Cựu lính giải phóng Hà Tĩnh nhớ về thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975

(Baohatinh.vn) - Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều cựu chiến binh Hà Tĩnh lại bồi hồi nhớ đến giờ phút hào hùng, cùng đoàn quân chiến thắng có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Đều là những cựu binh thuộc Sư đoàn 341, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975, ông Phan Trọng An (SN 1950) - nguyên cán bộ Trung đoàn 273, ở thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc (Thạch Hà) và ông Nguyễn Công Trung (SN 1954) - nguyên cán bộ Trung đoàn 266, ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) luôn tự hào và xúc động khi nhắc lại thời khắc lịch sử 50 năm trước.

154d5212600t9060l4-127d5094214t8200l10.jpg
Xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống ngụy vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

“Trưa ngày 30/4/1975 mãi mãi là ký ức không thể phai mờ trong tâm khảm tôi. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn, tiến về Dinh Độc Lập trong khí thế hết sức thần tốc, táo bạo và hào hùng. Cảm động nhất là hình ảnh đoàn quân đi giữa hai bên con phố đông nghẹt người dân với một rừng cờ đỏ sao vàng trên tay, ùa ra reo hò, vẫy chào... Tôi tự hỏi, làm thế nào mà người dân có thể chuẩn bị được nhiều cờ như thế, khi trước đó không lâu mảnh đất này vẫn còn nằm trong tay địch? Phải chăng, người dân Sài Gòn đã chờ đợi và có một niềm tin chắc thắng vào ngày 30/4 lịch sử?” - ông Phan Trọng An xúc động nhớ lại.

bqbht_br_a2-6116.jpg
Ông Phan Trọng An - nguyên cán bộ Trung đoàn 273, hiện ở thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc (Thạch Hà).

Ông Phan Trọng An sinh ra trong một gia đình có 6 người con ở thôn Yến Giang, bố ông là bộ đội chống Pháp. Tháng 12/1974, sau khi học xong lớp 10, ông lên đường nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại Đoàn 22 (Hương Sơn). Sau 1 tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Trung đội DKZ 82, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiếp tục huấn luyện.

Nhập ngũ cùng thời điểm và cùng tham gia huấn luyện tại Đoàn 22 nhưng khi vào Sư đoàn 341, ông Nguyễn Công Trung lại được biên chế vào Đại đội 18, Trung đoàn 266, với vai trò lính thông tin.

Tháng 2/1975, Sư đoàn 341 được lệnh hành quân thần tốc vào chiến trường B2 - Đông Nam Bộ. Sau gần 1 tháng hành quân, chiến đấu trên tuyến Đường 9, qua đất Lào, Tây Nguyên… vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, ông Phan Trọng An và ông Nguyễn Công Trung cùng Sư đoàn 341 tiến về Đông Nam Bộ. Tại đây, đoàn quân (lúc này thuộc Quân đoàn 4) đã thực hiện nhiều trận đánh thắng lợi, góp phần giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương)…

bqbht_br_a3-4425.jpg
Ông Phan Trọng An (thứ 3 từ phải sang) cùng đồng đội trong chuyến thăm chiến trường xưa. Ảnh chụp tại Quảng Bình dịp giữa tháng 4/2025.

Sau những chiến thắng giòn giã của quân ta, ngày 9/4/1975, Sư đoàn 341 được Bộ Chính trị lệnh mở đợt tấn công vào thị xã Xuân Lộc. Đây được xem là “yết hầu”, cánh cửa thép, cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn. Là đơn vị chủ lực đánh trận mở màn, Sư đoàn 341 đã dốc hết lực, quyết tâm giành quyền kiểm soát thị xã. Đúng 5h40’ ngày 9/4/1975, quân ta nổ súng tấn công. Pháo từ các trận địa của ta nhả đạn hướng tới các mục tiêu của địch, bầu trời thị xã rung chuyển. Tuy nhiên, Xuân Lộc là vị trí hiểm yếu của địch, do vậy, địch cố thủ, điên cuồng chống trả, lúc đó ta và địch cùng giành nhau từng đoạn chiến hào. Sau 12 ngày đêm kiên trì chiến đấu (9 - 21/4/1975), thị xã Xuân Lộc mới hoàn toàn được giải phóng. Ngay sau đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn chạy ra nước ngoài…

Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn - Gia Định. Ngày 26/4/1975, bộ phận tiền phương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển xuống Căm Xe, phía Bắc Dầu Tiếng. Sáng 27/4/1975, quân ta chia thành 5 hướng bao vây Sài Gòn, Quân đoàn 4 được lệnh tấn công vào Sài Gòn theo hướng Đông. Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị được lệnh nổ những phát súng đầu tiên vào Chi khu Trảng Bom (Biên Hòa) mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh.

bqbht_br_a4-6511.jpg
Ông Phan Trọng An ôn lại quá trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn cùng con cháu và bà con trong thôn.

“Khí thế của chúng tôi khi đánh vào Chi khu Trảng Bom mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh không thể diễn tả hết. Bởi trước hết đó là niềm tự hào chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu và ý chí, quyết tâm mong muốn đến tột cùng: kết thúc cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, đã tạo một động lực, sức mạnh, một khí thế hết sức ghê gớm, không thể nào cản nổi... Cùng với các lực lượng, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 273 chúng tôi nhanh chóng đánh chiếm thành công 7 trận địa pháo của địch và tiêu diệt các cụm bộ binh trên dọc phía Đông đường số 1. Tiếp đó, Tiểu đoàn 3 tiếp tục nhận lệnh đánh vào hướng trung tâm Chi khu Trảng Bom hỗ trợ các đơn vị khác… Sau 9 tiếng chiến đấu quyết liệt, 14h ngày 27/4/1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn Chi khu Trảng Bom…” - ông Phan Trọng An kể.

Trên đà thắng lợi, Quân đoàn 4 nói chung và Sư đoàn 341 nói riêng tiến đánh giải phóng Hố Nai, sân bay Biên Hòa. “Sáng sớm ngày 30/4, tôi và một số đồng chí thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 đang ở Hố Nai thì Tiểu đoàn trưởng Vũ Thang gọi lên bảo: “Lên xe tiến vào Sài Gòn”. Mọi người liền nhanh chóng nhảy lên xe tăng hành quân. Theo kế hoạch, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến về Dinh Độc Lộc cắm cờ giải phóng. Tuy nhiên, trên đường đi gặp phải một số cản trở từ sự cố thủ của tàn quân địch nên chậm hơn so với kế hoạch. Khi xe tăng của chúng tôi đến Dinh Độc Lập thì đồng đội đã cắm cờ trước đó chừng 30 phút. Dừng lại trước cổng dinh khoảng 15 phút, chúng tôi được lệnh diễu hành trên các trục đường chính của thành phố. Lúc đó, từ khắp các ngả đường, cờ đỏ sao vàng rợp trời, người dân đổ ra 2 bên tung hoa, vẫy tay chào đoàn quân chiến thắng” - ông An nhớ lại.

bqbht_br_a6.jpg
Cựu binh Nguyễn Công Trung - nguyên cán bộ Trung đoàn 266, Sư đoàn 341.

Cùng có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, ông Nguyễn Công Trung kể: “Khi chúng tôi vào đến Dinh Độc Lập thì đã 14h30’, nhưng không khí vẫn náo nhiệt, người dân thành phố vẫn ùn ùn kéo đến chào mừng chiến thắng. Chúng tôi - lúc ấy sau hàng chục ngày hành quân không nghỉ, áo quần màu tô châu đã bạc phếch vì bụi đất. Tuy vậy, không ai thấy mệt mỏi và đói, đều nhìn nhau cười như chưa bao giờ được cười, ôm nhau vỗ vai kêu lên: Giải phóng rồi, hòa bình rồi!…”.

Sau giải phóng, cả ông An và ông Trung đều cùng đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản. Tháng 9/1977, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Sư đoàn 341 được lệnh tham gia chiến dịch, 2 cựu binh đều theo đơn vị ra chiến trường. Trải qua nhiều trận đánh ở biên giới cho đến chiến trường Campuchia, giúp nước bạn đánh đuổi bè lũ quân diệt chủng Polpot, họ đều chiến đấu rất kiên cường và đều mang trên mình thương tích do súng đạn của kẻ thù...

Tháng 12/1980, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, Sư đoàn 341 rút về nước. Năm 1981, ông Phan Trọng An phục viên trở về địa phương tiếp tục tham gia công tác. Ông từng là Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã Hồng Lộc, đến năm 1998 thì nghỉ hưu. Còn ông Nguyễn Công Trung tiếp tục ở lại đơn vị, từng 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ quyết thắng. Năm 1997, ông Trung về hưu với quân hàm thiếu tá. Cùng với những cống hiến cho đất nước, cả 2 cựu binh đều có cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cái đều trưởng thành và thành đạt.

bqbht_br_a7-1603.jpg
Các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh gặp mặt ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025).

“Những ngày này, khi cả nước cùng hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như các cựu binh khác, tôi và anh Phan Trọng An đều luôn hướng về, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, những người để lại một phần thân thể trên chiến trường. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau tiếp tục giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ, không ngừng cống hiến, dạy bảo con cháu phải luôn biết tự hào và ghi nhớ công lao cha ông - những người đã hiến cả máu xương, tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hòa bình hôm nay...” - cựu binh Nguyễn Công Trung xúc động chia sẻ.

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đọc thêm

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.
Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Với điểm IELTS 8.0, “thần đồng tiếng Anh” Nguyễn Lê Bảo Chung (lớp 6A7, Trường Albert Einstein Hà Tĩnh) đã trở thành 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt số điểm này với kỹ năng Reading đạt tuyệt đối 8.0, Speaking 8.5, Listening 8.5 và Writing 7.0.
Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, Nhân dân thôn Đồng Yên ở xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng quê hương thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thanh bình, đáng sống.
Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.