Ngôi nhà không có giàn thiên lý

Ông bà Tám tuổi xấp xỉ 60, bà chơn chất, hiền lành, ông thì luôn chí thú với công việc làm ăn. Gia tài lớn nhất của ông bà không phải là ngôi nhà ở ngay đại lộ Trần Hưng Đạo hay mấy mẫu vườn trồng cây ăn trái ở Lái Thiêu, mà chính là cô con gái đang độ xuân thì...

Ngôi nhà không có giàn thiên lý ảnh 1

Nhà văn Trần Tử Văn

Làm thầu khoán nhưng ông Tám lại có máu văn nghệ, khi con gái chào đời, ông đã đặt cho cái tên nghe rất thơ mộng: Hoàng Thị Mộng Mơ. Dư thừa của cải, nhưng hiếm muộn con cái, ông bà Tám yêu thương, nuông chiều con hết mực.

Cô Mơ có nhan sắc nhưng học hành chẳng đến đâu, tánh tình lại kiêu kỳ, trong đầu cứ lẩn quẩn những chuyện mộng mị. Cô quan niệm cuộc đời như là áng mây trôi, cứ phiêu du, bồng bềnh, cứ rong chơi, bay nhảy. Ông bà Tám buồn phiền, không biết cách nào kiềm chế, chỉ mong cô sớm yên bề gia thất để tránh tiếng nổ của “quả bom tình”.

Hôm ấy, sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn, cô Mơ đưa về nhà một gã trung niên mũi to, da nâu, tóc húi cua, diện mạo trông giống người Pakistan hay Sri Lanka gì đó. Ông bà Tám hoảng hốt khi nghe con gái cưng giới thiệu người đó là bạn. Khi “người bạn” ra về, ông Tám liền cật vấn con gái:

- Bộ mày hết người chơi rồi sao mà lựa một thằng bạn... ghê quá vậy?

Cô Mơ đáp tỉnh khô:

- Coi vậy chớ ảnh hiền lắm. Ảnh sắp xuất cảnh đi Pháp rồi.

- Mày gặp nó ở đâu?

- Mấy lần đi nhảy đầm ở Sài Gòn, ảnh nhảy nghề lắm...

Bà Tám cũng hạch hỏi:

- Mày biết nhà cửa, nghề ngỗng của nó không?

Cô Mơ trả lời:

- Nghe nói ảnh ở Biên Hòa, làm nghề mua bán xe hơi.

- Nó tên gì? Bao nhiêu tuổi?

- Ali! Chắc khoảng 40...

Ông Tám buột miệng:

- Alibaba?

Con gái lắc đầu:

- Không, Ali thôi! Ba lại nhớ đến chuyện thần thoại của Iran, Irắc rồi!

Ông Tám dè bỉu:

- Alibaba thì còn được, tao chỉ sợ nó nằm trong 40 tên cướp thì toi đời, nghe con!

Từ ngày nhìn thấy thằng bạn của con gái, ông bà Tám càng thêm lo âu. Dù hết sức ngăn cấm, khuyên lơn, nhưng ông bà vẫn không ngăn được cách sống bay nhảy của cô Mơ.

Ngôi nhà không có giàn thiên lý ảnh 2

Ảnh minh họa từ internet

Một ngày đầu năm 1996, khi đất trời rực hương xuân, cuộc đời vừa bước vào tuổi 20, cô Mơ thố lộ với cha mẹ muốn lập gia đình với anh chàng Ali... Biên Hòa ấy. Ông bà Tám hết sức bất bình, vừa mắng nhiếc vừa dỗ dành, nhưng cô Mơ vẫn không thay đổi... lập trường. Cô bỏ ăn bỏ ngủ nằm co một chỗ như người đang lâm vào nạn đói. Cương quyết được mấy ngày, ông bà Tám đành nhượng bộ, xốc cô gái dậy, thảo luận:

- Tao không tin là nó chưa vợ... Nếu mày muốn, thì bảo nó mời cha mẹ đến đây nói chuyện đàng hoàng.

Nghe cha phán, cô Mơ như uống được thuốc tiên, người tươi tỉnh hẳn, nói cười líu lo.

Sau khi đã thông báo, đúng ba ngày sau, Ali lái xe ôtô đưa “ông bà già” đến nhà cô Mơ nói chuyện. Trong lúc tiếp xúc, ông Tám chỉ chú ý đến ông già, cũng da nâu, mũi to, giọng nói lơ lớ giống hệt thằng Ali... mà ông đã gặp ở đâu đó. Bà già nói năng lưu loát hơn, là người đứng ra chủ trì câu chuyện:

- Tội nghiệp thằng Ali, nó thương cô Mơ hết mực. Từng ấy tuổi mà nó mới nghĩ chuyện lập gia đình. Nó cứ nói, mai mốt sang Pháp chưa chắc có cơ hội để lấy vợ Việt. Làm ăn dư dả mà tình duyên lận đận thì đâu có gì sung sướng. Vợ chồng tôi xin anh chị nghĩ đến ước muốn, tình cảm của bọn trẻ mà vui lòng tác hợp...

Ông già nói:

- Thằng này ở vậy đến giờ cũng hay chớ lúc 19 tuổi là tôi đã lấy vợ rồi... Anh chị mà không chịu... chắc đến 60 tuổi nó mới biết vợ con là gì...

Cuối cùng, vấn đề cũng ngã ngũ, hai bên đồng ý ba tháng sau chọn ngày lành, tổ chức lễ thành hôn.

Đám cưới thật rình rang, đãi ở nhà hàng đến 30 bàn, khách chủ yếu là thân tộc, bạn bè của ông bà Tám, bên đàng trai chỉ ngồi đúng một bàn. Đến lúc này người sung sướng không phải quan viên hai họ, cũng không phải là cô Mơ, mà chính là anh chàng Ali... Biên Hòa ấy. Anh ta ca hát, cười đùa, uống rượu thỏa thích.

Sau tiệc cưới, ngay đêm tân hôn đó, Ali lái xe đưa cô vợ về Biên Hòa. Khi đến nhà chồng, cô Mơ ngạc nhiên vì không thấy giàn hoa lý, hai cây cao xanh và mái ngói đỏ như Ali thường kể, mà đó là căn phòng chật chội nằm trong khu nhà tập thể ẩm thấp, mất vệ sinh. Nỗi nghi vấn thoáng hiện trong đầu, chưa tiện nói thì hai hôm sau, cô Mơ lại lâm vào “thế trận” một người đàn bà dắt theo hai đứa trẻ, suốt ngày đứng tru tréo trước cửa đòi trả lại chồng.

Đoạn kết câu chuyện còn bi thảm hơn: sau một đêm Ali vắng nhà, cô Mơ nhận được tin anh ta bị Đội 7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt về tội cướp, tống tiền. Các anh công an còn điều tra ra chi tiết Ali có lúc làm nghề môi giới mua bán xe hơi, có hai vợ sáu đứa con, bỏ ra hai triệu đồng thuê người đóng vai “ông bà già” để cưới cô vợ thứ ba.

Đến lúc này, ông Tám mới nhớ ra, người đóng vai “ông già” Ali là thằng cha bán cà-ri dê ở khu Phú Nhuận mà trước đây ông thường đến nhậu.

Cô Mơ đáng thương hay đáng trách? Một cách sống nhiều mộng mơ, bất chấp lời khuyên của những người đi trước, đã biến những ước mơ huyền ảo như “cây đèn thần” trở thành tù mù, leo lét như… đèn dầu mù u!

Trần Tử Văn

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast