Theo chuyên gia tâm lý gia đình Niloufar Esmaeilpour, người sáng lập tổ chức trị liệu tâm lý Lotus Therapy (California, Mỹ) việc các bà vợ đôi khi to tiếng, dù không phải là lý tưởng, nhưng có thể là bình thường, đặc biệt là vào những thời điểm căng thẳng và cảm xúc lên cao trào.
Tuy nhiên, nếu phản ứng này diễn ra ở cấp độ liên tục, nó là dấu hiệu của những vấn đề sâu xa hơn. Chuyên gia giải thích: "Bất cứ khi nào một người vợ dùng đến việc la hét, cô ấy đã đạt đến ngưỡng kiên nhẫn và kỹ thuật được lựa chọn là tăng âm lượng giọng nói".
Có một số lý do phổ biến dẫn đến thái độ này của người vợ.
Choáng ngợp vì quá nhiều trách nhiệm
Cuộc sống hàng ngày gây nhiều áp lực cho người vợ. Theo Marissa Moore, chủ tổ chức trị liệu tâm lý Mending Hearts Counseling, khi người vợ cáu gắt có thể do thấy cô ấy choáng ngợp vì công việc, việc nhà hoặc các trách nhiệm khác. Họ to tiếng để giải tỏa những gì bị dồn nén.
Ngoài ra, tình hình tài chính của gia đình cũng có thể là một yếu tố tiềm ẩn khác. Điều này khiến người vợ luôn trong tình trạng cảnh giác, dễ dàng tranh cãi về việc chi tiêu hàng ngày, tiền tiết kiệm hoặc khi đưa ra các quyết định tài chính.
Cảm thấy không được lắng nghe
Sự thất vọng có thể dễ dàng nảy sinh khi ai đó cảm thấy không được lắng nghe và không được trân trọng. Nếu vợ dùng đến cách la hét, có thể bạn không cho cô ấy cảm giác được lắng nghe, tôn trọng. Việc cảm thấy suy nghĩ và cảm xúc của mình không được thừa nhận khiến cô ấy có thể hét lên để đảm bảo rằng mình được lắng nghe.
Có những xung đột chưa được giải quyết
Các vấn đề trong quá khứ có thể kéo dài và tái diễn, dẫn đến những bất đồng quan điểm gay gắt. Khi những vấn đề chưa được giải quyết này lại nảy sinh theo thời gian, thì việc các cuộc tranh cãi "trở thành tiếng la hét" là điều bình thường.
Tính cách trái ngược
Sự mâu thuẫn trong tính cách có thể dẫn đến phong cách giao tiếp không phù hợp, ví dụ một người thích im lặng, một người thích cãi vã. Khi cả hai thường xuyên xảy ra sự lệch pha này, việc giao tiếp lành mạnh trong mối quan hệ trở nên khó khăn. Sự bối rối có thể dẫn đến tính khí nóng nảy, dẫn đến la hét.
Chấn thương tâm lý ngày nhỏ
Trong một số trường hợp, người vợ sử dụng tiếng hét như một cơ chế phòng thủ. Cơ chế phòng thủ này được phát triển từ những chấn thương trong quá khứ hoặc hành vi học được. Những trải nghiệm trong quá khứ, dù là từ thời thơ ấu hay những mối quan hệ trước đây, đều có thể ảnh hưởng đến những phản ứng hiện tại.
Nên làm gì khi vợ cáu gắt, to tiếng?
Cần chú ý, khi vợ bạn hét vào mặt bạn, điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh và không phản ứng bằng sự tức giận.
Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi vợ la hét là thừa nhận cô ấy rõ ràng đang tức giận. Nên đề nghị vợ trò chuyện, nói ra suy nghĩ. Điều này xác nhận cảm xúc của vợ đồng thời thừa nhận rằng việc la hét không có lợi. Điều này có thể giúp bạn đời cảm thấy được xác nhận và lắng nghe. Điều quan trọng nữa là phải cho vợ thấy bạn sẵn sàng lắng nghe tích cực khi cô ấy buồn.