Băng mình trên tuyến lửa
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược, huyết mạch giao thông chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đặc biệt, từ năm 1965-1972, Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. Trong khói lửa chiến tranh, quân và dân Hà Tĩnh vẫn kiên cường bám trụ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Những hình ảnh đó đã được khắc ghi sinh động qua ống kính của những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” - các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA).

Trong những ngày tháng Tư này, tôi tiếp xúc với rất nhiều tư liệu lịch sử, cùng với ngồn ngộn số liệu là những bức ảnh đầy cảm xúc của các nhiếp ảnh gia chiến trường. Trong đó, tại Hà Tĩnh, nhiều nhất là các tác phẩm của tác giả Từ Tiện - những bức ảnh không chỉ chứa đựng nhiều thông tin về nhân vật mà còn ẩn chứa bao câu chuyện tác nghiệp của tác giả.
Nhà báo Từ Thành, con trai của cố NSNA Từ Tiện cho tôi xem lại những bức ảnh quý giá mà bố anh đã ghi lại khoảnh khắc quân và dân Hà Tĩnh chiến đấu trong bom đạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những bức ảnh như: “Để mẹ đi đánh Mỹ”, “Tiểu đội nữ Kỳ Phương - đơn vị anh hùng”, “Đơn vị 10 cô gái Đồng Lộc”, “Anh hùng La Thị Tám trên đài quan sát “đếm từng loạt bom rơi” ở Ngã ba Đồng Lộc”, “Tấm lòng người Việt Nam”, “Sau giờ trực chiến”… giúp thế hệ trẻ như tôi hình dung thật rõ về thời kỳ kháng chiến oanh liệt của cha ông.


Nhà báo Từ Thành cho biết: “Bố tôi sinh năm 1942 tại Thái Lan, quê gốc ở xã Thạch Kênh (Thạch Hà) trong gia đình cách mạng. Lớn lên ở Thái Lan, ông được đào tạo về nhiếp ảnh từ sớm. Năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, ông trở về nước, làm việc tại Ty Văn hóa Hà Tĩnh, sau đó được đào tạo tại Trường Tuyên huấn Trung ương. Ra trường, ông mang theo chiếc máy ảnh EXA.Ia và Zenit cũ kỹ, băng rừng vượt núi, ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu từ Truông Bồn, Bến Thủy (Nghệ An) đến Ngã ba Đồng Lộc, dọc Trường Sơn huyền thoại…”.

Trong số hàng trăm tác phẩm của NSNA Từ Tiện, có rất nhiều tác phẩm nổi bật để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng cả nước và quốc tế. Tiêu biểu như: bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” chụp ngày 19/5/1972 tại Thạch Trung (TP Hà Tĩnh), ghi lại hình ảnh cô y tá dân quân Trần Thị Sâm băng bó cho phi công Mỹ Obrinicol - kẻ vừa trút bom xuống quê hương; tác phẩm “Để mẹ đi đánh Mỹ” ghi lại hình ảnh người phụ nữ khoác súng, trao con cho hàng xóm để ra trận, đã khắc họa sống động sự hy sinh cao cả của người mẹ Hà Tĩnh... Những bức ảnh không chỉ là tư liệu quý giá mà còn là biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cùng với NSNA Từ Tiện, nghệ sĩ Phan Thoan (SN 1924, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng bằng những bức ảnh giàu cảm xúc, phản ánh chân thực đời sống chiến tranh. Nổi bật nhất là bức “O du kích nhỏ”, ghi lại hình ảnh cô du kích Nguyễn Thị Kim Lai áp giải tên phi công Mỹ cao lớn sau trận oanh tạc vào tuyến đường 15A qua xã Hương Trà, Hương Khê (21/9/1965).
Đại úy Lê Văn Kiệm - nguyên cán bộ Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Bình Hà kể lại: “Là NSNA, ông Phan Thoan lăn xả không kém gì chiến sỹ. Có những trận, ông nằm hầm phục suốt cả tuần để chờ ghi được một bức ảnh giá trị. Với bức “O du kích nhỏ’, ông theo chân bộ đội vào tận rừng sâu, thuyết phục tên phi công hợp tác để thực hiện bức hình giữa chiến địa”.

Trong những năm tháng bom đạn, dù điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thiết bị lạc hậu, nhưng các NSNA Hà Tĩnh vẫn không quản hiểm nguy, luôn có mặt ở những điểm nóng để “chớp” lấy từng khoảnh khắc vàng. Những bức ảnh ấy không chỉ ghi lại lịch sử mà còn góp phần xây dựng nền móng cho nhiếp ảnh Hà Tĩnh phát triển trong giai đoạn sau này.
“Vẽ” dáng hình mới của quê hương
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiếp ảnh Hà Tĩnh bước vào giai đoạn đầy thách thức: đội ngũ ít ỏi, điều kiện kỹ thuật thiếu thốn, tuy nhiên, vượt lên khó khăn, các NSNA Hà Tĩnh đã nỗ lực cống hiến, bám sát thực tiễn phản ánh sâu sắc những sự thay đổi, phát triển của quê hương từng ngày.

Được ví như người kể chuyện quê hương thời kỳ mới, trong ngôi nhà của NSNA Sỹ Ngọ trên đường Phan Đình Giót (TP Hà Tĩnh) còn lưu giữ nhiều ký ức. Đó là hình ảnh một thị xã trung tâm hành chính của tỉnh với những dãy phố, con đường xập xệ đổ nát sau chiến tranh, là núi Nài lơ thơ những vạt cỏ giữa cánh đồng hoang, hay bến đò Hộ Độ với những chuyến đò ngang đông đúc trong chiếc thuyền nhỏ… Cùng những hình ảnh ấy là không khí rực rỡ cờ hoa những ngày đầu tái lập tỉnh (1991), những góc phố, con đường, chiếc cầu dần được xây dựng khang trang; là những hình ảnh về khu công nghiệp Vũng Áng đang vươn mình trong nắng sớm… Ẩn sau những khung hình ấy là tâm huyết, trách nhiệm, đam mê của người nghệ sĩ.

Sinh năm 1937 tại Thanh Hóa, từng là chiến sĩ và cán bộ tuyên huấn Quân khu 4, ông Ngọ bén duyên với nhiếp ảnh từ chiến trường. Năm 1977, sau khi ra quân, ông mở hiệu ảnh và bắt đầu hành trình ghi lại đời sống Hà Tĩnh thời hậu chiến. Tác phẩm của ông đạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh toàn quốc, như: “Vàng đen” (giải nhì Hội Liên hiệp VHNT toàn quốc, 1995), “Thợ trẻ” (giải khuyến khích Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung, 1995), “Trên công trường mỏ sắt Thạch Khê” (HCB Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc miền Trung năm 2009), “Cảng Vũng Áng về đêm” (giải B, VHNT Nguyễn Du, năm 2002)...
NSNA Sỹ Ngọ kể: “Để có những bức ảnh như “Cảng Vũng Áng về đêm” ghi lại những ngày đầu cảng đi vào hoạt động, tôi đã “phục” 15 ngày, đêm tại TX Kỳ Anh để chờ khoảnh khắc những chiếc tàu cập bến; hay trong những trận lũ lớn, tôi và đồng nghiệp dầm mưa, lội nước đến những vùng nguy hiểm để ghi lại hình ảnh khốc liệt nhất của thiên tai...”.

Cùng với NSNA Sỹ Ngọ, giai đoạn từ năm 1975 đến nay, đã có hàng chục NSNA Hà Tĩnh miệt mài sáng tạo, phản ánh sinh động đời sống lao động, sản xuất, vẻ đẹp con người và cảnh quan quê hương. Nổi bật có các tác giả: Nguyễn Sỹ Châu, Trần Hướng, Trần Hữu Vơn, Nguyễn Đình Thông, Lê Anh Thi, Đậu Thanh Bình, Đậu Hà, Nguyễn Thanh Hải… Mỗi người một góc nhìn, một cách kể nhưng cùng chung khát vọng ghi lại một Hà Tĩnh đang chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, vào những thời điểm cam go, tiêu biểu như trong trận lũ lịch sử cuối năm 2010, nhiều nghệ sĩ đã không quản hiểm nguy, kịp thời ghi lại hình ảnh xúc động tại các vùng lũ Hương Khê, Vũ Quang, Nghi Xuân... Những bức ảnh ấy vừa là tư liệu quý giá, vừa truyền cảm xúc mạnh mẽ, kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng.

Không dừng lại ở tỉnh nhà, nhiều tay máy Hà Tĩnh đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước để tìm cảm hứng sáng tác, có nhiều tác phẩm đạt giải tại các kỳ liên hoan khu vực Bắc Trung Bộ, các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế…
Bên cạnh giải thưởng, nhiếp ảnh Hà Tĩnh còn thể hiện vai trò nòng cốt trong việc tổ chức nhiều hoạt động nghề nghiệp quan trọng. Trong hơn 3 thập kỷ từ năm 1991 đến nay, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức 10 cuộc thi, 9 triển lãm ảnh gây tiếng vang như: “Hà Tĩnh - 180 năm những chặng đường lịch sử” (2011), “Khoảnh khắc Đồng Lộc” (2018), “Biển đảo quê hương” (2019), “65 năm làm theo lời Bác” (2022)...


NSNA Trần Hướng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh bày tỏ: “Chúng tôi tự hào là những người đang “chép sử” quê hương bằng hình ảnh. Kế tục tinh thần của thế hệ đi trước, đội ngũ nhiếp ảnh Hà Tĩnh hôm nay không ngừng rèn luyện chuyên môn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, ý thức rõ vai trò của một công dân - nghệ sĩ. Mỗi khuôn hình là một lát cắt chân thực phản ánh hành trình phát triển của tỉnh nhà, góp phần lan tỏa hình ảnh một Hà Tĩnh đổi thay từng ngày - thân thiện, hiếu khách và đầy khát vọng bước vào kỷ nguyên mới”.