Vị tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Ngu Xá xưa

(Baohatinh.vn) - Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy (1862-1908) là người khai khoa, đỗ tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Ngu Xá xưa, nay là xã Thạch Hội, thuộc TP Hà Tĩnh.

Nguyễn Đức Huy xuất thân trong một gia đình bần nông ở xã Ngu Xá, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Hội, TP Hà Tĩnh. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ trí thông minh, ham học hơn người. Thấy con hay chữ nên cha mẹ đã đem gửi đến học tại nhà một thầy đồ ở huyện Can Lộc. Người mẹ thương con, khăn gói đi theo, làm thuê làm mướn nuôi con ăn học. Hằng ngày, ngoài giờ học, ông thường cùng mẹ lên rừng đốn củi, đốt than, lấy củ nu về bán cho phường nhuộm, đêm về tranh thủ ôn bài, không có đèn dầu thì bắt đom đóm làm ánh sáng. Năm 22 tuổi, Nguyễn Đức Huy thi đỗ tú tài, kể từ đó dân làng thường gọi ông là ông Tú Nu.

bqbht_br_x1.jpg
Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy ở thôn Thai Yên, xã Thạch Hội (TP Hà Tĩnh).

Sau khi đỗ tú tài, Nguyễn Đức Huy về lại quê làng Ngu Xá, vừa làm vừa học. Trong quá trình dùi mài kinh sử, ông được bạn bè giúp đỡ, tìm cho công việc làm thêm tại nhà ông Nguyễn Tiến Thộ, một gia đình giàu có ở huyện Kỳ Anh lúc bấy giờ. Mến tài học và đức độ của chàng trai nghèo, ông Thộ đã gả con gái thứ là bà Nguyễn Thị Vân cho ông.

Khoa thi Hương năm Tân Mão (1891), ông đỗ cử nhân. Khoa thi này, tại trường thi Nghệ An có tổng cộng 20 người thi đỗ, trong đó Hà Tĩnh có 3 người là Trần Vinh (Hương Sơn), Phạm Văn Lãng (Đức Thọ) và Nguyễn Đức Huy. Đến kỳ thi Hội năm Ất Mùi (1895), ông tiếp tục thi đỗ, được vào thi Đình, ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Sau khi thi đỗ tiến sĩ, ông được cử giữ chức Tri phủ Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), hàm Tòng tứ phẩm. Trong thời gian làm quan tại đây, ông đã tỏ rõ là một vị quan có tài năng, được triều đình ghi nhận.

bqbht_br_x6.jpg
Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên ghi chép: năm 1898, ở Quảng Bình “gạo đắt, cái ăn khó khăn, nhân dân nhiều người họp bọn làm cướp”. Triều đình cử Văn Minh điện đại học sĩ Nguyễn Thân tới trù hoạch cứu giúp. Cùng với sự giúp sức của quan lại địa phương, trong đó có Tri phủ Triệu Phong Nguyễn Đức Huy, tình hình được cải thiện, “đến cuối tháng ấy tình hình hơi yên, chuẩn cho quan tỉnh bàn bạc chẩn cấp”. Sau sự việc này, Nguyễn Đức Huy đã được khen ngợi: “Lại làm rõ việc thưởng phạt các phủ huyện (Tri phủ Triệu Phong Nguyễn Đức Huy khuyến quyên đắc lực xin thưởng hai cấp trác dị (1), Tri huyện Vĩnh Linh Trần Đức Tuy làm việc tầm thường xin triệt hồi...” (2).

Trong thời gian làm quan, Nguyễn Đức Huy đã nhìn thấu nỗi khổ người dân bị áp bức, lao dịch, sưu cao, thuế nặng. Ông thương cảm và đứng về phía Nhân dân, nhiều lần ngầm chống lại lệnh trên để bảo vệ dân nên trở thành cái gai trong mắt quan Pháp.

Năm Thành Thái 13 (1901), ở huyện Dương Hợp, tỉnh Quảng Trị có người bị tội, Nguyễn Đức Huy tra xét kết án, giảm tội chết cho phạm nhân. Tuy nhiên, phạm nhân này lại chết trên đường đi đày. Ông bị tố giác lên trên, vua giao Cơ Mật viện và Đô sát viện phúc tra, rồi đem kết quả tra được cho Tòa Khâm sứ kết án. Ông phải chịu phạt 100 trượng và đày 3.000 dặm, sau được phóng thích.

Trên Văn bia tại Văn miếu Huế (trước đây những người bị tội sẽ bị đục tên trên Văn bia) và gia phả dòng họ Nguyễn Đức ở xã Thạch Hội đều ghi rõ Nguyễn Đức Huy chỉ vì liên đới trách nhiệm (để phạm nhân bị chết) nên Tri phủ bị tội. Tư liệu của dòng họ cho biết thêm: Cụ Nguyễn Đức Huy vì thương dân, chống Pháp nên khi có phạm nhân bị chết trong nhà lao của phủ, chính quyền thực dân đã tìm cách đổ tội cho ông.

Sau khi được ân chuẩn phóng thích, Nguyễn Đức Huy trở về sinh sống tại quê vợ ở xã Tuần Tượng, nay là xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh. Ông “đã sống một cuộc đời thanh bạch, giáo dục con cái nên người. Trước khi mất, ông có dặn con cháu: mộ ông phải “ngụy táng” vì sợ bị thực dân Pháp trả thù” (3).

bqbht_br_x8.jpg
Hằng năm, vào ngày 28/11 (âm lịch), con cháu trong dòng họ tổ chức làm lễ giỗ Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy.

Ông Nguyễn Đức Huy có một người con trai tên Nguyễn Đức Mỹ, là thành viên tham gia cuộc họp ngày 4-5/6/1930 thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh, là một trong 7 Ủy viên Ban Chấp hành đầu tiên của Đảng bộ huyện Kỳ Anh. Nguyễn Đức Mỹ sau này bị bắt giam và hy sinh trong Nhà lao Vinh vào cuối năm 1930, được truy tặng liệt sỹ, được khắc bia và cùng phối thờ tại đền Phương Giai. Bà Nguyễn Thị Nhoan (vợ kế ông Nguyễn Đức Huy) được truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng năm 2015.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Huy còn có một người con trai là Nguyễn Đức Trạch, còn gọi là cậu Cả Trạch - một nghệ nhân dân ca ví, giặm, ca trù nổi tiếng trước đây, là bạn hát tương đắc với O Nhẫn ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh. Nguyễn Đức Trạch có tên trong Địa chí huyện Kỳ Anh.

Ghi nhận những công lao đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy, ngày 15/4/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 1985/QĐ-UBND xếp hạng Nhà thờ Nguyễn Đức Huy là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Có thể nói rằng, với Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy, dù cuộc đời có nhiều thăng trầm, biến cố nhưng ở ông vẫn toát lên nhân cách cao đẹp của một nhà nho, học hành tài giỏi, luôn đứng về phía Nhân dân, là tấm gương sáng để hậu thế noi theo.

-------------------------

(1) Trác dị: Trác (cao xa), dị (khác thường): Cao xa khác thường.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ phụ biên, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2012, tr 318.

(3) Văn miếu, Văn thánh Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh, 2004, tr.12.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.
Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Với điểm IELTS 8.0, “thần đồng tiếng Anh” Nguyễn Lê Bảo Chung (lớp 6A7, Trường Albert Einstein Hà Tĩnh) đã trở thành 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt số điểm này với kỹ năng Reading đạt tuyệt đối 8.0, Speaking 8.5, Listening 8.5 và Writing 7.0.
Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, Nhân dân thôn Đồng Yên ở xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng quê hương thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thanh bình, đáng sống.