Phòng sinh hoạt văn hóa ở Khu lăng mộ và đền thờ Đông các Đại học sĩ - Tiến sĩ Trương Quốc Dụng(xã Thạch Khê) là điểm gặp gỡ, luyện tập lý tưởng của CLB dân ca, hò vè ví giặm Nam Khê.
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Những điệu hò sau một thời gian dài rơi vào quên lãng đang được sống dậy một cách tươi mới trong các buổi sinh hoạt sôi nổi của CLB Hò vè ví giặm Nam Khê. Đều đặn tối thứ 7 hàng tuần, 20 thành viên đến từ 5 xóm (Vĩnh Long, Tân Hương, Long Tiến, Đồng Giang, Tân Phúc) xã Thạch Khê lại tập trung tại phòng sinh hoạt văn hóa tại Khu lăng mộ và đền thờ Đông các Đại học sĩ - Tiến sĩ Trương Quốc Dụng để luyện hát những điệu hò, câu ví và chia sẻ những sáng tác mới của các thành viên.
Buổi sinh hoạt định kỳ của CLB hò vè, ví giặm Nam Khê.
Với họ, được đắm mình trong không gian văn hóa dân ca ví giặm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Bà Trần Thị Đào (63 tuổi) cho biết: Vợ chồng tôi đều mê dân ca, nhất là những điệu hò vè Nam Khê từ thời cha ông truyền lại. Mỗi lần cùng các anh chị em trong CLB hòa mình trong điệu hò, lại da diết nhớ những năm tháng dẫu gian nan, vất vả nhưng lúc nào cũng cất cao tiếng hò…
Vợ chồng bà Trần Thị Đào- Dương Kim Thành say sưa với điệu hò quê hương.
Với bà Dương Thị Đào (75 tuổi), người đã từng được chọn tham gia cùng đội văn công khu vực quân khu 4 đi phục vụ các chiến trường rồi sang biểu diễn tận Triều Tiên, Trung Quốc, từ ngày được sinh hoạt CLB, bà như khỏe lại. Bà kể, thuở nhỏ bà theo đội sản xuất xem những lớp người đi vừa sản xuất vừa hò vè khích lệ phong trào, bà đã mê và tập hát theo. “Những bậc tiền bối như ông Văn, ông Học, bà Bàn đều đã mất và những năm tháng chiến tranh gian khổ: ngày sản xuất tối lại ra biển cùng dân quân trực súng đã lùi xa, nhưng những điệu hò vẫn cho tôi được sống mãi với những ký ức không thể nào quên ấy”- bà Đào chia sẻ.
Bà Dương Thị Đào (người cầm mic) từng được chọn tham gia cùng đội văn công khu vực quân khu 4 đi phục vụ các chiến trường và biểu diễn tận Triều Tiên, Trung Quốc.
Những thành viên CLB đều rất vui mừng khi được sống lại trong mạch nguồn văn hóa truyền thống của quê hương Thạch Khê. Họ đặc biệt biết ơn sự hỗ trợ, tiếp sức của những người đã dày công vận động sáng lập và đồng hành, hỗ trợ CLB bằng tất cả tình yêu, niềm tâm huyết.
Từ tình yêu di sản quê hương
Chủ nhiệm của CLB hò vè ví giặm Nam Khê - ông Nguyễn Xuân Lý thời trai trẻ từng là Phó bí thư đoàn, đội trưởng đội văn nghệ xã, sau hàng chục năm quân ngũ, nghỉ hưu, dù gia đình sống ở Nghệ An nhưng ông thường xuyên về quê. Nhất là khi CLB hò vè ví giặm Nam Khê được xúc tiến thành lập và đi vào hoạt động gần 2 năm nay, ông Lý hầu như chẳng có tuần nào không về sinh hoạt anh chị em trong CLB. Ngoài việc cùng các thành viên sưu tầm các điệu hò truyền thống, con người đầy chất nghệ sỹ này là tay sáng tác chủ lực của CLB.
Chủ nhiệm của CLB dân ca hò vè ví giặm Nam Khê - ông Nguyễn Xuân Lý (người đứng ngoài cùng bên trái).
Chịu trách nhiệm chính về chuyên môn của CLB là bà Trần Thanh Lam với vai trò một phó chủ nhiệm. 65 tuổi, bà Lam vẫn giữ giọng hát rất mượt mà, sâu lắng và có phong thái biểu diễn khá chuyên nghiệp. Bà chia sẻ: “Tôi có quỹ thời gian khá dư giả, vì vậy đã dày công sưu tập lại các câu hò đồng thời tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tập luyện cho các thành viên CLB”. Thừa hưởng giọng hát và nối tiếp tình yêu hò vè của mẹ, con gái bà, chị Trần Thu Hà sống ở TP Hà Tĩnh cũng đăng ký làm thành viên và rất nhiệt tình, trách nhiệm với hoạt động của CLB.
Bà Trần Thanh Lam(người thứ 2 bên trái) và con gái Trần Thu Hà (người ngoài cùng bên phải) luyện tập cùng CLB.
Thầm lặng trong suốt cả quá trình, từ việc tìm người trụ cột, vận động thành lập và tài trợ kinh phí, định hướng phát triển cho CLB là một doanh nhân - hậu duệ của ông Trương Quốc Dụng đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông Thành là con trai của ông Trương Quốc Văn - một chủ nhiệm HTX sản xuất tài ba và hào hoa, người từng tổ chức nhiều cuộc thi hò vè để động viên bà con xã viên tăng gia sản xuất trong những năm 60, 70 ở Thạch Khê.
Những điệu hò, câu ví đang được sưu tầm, gìn giữ và đi vào đời sống tinh thần của người Thạch Khê.
“2 năm nay, sau khi đến tuổi nghỉ công tác, tôi mới có thời gian về quê thực hiện tâm nguyện khơi lại mạch nguồn hò vè Nam Khê. Sau một thời gian gây dựng, hỗ trợ phát triển CLB ở quê nhà, tôi đang tiếp tục phối hợp với trường học trên địa bàn- THCS Lê Hồng Phong- tổ chức các chương trình để từng bước đưa hò Nam Khê và dân ca ví giặm vào trường học. Từ nay, CLB dân ca hò vè, ví giặm Nam Khê và CLB dân ca ví giặm ở trường học sẽ thường xuyên kết nối, hỗ trợ nhau để hò Nam Khê nói riêng, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nói chung được trao truyền qua nhiều thế hệ, mãi mãi là tiếng nói ân tình của tâm hồn người xứ Nghệ”… ông Thành chia sẻ.