Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

(Baohatinh.vn) - Những thanh âm của cuộc sống hiện đại cùng tiếng vọng của những ngày thu lịch sử như đang giao hòa, trở thành niềm tự hào, động lực phấn đấu cho chính quyền, Nhân dân Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trên con đường xây dựng quê hương ngày một trù phú, ấm no.

Mảnh đất anh hùng

Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta từ khi mới ra đời. Trong đó, Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã đóng góp trí tuệ và xương máu của mình vào thắng lợi vẻ vang.

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Huân chương Độc lập hạng Nhì được Nhà nước truy tặng cho đồng chí Nguyễn Huỳnh - chiến sỹ cộng sản trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh luôn được con cháu cất giữ cẩn thận.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên, ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng vang dội trong cả nước, đó là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) trên phạm vi 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hòa chung với phong trào cách mạng, huyện Cẩm Xuyên lúc bấy giờ cũng là một điểm sáng của Hà Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư Tỉnh ủy, nhiều cán bộ, đảng viên trong toàn huyện đã tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên chống áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và triều đình phong kiến.

Ngày 1/5/1930, ở các tổng: Lạc Xuyên, Thổ Ngọa, Mỹ Duệ… truyền đơn được rải khắp nơi, kêu gọi quần chúng tham gia đấu tranh vạch trần tội ác của bọn thống trị. Cờ đỏ búa liềm được cắm ở các vùng trọng điểm như: đình Chợ Chùa (Cẩm Thành), đình Chợ Quan (Cẩm Quan), Cầu Trung (Cẩm Thịnh)…

Phong trào cách mạng quần chúng sôi nổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ tổ chức đại hội lần thứ nhất ở miếu Cồn Thờ (thôn Hưng Tiến, xã Cẩm Hưng). Đại hội đã bầu BCH Huyện ủy đầu tiên gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Liễn làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp toàn huyện.

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Miếu Cồn Thờ (thôn Hưng Tiến, xã Cẩm Hưng) là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên.

Ngày 1/8/1930, ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc đã được Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên tuyên truyền sâu rộng và chuẩn bị cho một cuộc mít tinh lớn. Ngày 7/9/1930, lực lượng biểu tình đã tập kết ở Gia Dù (xã Cẩm Thành). Ngày 8/9/1930, đông đảo quần chúng Nhân dân kết hợp với Nhân dân huyện Thạch Hà kéo ra thị xã Hà Tĩnh bao vây Tòa chánh sứ đòi yêu sách.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Liễn, quần chúng và lực lượng tự vệ mang băng cờ, khẩu hiệu uy nghiêm và hô vang: “Tinh thần 1/8 muôn năm - Phản đối đế quốc chiến tranh - Hòa bình thế giới muôn năm!”. Đoàn biểu tình cũng hô vang khẩu hiệu phản đối vụ tàn sát dã man của bọn đế quốc ở Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An)…

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Nơi thờ tự, trưng bày các tài liệu, hiện vật của người chiến sỹ cộng sản, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên đầu tiên, liệt sỹ Nguyễn Đình Liễn tại thôn Hưng Nam, xã Cẩm Hưng.

Đồng chí Nguyễn Đình Liễn cùng nhiều người đã bị bắt, nhưng cuộc đấu tranh vẫn kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đồng chí Nguyễn Đình Liễn bị bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh. Biết đồng chí Nguyễn Đình Liễn là Bí thư Huyện ủy, là người tổ chức cuộc biểu tình nên thực dân Pháp đã tra tấn dã man trong 4 tháng ròng.

Không khuất phục được ý chí và niềm tin vào thắng lợi cách mạng của đồng chí Nguyễn Đình Liễn, bọn chúng chuyển sang đánh vào gia đình, hòng uy hiếp tinh thần. Người cha già bị đánh chết, mẹ bị đánh gãy tay, song, điều này càng nung nấu ý chí căm thù bọn đế quốc phong kiến, một lòng một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cuối cùng bọn chúng chỉ căn cứ vào tội “cầm đầu cộng sản” để tịch thu toàn bộ tài sản của gia đình và xử tử hình đồng chí Nguyễn Đình Liễn.

Ngày 2/1/1931, thực dân Pháp xử bắn đồng chí Nguyễn Đình Liễn tại chợ Hội (thị trấn Cẩm Xuyên) trong ngày chợ phiên hòng uy hiếp tinh thần Nhân dân. Song, đồng chí vẫn hiên ngang vạch tội thực dân Pháp và bè lũ tay sai, kêu gọi Nhân dân đoàn kết chống kẻ thù xâm lược và khảng khái: “Cách mạng Việt Nam nhất định thắng. Tao chết nhưng Nhân dân Việt Nam vẫn còn, rồi đây sẽ vùng lên đánh đổ chúng mày!”.

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Ông Trần Đắc Trù (SN 1940, thôn Hồ Phượng) - con trai chiến sỹ cộng sản Trần Đắc Điền luôn tự hào về sự đóng góp, hy sinh của cha và các chiến sỹ cộng sản trong phong trào Xô vết Nghệ Tĩnh.

Phong trào cách mạng 1930-1931 ở Cẩm Xuyên diễn ra liên tục với nhiều hình thức nên bọn mật thám Pháp đã ráo riết truy lùng, bắt bớ, tra tấn, giam cầm nhiều cán bộ, đảng viên. Các đồng chí như: Nguyễn Huỳnh, Trần Đắc Điền, Trần Đào, Nguyễn Hữu Thái… bị chúng bắt và tra tấn dã man nhưng luôn giữ vững tinh thần chiến đấu, không hề để lộ bí mật của Đảng.

Sức sống mới trên xứ Cẩm

Những ngày tháng 9 lịch sử, về thăm Cẩm Xuyên, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp, nét thơ mộng với những con đường làng rợp bóng cây xanh. Trên những cánh đồng lúa chín vàng ươm, người nông dân đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch.

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Thị trấn Cẩm Xuyên hôm nay

Đến thăm xã Cẩm Hưng - vùng quê giàu truyền thống cách mạng, quê hương của chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đình Liễn, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, đường làng khang trang, trường học rộn ràng năm học mới. Là người con của quê hương Cẩm Hưng, ông Hà Huy Thắng (thôn Hưng Thắng) cho biết, các thế hệ người dân trong thôn luôn phát huy truyền thống cách mạng, cùng nhau thi đua lao động sản xuất, xây dựng NTM kiểu mẫu, lấy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng làm cơ sở, nền tảng để vun đắp tình đoàn kết, phát triển đi lên.

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Những con đường rộng rãi, sạch đẹp ở xã Cẩm Hưng.

Ông Nguyễn Đình Hoạt - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng chia sẻ: Truyền thống cách mạng của quê hương luôn là niềm tự hào và là hành trang quý giá đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân nơi đây. Trong công cuộc đổi mới ngày nay, người dân Cẩm Hưng luôn nỗ lực học hỏi, tiếp cận khoa học, công nghệ, làm giàu trên chính quê hương. Các hoạt động thương mại và dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của Nhân dân trên địa bàn. Toàn xã có 161 hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11,8 tỷ đồng…

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Nhân dân xã Yên Hòa luôn tích cực xây dựng vườn mẫu, phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Vườn mẫu của gia đình bà Nguyễn Thị Dẫn - thôn Yên Mỹ đạt vườn mẫu cấp tỉnh năm 2015).

Ngược theo quốc lộ 1A, chúng tôi trở về xã Yên Hòa, là quê hương của nhiều chiến sỹ cộng sản trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh như: đồng chí Nguyễn Huỳnh, Trần Đắc Điền, Trần Đào. Thắp nén hương trước bàn thờ ông nội là đồng chí Nguyễn Huỳnh - chiến sĩ cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Đắc Phong (thôn Minh Hòa) cho biết: “Sự hy sinh, dấn thân của ông tôi cùng với những đồng chí cộng sản khác trên quê hương Yên Hòa chính là niềm tự hào của gia đình. Từ đó, chúng tôi luôn nỗ lực góp sức người, sức của để cùng chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa vui mừng cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Nhân dân Yên Hòa đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới. Đường làng ngõ xóm, hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, một màu xanh no ấm đã hiện diện trên khắp các ngõ xóm. Tổng giá trị sản xuất, thu nhập 6 tháng đầu năm 2022 của xã đạt trên 201 tỷ đồng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; phong trào xây dựng NTM có nhiều chuyển biến, đời sống người dân ổn định và từng bước được nâng lên… Đó là những minh chứng cho thành quả phấn đấu, nỗ lực của xã Yên Hòa trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp.

Vang vọng tinh thần Xô viết trên những vùng quê xứ Cẩm

Người dân xã Cẩm Hưng tích cực trong phong trào xây dựng NTM.

Cùng với xã Yên Hòa, Cẩm Hưng, các địa phương khác của huyện Cẩm Xuyên đang nỗ lực từng ngày, góp sức lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Về Cẩm Xuyên hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới từ tinh thần cách mạng thuở ấy vang vọng về. Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Xuyên đang vững bước trên con đường đổi mới và tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng miền, huy động các nguồn lực, đưa huyện nhà đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024.

* Bài viết sử dụng tư liệu của cuốn Lịch sử Đảng bộ Cẩm Xuyên (tập 1) và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).