Cầu Cửa Nhượng nằm trên tuyến đường ven biển, nối hai xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Các tuyến đê, kè, bãi đá gần cây cầu này thành nơi trú ngụ của hàu. Người dân địa phương thường tận dụng khi nước thủy triều rút thì mang dụng cụ đến đây khai thác “lộc trời”.
Tại khu vực chân cầu Cửa Nhượng, người đi đục hàu chủ yếu là phụ nữ bởi công việc đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo. Nghề đục hàu phụ thuộc hoàn toàn vào con nước. Những lúc thủy triều xuống cũng là thời điểm người dân bắt đầu với công việc của mình.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Tâm (trú thôn Hữu Dương, xã Cẩm Nhượng) vẫn miệt mài với công việc đục hàu bãi đá đã gắn bó với mình từ thời con gái.
“Làm nghề này vất vả lắm. Để đục được hàu, tôi phải leo lên những mỏm đá nhọn hoắt, trơn trượt, hoặc lội xuống vùng nước sâu phía dưới chân cầu. Giờ tuổi già sức yếu, đục hàu bị búa đập vào tay, đá nhọn, vỏ hàu cứa chảy máu là chuyện xảy ra thường ngày”, bà Tâm cười nói.
Đục hàu đòi hỏi phải chịu khó và tỉ mỉ bởi hàu rất giống đá, rất khó phân biệt. Có những con bám chặt vào thành đá, phải đục mạnh nhiều lần mới lấy được.
Chị Nguyễn Thị Hợi (trú thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng) vui vẻ khoe rổ hàu đầy ắp là chiến lợi phẩm sau một buổi sáng miệt mài làm việc. Chị Hợi kể mỗi ngày đục hàu tại bãi đá dưới chân cầu Cửa Nhượng từ 3-4 tiếng đồng hồ, thu về khoảng 2-3 kg ruột hàu, bán được trên 200 nghìn đồng.
“Làm nghề này tuy vất vả nhưng mỗi khi nhìn lại thành quả của mình chị lại cảm thấy ấm lòng. Chiếc làn đầy ắp hàu không chỉ là niềm vui của chị mà đó là niềm vui của cả gia đình”, chị Hợi nói.
Một phụ nữ khác cũng hân hoan khoe thành quả sau một ngày vất vả mưu sinh.
Hàu sau khi được lấy ra từ vách đá sẽ được tách vỏ để lấy ruột
Ruột hàu được ưa chuộng và tiêu thụ rất nhanh bởi nhiều nhà hàng hải sản, khách sạn, quán ăn trên địa bàn. Món hải sản nhiều dinh dưỡng này có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như hàu nướng mỡ hành, súp hàu, cháo hàu, hàu xào giá đỗ…