SEO LI

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Phú được điều lên Mù Căng Chải làm bác sĩ cắm bản. Phú làm trưởng phân viện Khe Ve, ba năm mà Phú tưởng như mình đã ở đây hàng thế kỉ.

Đã quá quen với những quả bí ngô vừa rụng rốn, những bắp ngô non vừa ngậm sữa, nải chuối xanh hay một quả trứng gà mà những bệnh nhân của Phú mang biếu nhét dưới gầm giường. Đã quá quen với những ngôi nhà lợp ngói gỗ thông mưa dầm xám ngoét. Cái nghèo sợi khói cũng nghèo, run run thoi thóp trên những mái ngói gỗ rữa nát. Đã quá quen với những cánh ruộng bậc thang như đám váy vợ Giời lười giặt, chất ngất lên cao.

Đã quá quen với những cây chè cổ thụ say khướt trong sương. Đã quá quen với những sột soạt váy Mông, những cô gái còng lưng đeo lù cở, đầu lao như tên bắn, bơi bả trong mây. Đã quá quen với những người đàn ông mặt xương xương như cái lưỡi cày Mông úp ngược, mắt mọng rượu, má lõm đói ăn, cằm nghèo đến râu cũng không muốn mọc...
Cả tháng ngồi không, hôm nay mới thấy có bệnh nhân đến khám. Phú đang mải đọc truyện dài Colomba của nhà văn Pháp Mérimée. Không ngẩng lên nhìn, chỉ nghe bệnh nhân nói:
- Bác sĩ khám cho em.
- Bệnh gì?
- Biết bệnh gì còn phải khám à?
- Đau ở đâu?
- Không biết.
Phú thấy lạ, ngẩng lên nhìn, thì Chúa ôi, cô bé đã cởi hết váy áo ngồn ngộn đứng ngay trước mặt anh.
Thời nay son phấn rẻ, các cô gái ai chả giống ai. Nhưng nội thất không cần son phấn vẫn làm bọn bác sĩ vốn đã quá quen với những cơ thể không áo quần trên bàn giải phẫu cũng phải thuỗn mặt ra nhìn.
Phú vội đảo mắt nhìn quanh, không có ai, núi lặng, trời câm, sương không có mắt. Phú bảo cô gái:
- Ai bảo mà cởi?
- Các bác sĩ dưới huyện khám họng hay khám mắt cũng bắt cởi mà.
- Mặc vào... Bố tổ!
Phú lấy ống nghe “thầy bói xem voi”... Đã thuỗn mặt ra rồi có mà nghe...
Seo Li, cô y tá trẻ trung xinh đẹp nhất phân viện, lúc Phú mới lên còn kéo ri đô mỗi khi thay áo, giờ thay váy cũng không cần đóng cửa. Mèo điếc chuột lờn. Khổ, thích thì cũng thích, nhưng tâm trí Phú còn để mãi dưới Hà Nội với Liên kia! Bạn học, lại mớm tí yêu thằng chó nào chả phồng mắt lên mong ngóng...
Gỡ ống nghe, Phú lắc đầu nói:
- Không có bệnh.
Cô gái không nói một lời, lặng lẽ ra về. Chẳng buồn nhìn xem cô ấy rẽ lối nào, Phú tiếp tục vùi đầu vào trang sách. Đọc sách cũng như gõ mõ tụng kinh, nén nhục dục xuống dưới, đưa cõi Niết bàn lên trên...
Có tiếng đùn đẩy nhau, dù không rời mắt khỏi trang sách, Phú cũng biết đó là một đôi vợ chồng người Mông còn rất trẻ.
Phú bảo:
- Vào đi, khám gì?
- Có nối được không? Cô vợ lí nhí hỏi. Phú bực:
- Nối gì?
- Nối ấy...
Bấy giờ anh chồng mới đỏ bừng mặt, chìa ngón tay cái ra thị phạm.
Phú bắt anh ta vào sau ri đô cởi quần ra khám. Phú phát hoảng hỏi:
- Hổ cắn à?
- Ngày bé đi ị, chó đớp.
- Tiên sư... bảo làm hố xí thì lí sự phân nuôi chó còn chả có, nhốt c... cho ai?... Đi nương cũng cõng hố xí đi ư? Trời đã cho cái sướng, bọc bao cao su làm gì...
Hai vợ chồng đứng ngây chịu trận. Phú phát cáu nói:
- Cụt nòng còn dở rói lấy vợ!
- Nhưng mà vẫn muốn.
Bố tổ, pháo cụt nửa nòng chứ hộp đạn vẫn nguyên... Chuột ngoáy lọ mỡ... chỉ tổ chọc tức vợ...
Phú bảo vợ chồng người Mông:
- Hiến tim hiến thận chứ ai hiến cái ấy? Phải đợi dịp tạo hình nhân đạo... Trình độ tôi sao nối được nòng?...
Sẩm tối Seo Li từ dưới bản trở về, em đeo sau lù cở một can nước 20 lít cho trạm dùng. Seo Li hì hục vo gạo thổi cơm trong khi Phú châm ngọn đèn dầu tù mù ngồi đọc sách.
- Anh không đói à?
- Véo mì tôm ăn dần.
- Không uống nước?
- Nước còn đâu?
- Nếu em không về chắc anh chết khát?
- Chắc...
Seo Li vừa nấu cơm vừa nói chuyện với Phú:
- Toàn núi với rừng, đọc làm gì?
Phú vẫn không rời cuốn sách, trả lời Seo Li:
- Đọc sách không cho ta của cải, nó cho ta cái đầu.
- Người vùng cao không đọc sách mà vẫn có đầu đấy thôi?
- Đầu đất.
Seo Li ớ người nhìn Phú rồi lẳng lặng dọn cơm ra hai đứa cùng ăn.
Vẫn trường ca rau ngải già, đắng ngắt. May hôm nay Seo Li kiếm đâu được mấy cái hoa bí cho vào, nên canh dễ nuốt.
Cơ quan như cái bao tải ngô, còn căng còn gà, xẹp rồi lông gà cũng vắng. Biên chế bảy người mà có mỗi hai, người ta viện đủ cớ để về bản ôm vợ, ôm chồng.
Ăn cơm xong Seo Li lại chuẩn bị cơ số thuốc để đi xuống bản, Phú hỏi:
- Không ngủ à?
- Nhà Mùa A Sua, đứa con lớn viêm phổi rất nặng, đứa nhỏ đi lỏng mất nước, em đem dịch đi truyền. Với lại con Mùa Thị Mây hôm nay trở dạ.
- Seo Li ở nhà để tôi xuống bản một hôm?
- Anh có đi bao giờ mà biết đường?
- Thì hỏi.
- Anh biết mỗi tiếng Kinh, ở đây không có người Kinh?
- Có những vấn đề vô cùng nan giải, em giải quyết được ư?
- Dưới Khe Ve còn có chú Quảng.
Quảng là y sĩ người Mông già nhất trong số các y sĩ cắm bản. Anh chuyển từ quân đội về, hàm trung úy thì phải. Hôm mới đến huyện nhận công tác, thấy Quảng mặc quần áo Mông, đầu bạc phếch, mắt lạc đi, ngồi tựa lưng góc nhà ôm bát rượu gật gù nên Phú tưởng bệnh nhân lạc tuyến. Đồng chí trưởng ban y tế huyện nói:
- Phú thay anh Quảng làm trưởng phân viện Khe Ve.
Quảng cũng chẳng buồn bắt tay chào Phú, anh quẳng quyển sổ đánh xoạch ra bàn, vuỗi đít đi luôn.
Quảng có cô vợ mới cưới tên là Thắm. Thắm rất đẹp. Vợ đẹp thì chồng phải tài.
Kém tài, không mất mạng thì cũng thân bại danh liệt.
Tay chủ tịch huyện tìm đủ mọi cách để chiếm hữu Thắm, Thắm cự lại, thế là Quảng bị bắn trả vùng cao.
Phụ nữ to mồm là nhờ oai chồng, gái thất thế mới lấy chồng Mông? Thế nào là thất thế? Nói láo, trinh tiết có phải cái bánh đâu mà bóc.
Hương sắc khích gươm đao, thỏ gại mồm chó sói? Bồ câu gại mỏ diều hâu? Có sức không mà dám thi hơi với giải? Thắm nhắm mắt ngoan vâng làm vợ bé của sếp.
Thắm sinh con sau khi Quảng bị sếp điều lên vùng cao đúng 13 tháng.
Nhất lé nhì lùn, nhưng tốt mã mà đểu còn đáng sợ hơn.
Sếp bảo :
- Em khai sinh cho con theo họ Quảng. Anh vua biết mặt chúa biết tên, vợ anh nó là con báo đen Nam Mĩ. Trước em, nó xẻ thịt mấy đứa rồi.
Thắm ứa nước mắt nói:
- Anh giết Quảng còn chưa đủ sao?
- Vẽ! Nay mai con nó lớn, nó đẹp, nó ca sĩ, nó người mẫu, nó hoa hậu... hắn chả tóe mắt lên?
Thắm trợn mắt. Sếp mà sợ mắt trợn?
Gã lầm bầm:
- Đầy thằng vợ mình mà con đếch phải!
Gã nhiếc Thắm, Thắm cho gã được thì Thắm cũng cho thằng khác được.
Những kẻ cụp mắt với người thường hay vênh mặt với vợ, với những thằng chồng như thế, ngậm hơi nuốt hận là hơn.
Khai sinh cho con xong, sếp bảo Thắm mang trả con cho Quảng. Chả là Lan, cô y tá trẻ măng xinh đẹp mới được sếp đặt ngồi vào chỗ Thắm.
Thắm khóc lóc nói:
- Con em em nuôi, sao trả Quảng?
Sếp vằn mắt:
- Rác mắt. Khối người nhìn nó lại liếc tôi, chúng muốn nhổ lên danh dự của tôi đây...
- Anh cũng nói đến danh dự?
Sếp bệch mặt nhưng chỉ nửa miệng cười, ít ngày sau công an ập đến moi trong tủ áo của Thắm ra 10 gam heroin, Thắm lập tức bị tống giam.
Nhục nhã ê chề, ghê tởm chính mình, Thắm sợ nhất sau này ra trại còn mặt mũi nào nhìn đồng nghiệp, người thân. Thắm đập đầu vào tường trại giam phọt óc chết.
Thắm không có người thân, bé Li không ai nhận, Li được các cô công an gửi ra trại trẻ mồ côi.
Năm tuổi không ai nhận, mười tuổi vẫn không ai đến nhận. Khi Li mười lăm tuổi, qua cô giáo chủ nhiệm, Li được biết cha em đang công tác vùng cao, Li đu đít xe khách trốn lên Mù Căng Chải.
Quảng biết mình có con mà cười ra nước mắt, anh rúc đầu vào chum rượu ngô ngủ vùi trong đó đúng ba mươi ngày. Đời phụ Quảng chứ Quảng đâu phụ đời? Họ mạc chê Quảng là đồ hèn, phải tay họ, dẫu bị chặt đầu cũng phải băm tên kia ra làm trăm mảnh... Giết nó khó gì, hiềm nỗi, mình là cán bộ đảng viên...
Nửa đêm Seo Li đốt đuốc về, em hồ hởi nói:
- Ngỡ rau tiền đạo, may mà...
- Sao không chuyển viện?
- Đường chó đi còn ngã, khiêng nhau được à?
- Cô không nên làm thay chức năng của mấy ông y sĩ bản. Chế độ mình bực nhất là người nọ cứ dẫm lên chân người kia, thằng chó nào cũng muốn ngoi đầu. Xã hội rối rắm, thiếu khoa học, trăm năm không mở mặt ra được...
Chức năng của Phú là lãnh đạo gần chục trạm y tế xã bản, là khám chữa bệnh cho những ai có giấy giới thiệu từ dưới xã lên, là chỉ đạo công tác tiêm phòng, đặt vòng tránh thai, là sáu công trình vệ sinh giếng nước chuồng trâu hố phân hố rác hố xí hố giải, là phun thuốc trừ muỗi, là hạ chỉ tiêu sinh đẻ, là tuyên truyền sử dụng bao cao su và uống thuốc tránh thai, là chỉ đạo tuyến xã làm tốt công tác y tế dự phòng...
Vua che mạng chúa che đầu, lãnh đạo là Đức Chúa Lời, là ra nghị quyết, là nói cho người ta nghe, cái gì cũng sục tay vào hỏi có còn là lãnh đạo nữa không? Ở đây Phú là ông chủ, Seo Li no hay đói, thức hay ngủ hỏi có can hệ gì. Thậm chí Phú cũng không biết nhà Seo Li ở đâu, có mấy người, cha mẹ có khỏe không... Phú là bác sĩ, anh đâu phải công an mà quan tâm đến ba cái chuyện vặt.
Mặc đời, coi như mấy năm tù, nín thở qua sông, cùng lắm thì hết năm năm là phắn!...
Phú tự xù lông với mình rồi lại vùi đầu vào đọc sách...

*
* *

SEO LI ảnh 1
Minh họa: Lê Trí Dũng

Phú đổ bệnh bất ngờ, chỉ là sốt thương hàn, nhưng ở cái xứ trời ho đất hen này lấy đâu ra người chăm nuôi? Nằm trong chiếc chăn 5 kilôgam, đệm bông lau dày cả gang tay mà Phú vẫn thấy như nuốt băng vào ruột. Mạch dưới 50 nhịp/phút, nhiệt độ luôn từ 40 - 41 độ, nước tiểu đặc quánh rặn không ra, miệng khát như ngậm sỉ lò gạch... Trong những lúc mê man Phú thấy mình như bị quẳng vào vạc dầu sôi sùng sục. Những tên quỷ sứ mắt trồi ra tóe lửa, nanh nhọn lưỡi xanh... Chúng không ngớt hò hét, dìm mãi Phú vào vạc dầu, ngạt thở không sao chịu được. Thiên đường phóng tác khát vọng con người, những ai chưa biết thiên đường mới khát khao, biết rồi chắc hãi? Phú mê man lảm nhảm luôn mồm gọi Liên, cô bạn cùng học Đại học Y Hà Nội, nhưng chỉ lơ mơ nhận thấy đôi bàn tay mềm mại vắt khăn ướt chườm trán, chườm nách, chườm bụng, bẹn cho anh. Cũng đôi bàn tay ấy thận trọng cắm dây truyền Glucose ưu trương, NaCl đẳng trương cho Phú hạ nhiệt, khỏi suy kiệt. Cũng đôi bàn tay ấy hòa từng viên Clorocid cho Phú uống, thứ thuốc đặc trị thương hàn lúc này...
Sau bảy ngày Phú dần dần hết sốt, da xanh mét, môi bệch bạc, mặt hốc hác, bụng lõm tận xương sống, đầu gối lục cục, người chỉ còn da bọc xương... Phú thấy Seo Li nấu cho anh những bát cháo trứng, cháo thịt gà lá ngải thơm lừng. Nó là ngải mùa xuân, non mấn chứ không như thứ canh ngải già đắng ngắt mọi khi...

Mùa xuân đang đến ngoài kia?
Phú cầm tay Seo Li nói:
- Cảm ơn Seo Li, nếu không có Seo Li trong mấy ngày qua chắc tôi chết mất.
Seo Li cười nói:
- Không phải em, con Mỉ nó phục vụ anh đấy. Mấy ngày qua em có việc cưới chồng... Anh ốm, nên em không mời đến dự...
Phú ngẩn người hỏi:
- Seo Li yêu ai mà cưới?
Seo Li buồn buồn nói:
- Người miền núi hiền như đất đá, đã khi nào anh cúi xuống nói chuyện với đất đá chưa?...
Phú ngượng nói:
- Rồi! Tôi xin lỗi. Nhưng tôi biết chồng Seo Li là ai đâu?
- Là anh Phái phó chủ tịch huyện mình đấy. Anh Phái đã bảo với anh Sinh trưởng ban y tế huyện xem xét chuyển vùng cho anh Phú về xuôi, nhưng anh Sinh nói anh Phú phải ở đây dăm bảy năm nữa.
- Sao vậy?
- Vì suốt mấy năm qua chỉ người miền núi phục vụ anh...
Phú ngẩn người nhớ lại tháng trước có Sùng Sẻo Páo bốn bảy tuổi ở bản Cò Lung đến khám, cũng đau hố chậu phải, cũng sốt nhẹ 37 độ 3, cũng phản ứng Mac Burney(+), cũng sôi bụng, cũng ợ hơi, cũng khó đái (đã hội đủ đau nôn bí trướng)... Phú ghi giấy giới thiệu “Nghi viêm ruột thừa cấp giới thiệu lên viện huyện giải quyết”. Mới đi được một lúc thấy bệnh nhân quay lại nói. “Tao táo bón, leo đèo ị một bãi, khỏi rồi”... Lại cũng tháng vừa rồi có Tráng A Pao năm mươi bảy tuổi đau trướng bụng vào trạm. Khám có sốt, bí trung đại tiện, buồn nôn nhưng không nôn, miệng khô, rêu lưỡi xanh đen, gõ vang toàn ổ bụng, ấn bụng thượng vị bệnh nhân đau không chịu nổi... Hỏi, nói có ăn nấm, ăn sim. Nghĩ đến một ca ngộ độc nấm điển hình, Phú vội viết giấy giới thiệu lên viện tuyến trên, ai ngờ vừa đi được chừng nửa giờ, gã kia quay lại cám ơn rối rít:
- Bác sĩ giỏi thật đấy, tao khỏi rồi...
- Dùng thuốc tiên gì thế?
Lắc đầu...
Thì ra hắn ta chỉ bị đau trướng bụng do sỏi, khi leo đèo, lên gân, nót bụng, khiến sỏi bật ra...
Phú cũng như những trí thức khác lên vùng sâu vùng xa công tác, họ luôn tự huyễn mình là Phật Bà ban phước muôn dân... Khi không được cất nhắc, không được chuyển về xuôi thì trở mặt bất mãn khiến cho dân miền núi thích những cán bộ là con em của họ hơn.
Thấy mình có lỗi, Phú nói với Seo Li:
- Tôi không muốn về xuôi nữa đâu, Seo Li nói với chồng em cho tôi ở lại Mù Căng Chải đi?
Seo Li cười nói:
- Anh không đáng làm bác sĩ, đứng trước những phụ nữ xinh đẹp không áo quần mà cũng không hề rung động…
- Đấy là y đức.
- Nhưng y đức cũng dạy chúng ta phải coi bệnh nhân như cha mẹ, như anh em... thậm chí như người yêu hay như vợ của mình.
- Tôi yêu thương họ thì mới xung phong lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa này chứ?
- Anh không yêu họ mà anh yêu anh. Anh lên đây là để được biên chế, được hưởng phụ cấp một trăm phần trăm, để rút ngắn thời gian lên lương chỉ bằng phân nửa dưới xuôi. Anh muốn làm một ông vua, một vị thần tiên đi ban phước mà không nghĩ rằng anh phải đi trả nợ vùng cao... Tại sao ư? Bao làng bản bị di dời cho thủy điện, người trên này thắp bóng điện 20w còn tiếc xót, dưới xuôi không có bình nóng lạnh, không có máy điều hòa, không có ti vi đã rên rỉ như voi dính đạn. Cứ bảo người vùng cao phá rừng, nhưng ai bỏ tiền ra thuê bọn phá rừng? Trong kháng chiến, biết bao thanh niên vùng cao một đi không trở lại… Anh không có trái tim, cô Mỉ đã cởi ra với anh...
- Em đã bầy ra cái trò quái gở đó?
- Vâng, bọn con gái cá với nhau rằng anh không phải đàn ông...
Seo Li nói đến đây thì òa khóc, vùng chạy xuống núi. Phú muốn đuổi theo túm Seo Li lại nhưng sợ chồng cô ấy giết...
Tết ập đến với Mù Căng Chải, lợn kêu eng éc, chó sủa nhắng lên, tiếng nổ ống nứa trẻ con lùi vào lửa thay pháo và cả tiếng cười trai gái vùng cao nhét trong rừng, hôm nay mới được bật ra. Ăn tết trên ủy ban huyện xong, Phú trở về cái phân trạm như một tổ chim sâu cheo leo vách núi. Nhớ bạn nhớ quê muốn rơi nước mắt, Phú nhìn lên những dây ruộng bậc thang như vẩy dựng trên lưng con kì nhông biến màu, nâu thẫm đất cày bừa, xanh non lá mạ, vàng óng lúa mùa... Những trổ nước tuôn từ ruộng cao xuống ruộng thấp và màu xanh lúa non leo ngược từ ruộng thấp lên ruộng cao. Những cây chè núi bị mây nuốt nghẹn. Những con chó vàng khoang vằn vện như những mũi tên vun vút bắn sang nhau, vung vít đuổi chim. Mùa xuân, người tìm tình của người, chó tìm tình của chó... Xin đừng cho là mạo phạm, tình ái Chúa ban vốn rất công bằng với muôn loài. Những cánh rừng say tình gù vào nhau khe khẽ hát. Khi rừng hát, xin đừng cất bước, hãy nghiêng tai mà nghe. Những quả còn lửa thập thò giấu trong cạp váy, e thẹn móc ra, e thẹn nhắm những cái vòng tết nơ xanh đỏ buộc tít ngọn cây mà líu ríu bay lên... Trai Mông no rượu ôm khèn lộn như chó nứng, gái Mông say tình ấp mặt lưng bạn gái liếc trộm... Ngựa say hí vang đuổi nhau, trẻ con say hú vang đuổi khói... Tự dưng Phú nhớ Seo Li, Seo Li dặn Phú đến ăn tết với gia đình.
Seo Li có chồng rồi, là lãnh đạo, ta phải đến uống rượu với chồng cô ấy cho phải phép. Phú bở hơi leo đèo, đèo cao mây vướng mặt. Phú rụt rè đặt chân xuống khe, nước khe lạnh buốt muốn tiện đứt chân. Phú xuôi dốc, dốc như ma níu. Phú vừa đi vừa hỏi thăm:
- Nhà Seo Li ở đâu?
Hai tiếng Seo Li dân bản đã quá quen, Phú nửa tiếng Mông không biết có mà hỏi... núi! Mọi người chỉ tay lên tít đỉnh con đèo sặc sụa ho mây nói:
- Kia!
Cố đến hụt hơi rồi cũng leo lên đến nơi, trước mắt Phú là ngôi nhà nhỏ lợp ngói gỗ thông, khói ngủ lười trên mái. Những cây chè cổ say lắc lứ trong mây, mấy con chó dùi đít vào ngạch cửa sủa, dăm cây đu đủ quả non ẹc rúm rít lùi lên ngọn, trốn vặt non. Không thấy cha mẹ Seo Li, mấy đứa bé ăn mặc mong manh mặt mày ngoang nguếch, thấy Phú thì nhe những chiếc răng sún ra cười. Phú nắm tay cô bé lớn nhất đám hỏi:
- Seo Li đâu?
- Đi đón chồng.
- Nhà chồng Seo Li ở gần đây không?
- Đây.
Bọn trẻ líu ríu nói với nhau bằng một thứ tiếng Mông lạ hoắc khiến Phú buồn quá định bỏ về, bỗng một đứa chỉ tay sang bên kia suối nói:
- Kia.
Phú nhìn theo tay thấy Seo Li đi một mình, Phú chạy ù xuống dốc đón. Seo Li ngạc nhiên nói:
- Em đi đón anh, anh lại ở đây.
Phú ngỡ ngàng hỏi:
- Chồng Seo Li đâu?
Seo Li đỏ mặt chạy vào trong buồng khiến lũ trẻ cười phá lên vỗ tay theo nhịp nói:
- Chết nhé... thấy chồng... xấu hổ rồi... chết nhé!
Đúng lúc ấy anh Quảng và hai vợ chồng người Mông hôm trước đã đến khám chỗ Phú cùng về. Phú nói:
- Chào anh Quảng, mời anh vào nhà chơi.
Anh Quảng thủng thẳng nói:
- Khách lại mời chủ nhà kia đấy?
- Thì ra... đây là...
- Đây là bố em, Seo Li giới thiệu. Còn đây là Vàng A Súa và Mùa Thị Thu, con nuôi và con dâu bố em.
Anh Quảng hỏi:
- Thay đổi cách xưng hô được chưa? Mù Căng Chải hun hút vực sâu, những thằng bị ném lên đây như đá ném đáy. Mọc cánh được không?
Seo Li nhìn Phú khiến anh đỏ bừng cả mặt. Ông Quảng nói:
- Tưới rượu nảy lời, rượu Mông phỗng đá cũng gụ vào nhau... Nói rồi ông rót rượu ra mấy cái bát, cụng bát với Phú nói:
- Con Li trốn quê lên đây. Mẹ nó muốn chối bỏ người Mông, nó tự ý thêm chữ Seo vào để thành người Mông. Còn Vàng A Súa, Phú có cách chi đưa nó về viện 108 Hà Nội tạo hình “Cầu nối Thiên đàng” cho nó không?
Phú đỏ mặt nói:
- Lương mấy năm nay con đã lĩnh đâu... Nhưng sao bố không đưa anh ấy về Hà Nội?
Ông Quảng khẽ rùng mình, chim hụt tên sợ cây cong, kẻ bị rắn cắn sợ dây thừng. Seo Li nắm tay Phú nói:
- Em với anh sẽ đưa Vàng A Súa về Hà Nội, được không?
Phú ghé tai Seo Li nói:
Chắp cánh cho đá, nó vọt lên khỏi miệng vực thì sao?
Seo Li đọc. Nước trôi lòng suối chẳng trôi/ Mây đi mây có nhớ hồi về non/ Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/ Mây đi mấy có cùng non trở về...
Phú rưng rưng nước mắt, những câu thơ hay nhất trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu mà trước đây anh chẳng nhận ra...
Ông Quảng gật gù vỗ vỗ vào be rượu... cả nhà cụng bát cười vang...
Chữ tiên có bộ nhân bên cạnh bộ sơn, ở núi mới biết thần tiên chứ? Mù Căng Chải cho những ai phẫn chí lánh đời, rịt lành mọi vết thương, ủ mầm muôn sự sống...

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast