựng tình nghĩa hàng xóm láng giềng hữu hảo với phương châm “bốn tốt”, “16 chữ vàng”, bà không tin. Nhưng nghĩ đến hình ảnh người anh Tống Tiểu Xuân năm xưa, bà cứ ngậm ngùi, thắc mắc, sao bên ấy lại có những người tốt đến thế? Cũng có thể, bà lại nghĩ, đất nước Trung Hoa rộng lớn, tầng lớp dân nghèo cũng như dân mình, có chuyện nọ kia, chắc do giới lãnh đạo của họ mà thôi...

Tình hình biển đảo vẫn không hạ nhiệt. Ngày nào tầu hải giám, tầu quân sự và cả máy bay chiến đấu Trung Quốc vẫn hung hăng đe dọa trên bầu trời và vùng biển của ta. Bà vừa thương, vừa thán phục các chiến sỹ cảnh sát biển làm nhiệm vụ chấp pháp và bà con ngư dân đang kiên cường bám biển. Thời nào cũng thế, khi Tổ quốc lâm nguy, mới rõ mặt ai anh hùng cái thế, ai là kẻ sống nhục cầu vinh. Hai đứa con trai bà đều đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, đứa dưới tầu, đứa trên đảo. Lạ thật, nhà mình, cuộc chiến lần nào xẩy ra, ông cháu cha con nhà chúng nó đều có mặt ở tuyến đầu. Không! Bà nghĩ, phải coi đó là niềm tự hào của gia tộc bà, của dân tộc Việt. Chẳng lẽ lại để cho chúng đè đầu cưỡi cổ mình giống như ngày trước sao? Biển đảo của mình mà chúng ngang nhiên kéo vào xâm chiếm rồi còn dở giọng côn đồ, vu cáo. Không thể chịu được! Nhất định bà sẽ bảo con dâu, nhắn tin cho chồng nó là bà nội ra lệnh, hai anh em phải cùng đồng đội chiến đấu đến cùng để bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.

Có tiếng rơi bịch ngoài vườn. Mùi mít chín thoảng theo gió thơm lựng. Cô con dâu hai tay bê cái rổ thưa đựng mít, mặt tươi hơn hớn: - Mít chín cây mẹ ạ! Thì ra một quả mít chín bị “tụt nõ” rơi xuống gốc. Đúng là giống mít “dai”, những múi mít vẫn còn nguyên vẹn lồ lộ trong mớ xơ mít vàng óng như da trạch. Ba mẹ con vừa xem ti-vi, vừa ăn mít. Đột nhiên bà bảo con dâu: - Sắp có tầu ra đảo, đang dịp hè con bố trí theo tầu ra thăm bố thằng Bin một chuyến, tiện thể mang biếu anh em ngoài đảo vài quả mít nhà.

Cô con dâu bà nghe nói thế, mặt bỗng nhiên ửng đỏ: - Con cũng muốn ra đảo thăm anh ấy nhưng chỉ lo bà nội ở nhà một mình... Thằng Bin nghe nói đến chuyện đi thăm bố, nó reo lên: “Cho con đi thăm bố, con mang nhiều mít cho bố ăn, để bố lái tầu húc đổ tầu Trung Quốc...”.

Mới thế mà mẹ con nhà thằng cu Bin ra đảo đã hơn hai tuần rồi. Thằng Bin điện về cho bà khoe bố nó khỏe lắm, mặc áo lính thủy đẹp lắm, tầu của ta to lắm, đảo đẹp lắm, các chú hải quân nhiều lắm... Cha tổ bố nó, cái gì cũng lắm! Chả nhẽ bà lại nói theo nó là bà nhớ bố con nhà nó nhiều lắm nữa sao! Từ hôm mẹ con nhà nó vắng nhà, đêm nào ngoài vườn cũng có tiếng mít chín rụng. Sáng ra, bà cũng chả buồn nhặt, vắng con, vắng cháu, ăn gì cũng chẳng thấy ngon. Nhưng trong lòng bà lúc nào cũng thầm cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho gia tộc nhà bà, để cây mít năm nào cũng xanh cây tốt lá, quả trổ kín gốc, trĩu cành. Ban đêm thì bà cầu khấn, sáng sớm bà lại lọ mọ ra vườn, ngước nhìn lên cây mít cổ thụ, đăm đăm ngắm nhìn những cái ụ cây trồi ra to như tổ ong vò vẽ. Từ những cái ụ ấy, các vết nứt tạo ra những đường nét như bóng dáng xa mờ khuôn mặt của các cụ xưa hiện về. Bà rưng rưng ôm mặt khóc: “Ông ơi! Bố thằng Tòng ơi, ông có linh thiêng thì hãy phù hộ độ trì cho cháu con trong dòng tộc, cho các thế hệ tiếp theo của dân tộc mình chân cứng đá mềm, cùng đoàn kết đứng lên bảo vệ non sông bờ cõi, cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi cơn sóng gió, hiểm nguy, chiến thắng mọi kẻ thù gian ác”.

Theo Tuần báo Văn nghệ TP.HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast