Doanh nghiệp vẫn mong muốn những hỗ trợ tín dụng mới tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp
Doanh nghiệp cần vốn, giảm lãi vay…
Cơ sở kinh doanh Karaoke Kingdom, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh chỉ mới mở lại hoạt động kể từ ngày 10/6, sau 3 tháng đóng cửa do dịch bệnh Covid-19 hồi đầu năm nay. Doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu giữ ổn định, đủ nguồn vốn quay vòng để trả nợ cho ngân hàng.
Cơ sở kinh doanh Karaoke Kingdom vừa mới trở lại hoạt động từ 10/6
Bà Nguyễn Thị Lài, chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi đã được ACB Hà Tĩnh gia hạn thời gian trả lãi trong 3 tháng và 5 tháng đối với thời gian trả gốc cho khoản vay trung và dài hạn 3,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh nhiều khó khăn do dịch bệnh quay trở lại thì điều chúng tôi cần là được giảm lãi suất cho món vay hiện tại”.
Vấn đề cơ sở kinh doanh Karaoke Kingdom gặp phải là doanh thu giảm hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước và tiếp tục nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt dịch lần này. Bởi vậy mà khả năng đáp ứng mức lãi suất hiện tại là hơi “nặng gánh”.
Nhà máy TL FOOD- HTX Tân Tiến Phát vẫn “khát” vốn để tái đầu tư
Ở lĩnh vực sản xuất, Nhà máy TL FOOD- HTX Tân Tiến Phát (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) cần số vốn khá lớn để chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng thị trường từ nay đến tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn vốn tự có của HTX không thể đáp ứng, trong khi ngân hàng lại từ chối cho vay thêm.
Bà Nguyễn Thị Thạch - Giám đốc HTX cho biết: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn được ngân hàng cấp thêm hạn mức 5 tỷ đồng để làm vốn tái đầu tư nhưng vẫn chưa được chấp thuận”.
Theo một số DN, những động thái của ngân hàng khi thực hiện giãn thời gian trả lãi, gốc trong đại dịch là rất tốt, song chỉ mới có tác dụng giảm chút áp lực trả nợ cho khách hàng. Còn về thực chất, lãi suất điều chỉnh giảm vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến, nhiều DN dù nằm trong nhóm bị ảnh hưởng vẫn chưa được ngân hàng thực hiện giảm lãi, nhất là vay trung, dài hạn; việc tiếp cận vốn mới cũng “vướng” điều kiện đảm bảo…
“Khoanh vùng” để hỗ trợ doanh nghiệp sát hơn
Theo thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh (NHNN), từ thời điểm 23/1/2020 đến đến đầu tháng 8/2020, các chi nhánh ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 521 khách hàng với dư nợ hơn 497 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 221 khách hàng với dư nợ 256,7 tỷ đồng; hạ lãi suất từ 0,05% - 3,2%/năm đối với gần 9.539 tỷ đồng dư nợ hiện hữu của 4.693 khách hàng (số tiền lãi được hạ là 13,83 tỷ đồng).
Hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn tín dụng
Động thái này cho thấy, NHNN và các ngân hàng thương mại cũng có những chủ động nhất định trong việc thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Mới nhất, NHNN Hà Tĩnh yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục mở rộng tín dụng; tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Tuy nhiên, kinh doanh an toàn là điều cả doanh nghiệp và ngân hàng cần phải đảm bảo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nền kinh tế cả nước và thế giới bị giảm sâu như hiện nay. Ngân hàng không ngần ngại khi lựa chọn phương án đầu tư vào các lĩnh vực ít rủi ro, doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt hoặc giữ quan điểm không thể hạ chuẩn tín dụng.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Hiệp hội đã thông tin các cơ chế chính sách mới về hỗ trợ lãi suất, chính sách liên quan đến tín dụng, tài khóa để hội viên tiếp cận và thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới. Về mặt doanh nghiệp, chúng tôi vẫn mong muốn NHNN tiếp tục thực hiện chính sách giãn nợ, giảm lãi. Đặc biệt, cần “khoanh vùng” từng lĩnh vực, từng ngành nghề và mức ảnh hưởng cụ thể để có thể áp dụng các gói hỗ trợ tín dụng phù hợp, tạo sự chuyển biến rõ hơn về hỗ trợ kinh tế cho DN”.
Nói cách khác, các chính sách hỗ trợ cũng cần được “cập nhật” phù hợp với diễn biến dịch bệnh mới. Xác định lại đối tượng khách hàng, lĩnh vực ưu tiên cần hỗ trợ; đánh giá tổng thể doanh thu, khả năng chi trả, kế hoạch kinh doanh bền vững... để đầu tư vốn thay vì “áp” một cách quá cứng nhắc các “chuẩn” điều kiện vay vốn, nhằm tạo cho DN dễ tiếp cận và vượt qua đại dịch một cách vững vàng.