Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng
Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Lễ tế dân gian Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Đại Hùng (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh). Video: Giang Nam

Cây có cội, sông có nguồn, chim có tổ, từ hàng ngàn đời nay, cháu con nối nghiệp ông cha dựng xây đất nước đều tin tưởng, hướng lòng về cội nguồn nòi giống Rồng Tiên. Huyền sử bọc trăm trứng được sinh từ mẹ Âu Cơ - cha Lạc Long Quân, cha đưa 50 con lên rừng, mẹ đưa 50 con xuống biển trở thành niềm tin thiêng liêng về nòi giống, về nguồn cội phát sinh dân tộc Việt Nam.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Minh họa từ Internet.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ của người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy… Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban đức huệ để vỗ về muôn dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến, con cháu nối đời đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời” (1).

Quốc Tổ là vị tổ của cả Nhân dân, đất nước. Vua Hùng dựng nước Văn Lang, từ ngọn núi Nghĩa Lĩnh, từ mảnh đất Phong Châu mà tạo nên cơ nghiệp cho muôn đời. Những người con đất Việt hôm nay là thế hệ ngàn đời của những người “cùng chung một bọc”, cũng bởi vậy mà hai tiếng: “đồng bào” trở nên thiêng liêng, tự hào và cao quý.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Hằng năm, như đã hẹn ước với lòng mình, đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, “dù ai đi ngược về xuôi” đều hướng về đại lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ những vị vua khai quốc mở cõi. Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua hàng ngàn năm đấu tranh với thiên tai, giặc giã, qua bao cuộc thế biến đổi, niềm tin son sắt, lòng thành kính, nhớ ơn Quốc Tổ và các vị tiên hiền, tiên liệt vẫn vững bền trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Nghi lễ rước kiệu Đền Hùng (TP Việt Trì, Phú Thọ) tái hiện lại các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân vùng đất Tổ gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; khơi dậy niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Ảnh: Baophutho.vn

Các lớp sóng thời gian càng bồi đắp thêm những giá trị to lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hiện nay, trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, từ Nam tới Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, chính quyền và Nhân dân đều góp sức xây dựng, tôn tạo các địa điểm thờ cúng Hùng Vương. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương, riêng tỉnh Phú Thọ có tới 326 di tích, TP Hồ Chí Minh có 11 di tích. Trải dài theo đất nước, nơi nào có người Việt sinh sống là có thờ Quốc Tổ, trong đó có Hà Tĩnh. Lòng tự hào, biết ơn tổ tiên được chuyển hóa thành niềm tin, trách nhiệm phải chăm lo xây dựng, bảo vệ cơ đồ mà cha ông để lại.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Đền Hạ - quần thể Di tích Đền Hùng (TP Việt Trì, Phú Thọ) tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, tạo nên giòng dõi con Rồng cháu Tiên; hai tiếng đồng bào thiêng liêng cũng bắt nguồn từ đây. Ảnh: Baophutho.vn

Suốt hơn 4.000 năm, dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy mạnh mẽ trong huyết quản mỗi người dân nước Việt, trở thành sức mạnh to lớn gắn kết hàng chục triệu người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng dựng xây đất nước mạnh giàu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và cao quý. Từ thuở khai sơn phá thạch, “mang gươm đi mở cõi” lấn biển lập làng, đấu tranh với thú dữ, với giặc ngoại xâm, với thiên tai, các thế hệ cha ông đã đem mồ hôi, công sức xây dựng đất nước, đem máu xương để bảo vệ Tổ quốc. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi).

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) hằng năm được tổ chức trang trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ảnh tư liệu

Yêu nước đồng nghĩa với yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Yêu nước, đứa trẻ ba tuổi Thánh Gióng bỗng lớn lên thành dũng sĩ nhổ tre đánh đuổi giặc xâm lăng. Yêu nước “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, các cụ già đồng tâm quyết chí đánh giặc tại Hội nghị Diên Hồng thế kỷ XIII. Thế kỷ XX, lòng yêu nước thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Làng Sen bôn ba tìm đường cứu nước: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên). Người đã nhận ra chân lý của thời đại: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (2). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người khởi xướng thành lập, với lòng yêu nước nồng nàn, ngày 19/8/1945, toàn thể Nhân dân đã vùng dậy đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Ngày 19/9/1954, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “… Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”. Ảnh tư liệu

Ghi nhớ sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, tiếp nối truyền thống của cha ông, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân Việt Nam đã không tiếc xương máu, của cải, sẵn sàng chịu mất mát hy sinh để giành lại giang sơn gấm vóc, cơ đồ của tổ tiên để lại, làm cho hai tiếng “Việt Nam” ngời sáng trên bản đồ năm châu. Hàng triệu người đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm).

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Lễ tế dân gian Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng được cán bộ và Nhân dân trên toàn tỉnh tổ chức trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính, tri ân công lao của Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Ảnh: Giang Nam

Công cuộc đổi mới đất nước hôm nay đang cần bàn tay, khối óc của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Trái tim của gần 100 triệu người dân đang cùng nhịp đập với trái tim lớn: Tổ quốc. Tổ quốc hùng vĩ, tươi đẹp, vững bền. Tổ quốc là đất nước mà tổ tiên bao đời để lại rộng lớn bao la, là hiện hữu góc phố, con đường, ngôi nhà, là ông bà, mẹ cha, là những người thân thương xung quanh ta, là cộng đồng ta đang sống… “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” như lời Bác dạy, mỗi người phải có trách nhiệm làm giàu, làm đẹp cho đất nước, quê hương, gắn bó, sẻ chia với đồng bào, làm cho màu cờ sắc áo Tổ quốc ngời sáng, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Trong đại dịch COVID-19, nghĩa đồng bào sâu nặng đã được Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh cụ thể hóa bằng việc tổ chức các chuyến tàu, chuyến bay đón công dân từ các tỉnh, thành phía Nam hồi hương. Ảnh: Đình Nhất

Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc từng khiến hàng triệu người lên đường đi cứu nước thì nay tiếng gọi ấy đã thúc giục đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung sức trong “cuộc chiến” phòng chống dịch COVID-19”, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống bình yên của Nhân dân, phục hồi kinh tế đất nước.

Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng

Lễ vật bánh chưng dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương. Ảnh: Giang Nam

“Khi chúng ta cầm tay mọi người/ Đất nước vẹn tròn, to lớn” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Tổ quốc là đất nước, là tổ tiên, cội nguồn linh thiêng. Hướng về ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, thêm một lần, chúng ta cầm chặt tay nhau. Thêm một lần tự hào, tin yêu về nguồn cội và cũng thêm một lần nhắc nhở trách nhiệm của mình với Tổ quốc, quê hương.

ảnh: pv - ctv

thiết kế: huy tùng

1. Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1), NXB Khoa học xã hội, 1998, tr. 118. (quyển Thủ - Việt giám thông khảo tổng luận)

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 562.

Chủ đề GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast