Tôn vinh thiên tài văn học Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Hướng tới Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015), sáng nay (28/7) tại Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam - Thư viện quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học "Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều".

GS. Phong Lê – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiều học Việt Nam, Ths. Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nhà thơ Vương Trọng đồng chủ trì hội thảo.

Tôn vinh thiên tài văn học Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều ảnh 1

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. Phong Lê nhấn mạnh: Khẳng định tư cách đại thi hào cho Nguyễn Du và kiệt tác cho Truyện Kiều là một khẳng định hoàn toàn không mới, nhưng vẫn là cần thiết, bởi, với Nguyễn Du, các giá trị mà ông để lại cho đời, theo thời gian, không hề có chuyện phủi bụi, mà càng là sự tỏa sáng. Đó là lí do cơ bản nhất để tổ chức hội thảo có ý nghĩa quan trọng này.

Để khẳng định điều đó, hơn 30 tham luận tại hội thảo, mỗi tham luận dưới một góc nhìn, một cách tiếp cận, đã tiếp tục tôn vinh tầm vóc Nguyễn Du, khẳng định những giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều. Nhìn chung, các tham luận tiếp cận trên các giác độ: khẳng định thiên tài Nguyễn Du; sự ảnh hưởng của vùng văn hóa quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh và kinh đô Thăng Long; hành trình Nguyễn Du đến với thế giới; kiệt tác Truyện Kiều từ các góc nhìn như: tự sự, điện ảnh, tham chiếu với văn hóa phương Đông.

Tôn vinh thiên tài văn học Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều ảnh 2

GS. Phong Lê: Các giá trị mà Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều để lại cho đời không hề có chuyện phủi bụi theo thời gian mà ngày càng tỏa sáng

Mở đầu hội thảo, GS. Nguyễn Đình Chú gây sự chú ý đối với các cử tọa bằng tham luận “Nguyễn Du – Thiên tài: vấn đề đã quen mà còn lạ”. Tham luận dài 15 trang dựa trên quan niệm nghiêm ngặt của Gaethe về thiên tài, luận giải và khẳng định Việt nam ta là đất nước có thiên tài văn chương là Nguyễn Du.

Tác giả khẳng định luận điểm này bằng 4 khía cạnh: Nguyễn Du đã đi đúng quy luật bản chất nhất, gốc rễ nhất của mọi giá trị văn chương chân chính nhất là dựa trên tình thương con người; tạo ra thế giới nhân vật sống động, mỗi nhân vạt là một cá tính nghệ thuật, không ai giống ai; tạo ra trong tác phẩm một thế giới thứ hai, thế giới thiên nhiên; sức sống phi thường của Truyện Kiều.

Tôn vinh thiên tài văn học Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều ảnh 3

GS. Nguyễn Đình Chú gây sự chú ý đối với các cử tọa bằng tham luận “Nguyễn Du – Thiên tài: vấn đề đã quen mà còn lạ”.

PGS. Trần Thị Băng Thanh tiếp cận Nguyễn Du trong nỗi hoài niệm về Thăng Long nơi ông sống thuở thiếu thời. Tham luận khẳng định: “Nỗi hoài niệm Thăng Long, niềm khắc khoải về thân phận tài hoa, trí thức và tấm lòng nhân ái cũng là một phần làm nên một Nguyễn Du thi hào đi trước thời đại. Điều đó Thăng Long có trò rất quan trọng”.

Cùng cách tiếp cận tương tự Trần Thị Băng Thanh, Phạm Quang Ái (Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh) cho rằng quê hương Hồng Lam có tác động lớn đến tâm thức Nguyễn Du. Tham luận có đoạn: Bài viết có đoạn: “Với Nguyễn Du, vùng quê văn chương luôn neo giữ hồn thơ ông chính là xứ sở núi Hồng sông Lam mà ông hằng yêu mến, tự hòa, nơi có vợ con ông sống những tháng ngày đói khổ, vật lộn với chốn cồn khô, cát bạc nhưng lại có những đêm trăng hát ví tình tứ, say mê. Và quan trọng hơn cả, đã 6 đời, tổ tiên, ông cha nhà thơ đang yên nghỉ trên mảnh đất này”

Đối với tác phẩm Truyện Kiều, 17 tham luận với nhiều tên tuổi có nhiều uy tín trong nghiên cứu văn học đã làm sáng rõ thêm nhiều giá trị tiêu biểu, nổi bật của kiệt tác. GS. Trần Đình Sử đi từ góc nhìn tự sự đa chiều để tiếp cận Truyện Kiều.

Với hướng tiếp cận đó, tác giả cho rằng: Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự đặc biệt, tự sư đa điểm nhìn. Thứ nhất, Truyện Kiều được sáng tác trên cơ sở một tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, nên nó mang trong mình con mắt thơ của truyện thơ, vừa con mắt văn xuôi đậm chất tiểu thuyết. Thứ hai, Truyện Kiều vừa mang quan điểm đạo đức quan phương vừa mang quan điêm của người dân bị chà đạp. Thứ ba, Truyện Kiều vừa mang tư duy tu từ của lối sáng tác theo câu chữ, hình ảnh có sẵn, vừa mang tư duy có tính cá thể hiện đại. Chính những đặc điểm này đã làm mới câu chuyện, làm mới hình thức và nội dung tác phẩm, biến một tác phẩm thường thường bậc trung thành một kiệt tác tầm cỡ.

GS. Trần Đình Sử: Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự đặc biệt, tự sự đa điểm nhìn.

GS. Trần Đình Sử: Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự đặc biệt, tự sự đa điểm nhìn.

Sau tham luận của GS. Trần Đình Sử, nhiều tên tuổi khác đã làm rõ hơn các vẻ đẹp của Truyện Kiều. Tiêu biểu là các tham luận của GS. Phạm Tú Châu tiếp cận về cái nhìn đúng đắn của học giả Trung Quốc qua so sánh Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều; GS. Trần Nho Thìn tiếp cận theo hướng Truyện Kiều và văn hóa phương Đông; Bùi Thiết với tham luận: Có những không gian Việt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du…

Hơn 4 tiếng đồng hồ với các tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu, hội thảo tôn vinh thiên tài văn học Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều đã thành công tốt đẹp. Những kết quả nghiên cứu của các tác giả đã bổ sung quan trọng vào gia tài nghiên cứu về Nguyễn Du và tác phẩm thơ của ông, nhất là Truyện Kiều.

Ý nghĩa của hội thảo càng được lan tỏa khi dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào đang đến rất gần.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast