

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ nối hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam. Khi quốc lộ 1A bị địch “băm nát”, tuyến đường 15A trở thành huyết mạch cho xe ta đưa lực lượng, đạn dược, lương thực ra chiến trường. Lúc đó, xã Hương Trạch (Hương Khê) - điểm cuối của tuyến đường 15A trên địa phận Hà Tĩnh - trở thành nơi địch ra sức bắn phá ác liệt. Có thể nói, sau Ngã ba Đồng Lộc thì Hương Trạch với các điểm chốt như: ngầm La Khê, cầu Cháy, cầu Khe Mơ, lèn Phú Lễ... là những nơi hứng chịu bom đạn kẻ thù tàn khốc nhất. Trong khoảng thời gian 8 năm, trên mảnh đất hẹp giữa 2 dãy núi ấy đã trở thành túi bom của đế quốc Mỹ. Trong đó, chuyện quân và dân Hương Trạch từng nhiều lần bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái là chiến tích lẫy lừng, được kể lại đầy tự hào.

Bà Nguyễn Thị Bình (SN 1946) - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch (giai đoạn 1973-1975) bồi hồi nhớ lại những năm tháng đạn bom nhưng rất đỗi hào hùng: “Thời điểm ấy, mỗi ngày từ sáng đến tối, máy bay Mỹ không ngừng gầm rít trên bầu trời Hương Trạch. Máy bay ném bom bay thành đoàn, chúng điên cuồng trút bom từ đầu đến cuối xã. Cả làng đổ nát, cây cối trơ trọi, người dân phải sơ tán lên núi, canh tác ở các cánh đồng ven chân núi. Riêng lực lượng dân quân tự vệ, các đơn vị vũ trang… vẫn bám trận địa. Bấy giờ, tôi là Phó Bí thư (sau là Bí thư Đoàn xã) kiêm Phó Đội trưởng Đội Dân quân tự vệ của xã. Chúng tôi cùng với các lực lượng vừa trực chiến, vừa làm công tác cứu trợ thương binh, phá bom làm đường… Với nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt, đánh lùi quân địch, mỗi khi máy bay địch xuất hiện, tất cả súng, pháo đều chĩa lên bầu trời…”.

Từ năm 1965-1972, quân và dân xã Hương Trạch đã phối hợp 4 lần bắn rơi máy bay Mỹ, bắt được 7 tên giặc lái. Trong đó, tiêu biểu là dân quân Hương Trạch phối hợp Trung đoàn Phòng không 230 và dân quân các xã lân cận bắn rơi máy bay phản lực F4 của địch vào ngày 20/9/1965. Sau khi máy bay rơi, địch cử 1 đội đến cứu viện phi công nhảy dù, dân quân xã đã phối hợp với dân quân Nông trường 20/4 tổ chức vây ráp, bắt sống được tên phi công và đồng bọn gồm 6 người. Ngày 18/10/1965, dân quân xã Hương Trạch cùng các đơn vị pháo cao xạ, súng 12 ly 7 phối hợp tiếp tục bắn hạ 1 chiếc F4 của địch, đồng thời bắt sống được 1 tên giặc lái. Tiếp đó, ngày 13/10/1970, quân dân xã Hương Trạch và Hương Phúc phối hợp với bộ đội cao xạ Trung đoàn 250 bắn rơi 1 máy bay F4 tại khu vực La Khê, 2 tên giặc lái thiệt mạng...
Là người trực tiếp tham gia trận “tổng hỏa lực” của quân ta tiêu diệt máy bay địch, đồng thời truy bắt tên giặc lái trong sáng 18/10/1965, bà Nguyễn Thị Bình kể: “Hôm đó vào khoảng hơn 9h sáng, máy bay Mỹ lại ồ ạt tới trút bom. Ta chống trả bằng một trận hỏa lực dữ dội, các đội pháo cao xạ, súng 12 ly 7 của các trung đoàn bộ đội và súng trường của dân quân ào ào nhả đạn lên bầu trời. Lúc loạt bom cuối cùng nổ long trời trên các tuyến đường cũng là lúc một chiếc F4 của địch trúng đạn bốc cháy. Chiếc máy bay kéo theo một luồng khói đen như cố gắng vùng vẫy, bay lên rồi lao xuống, chúng tôi kịp nhìn thấy tên phi công nhảy ra khỏi máy bay, chiếc dù xòe lên rơi xuống phía dòng sông Ngàn Sâu đoạn khu vực Cồn Ngựa… Phát hiện phi công nhảy dù, không ai bảo ai, từ các lực lượng đến người dân truy lùng bắt sống…”.

Lúc máy bay địch bị cháy và rơi xuống, dưới sự chỉ đạo của ông Cao Viết Danh - Xã đội trưởng Hương Trạch, bà Bình cùng lực lượng dân quân và người dân tiến hành truy bắt tên giặc lái. Mọi người chia thành từng tốp bao vây khu vực Cồn Ngựa, soát từng hốc đá, bụi cây.
“Thời điểm đó, khu vực Cồn Ngựa chỉ trơ lại bãi đá lổn nhổn và vài bụi cây thấp. Tốp của tôi gồm mấy chị em trong đội dân quân đã rà từng hốc đá, bụi cây để tìm. Cách đó không xa có đội do anh Cao Viết Danh dẫn đầu. Chúng tôi gần như tay không nhưng không ai sợ sệt. Khi tất cả đang mông lung thì tôi phát hiện có động đậy bên bụi cây. Tôi nghi ngờ rồi tiến lại, phát hiện tên phi công ngồi phía sau bờ và gọi lớn: “Hắn đây rồi, anh em ơi”. Ông Cao Viết Danh và mọi người ùa lại, tên phi công sợ hãi xanh mặt, không dám phản ứng gì. Tuy nhiên, chúng tôi không đánh đập mà bắt sống giải về trụ sở” - bà Nguyễn Thị Bình kể.
Theo chỉ đạo của cấp trên, ta phải bảo vệ tên phi công để đàm phán với địch. Tuy nhiên, trước sự căm thù của Nhân dân, sự truy lùng của kẻ địch và bọn phản động, việc bảo vệ rất khó khăn. Theo lời kể của các nhân chứng, sau khi bắt được giặc lái, do không biết cách hủy máy liên lạc của tên phi công nên ông Cao Viết Danh đã chôn nó xuống cạnh bờ sông. Máy vẫn hoạt động, vì thế địch ráo riết dùng nhiều chiếc máy bay đủ loại quần thảo gần 2 ngày trời ven khu vực Cồn Ngựa để cứu đồng đội, cho đến khi mất tín hiệu chúng mới rời đi. Cũng vì vậy, trong 2 ngày đó chúng ngừng ném bom xuống địa bàn.

Ông Trần Xuân Bính (SN 1936) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Phúc cũ (1966-1971) và Hương Trạch (1975-1988) kể: “Thời điểm đó, tôi là Phó Bí thư trực Đảng xã Hương Phúc. Để bảo vệ tên giặc lái, xã Hương Phúc được giao canh giữ hắn. Tuy vậy, tin tức nhanh chóng lọt ra ngoài, bà con kéo đến chật cả sân nơi giữ tên giặc lái, mọi người đều đòi trả thù, nhất là những gia đình có người hy sinh hoặc chết vì bom đạn. Tôi phải đứng ra làm công tác tư tưởng, phân tích cho bà con về lợi ích của việc bảo vệ tên phi công này như thế nào bà con mới chịu. Dù vậy, chúng tôi cũng cảnh giác đề phòng, bảo vệ nghiêm ngặt, chủ yếu là tránh bọn phản động bắt đi. Tên giặc lái bị giữ lại ở Hương Phúc hơn 1 ngày thì được giao cho Huyện đội Hương Khê, sau đó được bàn giao cho Quân khu 4”.
Sau các vụ bắn rơi máy bay địch và bắt sống giặc lái cùng nhiều chiến công, tháng 6/1969, xã Hương Trạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên (cùng với Kỳ Phương, TX Kỳ Anh) của Hà Tĩnh nhận được vinh dự này. Tháng 12/1971, Hương Trạch (cũ) sáp nhập với Hương Phúc (cũ) thành xã Hương Trạch như ngày nay.
Tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha trong kháng chiến chống Mỹ, trong công cuộc tái thiết sau chiến tranh và xây dựng phát triển đất nước trong thời bình, 50 năm qua (1975-2025), Đảng bộ và Nhân dân Hương Trạch không ngừng phấn đấu, đạt nhiều thành tựu. Trong đó, địa phương trở thành một trong những đơn vị đi đầu của huyện Hương Khê và cả tỉnh trong phong trào xây dựng NTM.

Ông Cao Song Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch bày tỏ: “Hương Trạch đã về đích xã NTM nâng cao, có 13/13 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó có thôn Phú Lễ đạt khu dân cư thông minh; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 60,55 triệu đồng. Xã đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí NTM kiểu mẫu… Đó chính là sự kế thừa những thành quả cách mạng, khơi dậy đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”.