Nhà thơ Quang Huy - nhấp nháy mãi sao mai...

(Baohatinh.vn) - Nhắc đến nhà thơ Quang Huy, có lẽ giới anh em văn nghệ của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từ những năm chống Mỹ không ai không biết. Quang Huy - tác giả của nhiều bài thơ hay làm nức lòng độc giả hồi ấy: Chiếc cầu đám cưới mới đi qua, Mười hai cô gái Truông Bồn, Khoảng trời em...

Quang Huy là nhà thơ nhưng chính anh lại là người có tư duy của một nhà báo sắc sảo. Anh luôn nắm bắt được hơi thở thời đại thông qua những sự kiện nóng hổi của cuộc sống hàng ngày để thể hiện trên trang viết bằng những tần số cảm xúc mãnh liệt nhất. Tiếng thơ của anh cũng chính là tiếng lòng của nhân dân. Người ta gọi anh “nhà thơ thời sự” cũng đúng, bởi anh rất sung sức, có thể ngồi dưới hầm trong những ngày sơ tán, có thể ngồi kê cuốn sổ tay và bút dưới hàng cây đã bị bom cháy sém để viết ngay những bài thơ ca ngợi anh hùng, dũng sĩ, ca ngợi quân và dân ta dũng cảm, mưu trí lập nên những chiến công oanh liệt làm nức lòng bè bạn năm châu. Không chỉ có báo Nghệ An, Hà Tĩnh mà các báo: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Phụ nữ, Thiếu niên tiền phong... đã giới thiệu kịp thời những bài thơ còn khét mùi khói bom của Quang Huy đến với bạn đọc cả nước.

Nhà thơ Quang Huy - nhấp nháy mãi sao mai... ảnh 1

Nhà thơ Quang Huy và vợ. Ảnh: baonghean.vn

Không ít thính giả đã bật khóc khi nghe nghệ sĩ Châu Loan ngâm bài thơ "Mười hai cô gái Truông Bồn" của Quang Huy trong chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cái tài “bếp núc” của ông thể hiện qua nhiều phong cách khác nhau. Nếu như bài thơ "Mười hai cô gái Truông Bồn" được viết bằng thể lục bát mang âm hưởng dân ca Xứ Nghệ, dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ và đầy khí phách quả cảm, ca ngợi sự hy sinh anh dũng của 12 liệt nữ TNXP Truông Bồn thì ở "Chiếc cầu đám cưới mới đi qua" lại là một bài có tứ thơ rất độc đáo, với lối nói được “thi vị hóa hình tượng” bằng thơ giống một câu chuyện kể. Đám rước dâu trong thôn đi qua chiếc cầu bằng tre ngà bắc qua suối. Khi đám đưa dâu vừa tới nhà chồng thì máy bay giặc Mỹ lao tới ném bom chiếc cầu. Cô dâu vội vàng cầm súng cùng dân quân bắn hạ gục máy bay Mỹ. Chính tầm cao của tư tưởng thời đại và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã có sức lan tỏa trong hàng triệu trái tim:

Người thắng trận là cô dâu mới

Và chiếc cầu đám cưới mới đi qua

Tôi hâm mộ thơ Quang Huy từ thuở thiếu thời. Lần đầu tiên, tôi chép thơ Quang Huy từ cuốn sổ tay thơ của một người bạn, nhất là bài thơ Sim. Thơ Quang Huy tự nhiên “gõ cửa” trái tim chúng tôi:

Nhớ hồi lên chín lên mười

Chiều chiều hai đứa lên đồi hái sim

Anh ngồi đưa nón cho em

Hàm răng tím ngắt màu sim nhoẻn cười...

Thế hệ thanh niên chúng tôi hồi bấy giờ khao khát được yêu, được cống hiến; trái tim các chàng trai đều hướng về tuyến lửa. Bài thơ "Khoảng trời em" của Quang Huy bỗng trở thành “cẩm nang” gối đầu giường các bạn trẻ. Những câu thơ phiêu lãng như mây trắng bay trên bầu trời cao vợi, vừa thực, vừa mơ. Xa đấy mà gần đấy. Sự mơ mộng của những người đi đánh giặc:

Khoảng trời em mây trắng trôi nhanh

Mây trắng gợi một miền xa bỡ ngỡ

Trời nghiêng xuống mắt em thành nỗi nhớ

Để mây tràn xuống phương anh

Từ ngắm mây trời, người chiến sĩ ở phương xa ấy lại bộc lộ tâm trạng, lại dồn nén bao kỷ niệm:

Khoảng trời em mưa thưa bóng mây

Mưa khó hiểu như tình ta buổi ấy.

Cơn mưa giận, cơn mưa thương biết mấy

Nhớ nhung gì mà ướt áo người xa?

Ai đã từng mắc nợ với thơ, dẫu người mới bập bẹ làm hay người đã có một quá trình dài trong sáng tác đều nghiệm ra rằng: làm được vài câu thơ hay đã khó, làm được những câu thơ cực hay lại càng khó hơn. Những câu thơ cực hay như vậy thông thường toát lên toàn bộ chủ đề tư tưởng của bài thơ, nó giống như cái nhân của chiếc bánh. "Khoảng trời em" cũng vậy, tầm tư tưởng lớn của nó đã trở thành một bức tranh đẹp:

Phải mắt em thức với người ra trận

Mà chân trời nhấp nháy mãi sao mai

Thơ Quang Huy đã gieo vào lòng tôi tình yêu mái trường, thầy cô và bè bạn, tình yêu quê hương và Tổ quốc, gieo vào lòng tôi niềm tin khát vọng, niềm tự hào dân tộc. Tôi nhớ, vào mùa thu năm 1979, tôi đến phòng anh Duy Thảo - Thư ký Tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh, thấy Duy Thảo nói chuyện rất niềm nở với người đàn ông xấp xỉ tuổi 40 nhưng ăn mặc khá lịch sự, nói năng duyên dáng. Ông kể nhiều chuyện tiếu lâm có pha chút cường điệu, khiến Duy Thảo vừa nghe, vừa cười đắc ý. Lúc khách về, tôi hỏi Duy Thảo:

- Ông khách nào mà vui nhộn vậy?

- Nhà thơ Quang Huy đấy - Duy Thảo bảo.

Tôi sững sờ vì đã bỏ lỡ cơ hội làm quen nhà thơ Quang Huy, nhưng tôi được Duy Thảo đưa cho đọc ngay 2 bài thơ Quang Huy gửi báo Nghệ Tĩnh, đó là "Mùa thu của em" và "Quả trong vườn". Bài thơ "Mùa thu của em" năm 1981 đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa cấp tiểu học.

Lần thứ 2, tôi lại gặp Quang Huy tại phòng làm việc của Duy Thảo. Lần này, ông đến chào Duy Thảo, Minh Nho và bè bạn để chuẩn bị chuyển công tác ra Hà Nội. Nhà thơ ghi cho tôi địa chỉ nhà ông ở khu tập thể Trung Tự:

- Hôm sau, cậu ra Hà Nội học đến nhà chơi nhé, bà xã nhà mình quý bạn bè Nghệ Tĩnh lắm!

Xuất thân trong một gia đình Nho học ở Hải Dương nhưng gắn bó với Xứ Nghệ trọn 2 thập kỷ nên mỗi lần anh em Nghệ An và Hà Tĩnh ra chơi, Quang Huy đều bảo “Xứ Nghệ” là quê hương thứ 2 của ông. Đối với Quang Huy, dẫu làm thơ, viết văn hay làm báo và sau này với cương vị Giám đốc Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin, bao giờ ông cũng tận tụy, nhiệt tình, nghiêm túc. Ông như con ong mang nhiều hoa thơm trái ngọt đến cho đời.

Không chỉ viết thơ dành cho người lớn, ông còn là tác giả thân thiết của bạn đọc nhỏ tuổi. Nhiều bài thơ Quang Huy viết cho thiếu nhi được các em rất ưa thích. Ông còn viết truyện cho thiếu nhi theo đơn đặt hàng của Nhà Xuất bản Kim Đồng. Tên tuổi ông đã gắn liền với các tác phẩm: Sao và đất, Nơi giáp mặt, Gió từ đâu?, Đêm đầu hạ, Kể chuyện chim, Dòng suối thức, Hoa Xuân Tứ, Chuyện xóm Lèn, Ngôi nhà trống, Bên sông, Thuyền trưởng số 6. Đọc các tác phẩm của ông dẫu là thơ hay văn, ta không thấy sự vụng về, dễ dãi. Ông trau chuốt ngôn từ đến mức có người đã thốt lên: Thơ Quang Huy điệu đà quá! Nhưng thực chất không phải thế mà đó là ý thức riêng của người cầm bút.

Ông là người rất quan tâm tới giới trẻ làm thơ. Hồi tôi học ở Hà Nội, mỗi lần có thời gian rỗi đến thăm lại thấy ông đang tiếp chuyện và góp ý chân thành cho các cây bút trẻ: Nguyễn Thành Phong, Mai Quỳnh Nam, Trương Nhân Huyền... Nhiều bạn trẻ, trong đó có tôi, lần đầu tiên có bài viết được in trên báo trung ương có công của những người thầy như Quang Huy.

Dẫu đã đi xa, nhưng trong lòng tôi cũng như nhiều độc giả, ông vẫn sống mãi. Ông như ngôi sao mai nhấp nháy mãi giữa bầu trời thi ca trong xanh diệu vợi.

Nhà thơ Quang Huy tên thật là Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1936 tại Cẩm Giàng - Hải Dương. Ông xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và nhân văn. Vào đời với nghề dạy học, năm 1958, ông được điều về dạy Văn cấp 2 ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ đó cho tới khi trở ra Hà Nội nhận công tác mới tại NXB Văn hóa Thông tin, nhà thơ đã có 20 năm gắn bó và đóng góp cho đất và người Nghệ An, chủ yếu về văn học nghệ thuật…

Đầu năm Ất Mùi 2015, nhà thơ Quang Huy đã từ giã người thân, bạn bè và thi ca để về cõi vĩnh hằng ở tuổi 79, sau 2 năm chống đỡ với bệnh tật.

Tháng 3/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast